Cuộc bầu cử Thượng viện tại Campuchia vừa qua đã kết thúc với một kết quả không quá bất ngờ: đảng cầm quyền là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen vẫn giành chiến thắng như mọi khi.
Thủ tướng Hun Sen tại điểm bỏ phiếu |
Điều khác biệt duy nhất trong kỳ bầu cử này là họ có một đối thủ khác, đó là sự vươn lên của Đảng Sam Rainsy.
Sau khi kết quả được công bố vào chiều qua 30/1, lãnh đạo Đảng Sam Rainsy còn khẳng khái tuyên bố họ là lực lượng thách thức mạnh nhất tới Đảng CPP.
Sam Rainsy (SRP) đã giành được 11 ghế trong Thượng viện. So với hồi năm 2006, đảng này đã giành thêm 9 ghế. Như vậy, đảng này trở thành đảng lớn thứ hai tại Campuchia và là "lực lượng duy nhất có thể trở thành thách thức lâu dài cho CPP".
Trong khi đó, đảng cầm quyền CPP đã lên lãnh đạo đất nước từ năm 1979 và từ đó tới nay, họ hầu như không gặp phải thách thức nào khác tại Campuchia.
"Hai đảng CPP và SRP đang cạnh tranh lẫn nhau, các đảng còn lại quá nhỏ để có cơ hội giành được cơ hội thắng ghế trong quốc hội. Đảng SRP là lực lượng duy nhất có thể đem lại một lựa chọn rõ ràng bên cạnh CPP" - lãnh đạo đảng đối lập này tuyên bố.
Theo kết quả công bố, CPP giành được 78% số phiếu bầu, SRP giành được gần 22% số phiếu. Nếu các đảng không có khiếu nại gì thì kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 4/2 tới. Tuy nhiên, chiến thắng của CPP hầu như đã được đoán trước.
Về cuộc bầu cử này, các nhóm giám sát ở địa phương cho rằng nó chưa phản ánh đúng thực chất nguyện vọng của người dân, và chiến thắng của đảng của Thủ tướng Hun Sen là do ưu thế thống trị của họ tại Hạ viện.
Dù cho vai trò của Thượng viện có nhiều hạn chế, chẳng hạn như Thượng viện không có quyền chỉnh sửa hay phủ quyết các dự luật mà Hạ viện đề xuất. Nhưng trên thực tế, việc lựa chọn CPP hay SRP thể hiện rõ chiều hướng phát triển của Campuchia trong tương lai gần.
Bởi Thủ tướng Hun Sen là người theo đuổi các chính sách thị trường tự do, nhờ đó mà nền kinh tế nước này đạt được những thành quả đáng kể trong những năm qua. Còn đảng đối lập SRP lại chú trọng tới các vấn đề nhân quyền, đói nghèo và muốn xóa nạn tham nhũng.
Son Chhay - một nhà lập pháp của đảng đối lập - cho biết: "Tham nhũng trong chính quyền là vấn đề then chốt. Chúng ta phải đấu tranh chống lại tệ nạn này nhằm đảm bảo rằng những gì người dân nhận được là tương xứng với thành quả mà đất nước tạo ra".
Hiện nay, nhờ sự mở cửa mà nền kinh tế Campuchia đã tăng trưởng mạnh mẽ trong khu vực Đông Nam Á, với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm lên tới 10% trong suốt thập kỷ qua Nhưng đất nước cũng có những vấn đề đòi hỏi các đảng phải có cương lĩnh rõ ràng.
Nợ nước ngoài của Campuchia vào khoảng giữa 3,3 tỉ USD (tương đương 29% GPD) và 7 tỉ USD (63% GDP) - tùy thuộc vào nguồn dữ liệu mà nhà nước công bố.
35% người dân trong dân số 14 triệu người Campuchia (tương đương 5 triệu người) sống dưới chuẩn nghèo. Những con số này cũng là nguyên nhân dẫn tới những vấn đề xã hội nhức nhối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.