Theo truyền thông quốc tế, ngày mai (23-2), các cử tri Đức sẽ đi bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử liên bang có thể định hình lại bối cảnh chính trị của đất nước.
Với sự sụp đổ của liên minh cầm quyền do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo, người Đức dự kiến sẽ chọn một hướng đi mới cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Các cuộc thăm dò cho thấy, sự ủng hộ dành cho cả 3 đảng trong liên minh cầm quyền, bao gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP), đã giảm đáng kể từ cuộc bầu cử trước đó vào tháng 9-2021.
Ứng cử viên hàng đầu để trở thành Thủ tướng Đức tiếp theo là ông Friedrich Merz, Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU). Tỷ lệ ủng hộ Liên minh CDU và đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) của ứng viên Thủ tướng Friedrich Merz đang dẫn trước với 28%.
Nhưng sự trỗi dậy của đảng cực hữu AfD đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà phân tích trước cuộc bầu cử này. AfD hiện ở vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò, dự kiến sẽ giành được khoảng 21% số phiếu bầu, trong khi đảng SPD đang ở mức 16% và đảng Xanh ở mức 14%.
Các nhà phân tích cho rằng, rất khó có khả năng một đảng nào đó có thể giành được đa số ghế trong quốc hội tại cuộc bầu cử lần này, vốn là yêu cầu bắt buộc theo hệ thống bầu cử của Đức để tự thành lập chính phủ mới.
Thay vào đó, các đảng phải đàm phán liên minh để thành lập chính phủ, với đảng giành được nhiều ghế nhất thường đưa lãnh đạo của mình vào vai trò thủ tướng.
Phục hồi nền kinh tế là một trong hai vấn đề lớn của chiến dịch tranh cử lần này. Vấn đề còn lại là di cư và an ninh, được các chính trị gia Đức quan tâm sau một loạt vụ tấn công chết người tại các thành phố Mannheim, Solingen, Magdeburg, Aschaffenburg và Munich kể từ tháng 5-2024.
Doanh nhân Merz, 69 tuổi, được kỳ vọng sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Đức. Được biết đến với cách tiếp cận chính trị thẳng thắn, ông Merz cam kết sẽ phục hồi nền kinh tế trì trệ của Đức, giảm thuế và thắt chặt chính sách nhập cư. Ông lập luận rằng, nền kinh tế đầu tàu châu Âu cần trở nên cạnh tranh hơn trên trường quốc tế.
Ông Merz cũng kêu gọi Đức tăng chi tiêu quốc phòng từ mức 50 tỷ euro hiện nay lên 80 hoặc 90 tỷ euro mỗi năm sau năm 2028, với lý do lo ngại về an ninh châu Âu. Điều này càng quan trọng hơn khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của Washington với các đồng minh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự ủng hộ vững chắc của nước này đối với Ukraine.
Chủ tịch đảng CDU cũng đề xuất thành lập một nhóm liên lạc quốc phòng châu Âu, bao gồm Đức, Pháp, Vương quốc Anh và Ba Lan, để phối hợp các chiến lược hiệu quả hơn.
Ông Merz vẫn cam kết với vai trò của Đức trong EU và khối NATO, kêu gọi một cách tiếp cận thống nhất của châu Âu đối với an ninh toàn cầu, đảm bảo rằng Berlin vẫn là một nhân tố chủ chốt trong việc định hình tương lai của lục địa này.
Hiện nay, khắp châu Âu đang dấy lên hy vọng, cuộc bỏ phiếu vào ngày 23-2 sẽ mang lại sự chắc chắn cho nền dân chủ lớn nhất EU và nền kinh tế lớn nhất của liên minh này, vốn đang phải vật lộn để thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.