(HNNN) - Sự khiêm tốn tự ngăn mình, lại có nghĩa là biết cách ức chế dục vọng bản thân, điều chỉnh oán thù và danh lợi.
Cảnh vẽ rất nhộn nhịp. Một con chim nhạn ngậm thư từ trên mây lao xuống, muốn nói tin tức sẽ đến rất nhanh. Một người đang quỳ nhận tấm lụa vua ban, tức là thỏa ý, thuận buồm xuôi gió. Một người cưỡi lên lưng cọp, là tình thế phải tiến lên, không trì hoãn được. Một kẻ bắn lén đang phục trong núi, âm mưu cũng sẽ đến rất mau lẹ. Tốn là đại diện cho gió mềm mại, nhanh chóng, vô hình. Tốn rất khiêm nhường, chịu nhịn và có thể lọt vào bất cứ đâu. Trong quan hệ xã hội, cần có tính thích ứng, mềm mại, khôn khéo. Tuy nhiên đừng nên nhu nhược quá.
Theo cổ văn, quẻ Tốn phần trên có hình hai người quỳ gối, phần dưới có hình chiếc giường, nên có nghĩa là thuần phục, tuân lệnh. Cây tùy địa thế mà bám rễ, phượng hoàng chọn cành mà đậu, cũng có ý phục thuận theo điều kiện cụ thể. Quẻ này có triệu cô chu đắc thủy (thuyền cô độc mắc cạn). Màu sắc quẻ Tốn là thuần xanh lá cây. Đây là biểu hiện của cuộc sống yên bình, dễ chịu và mang tính trung hòa. Sách Dịch có nói Tốn là khép mình lại, khiêm nhường mà chân chính, dựa trên mấy nguyên tắc sau:
1. Khiêm nhường không phải là nhu nhược, không có quan điểm rõ ràng, nghi hoặc, do dự. Mà khiêm nhưng vẫn có quan điểm riêng, chọn lựa hoàn cảnh và tùy điều kiện để hành động. Thời Xuân thu, vua Tề cử Bão Thúc Nha làm đại tướng đánh nước Lỗ. Vua Lỗ là Trang Công phong Tào Quế làm tham mưu giao tranh với quân Tề. Bão Thúc Nha liên tục tấn công quân Lỗ, thắng hiệp đầu tiên bèn có ý khinh địch, lại thúc trống trận ầm ầm giục quân xông lên. Trang Công hoảng hốt cũng hạ lệnh cho quân chuẩn bị xuất trận, nhưng Tào Quế ngăn lại và hạ lệnh cho quân không được đánh trống, chờ ở trận địa, không ai được náo loạn. Quân Tề đánh hồi trống thứ hai khiêu chiến, nhưng quân Lỗ vẫn im lìm. Tiếp đến hồi trống thứ ba, vẫn không thấy có động tĩnh, Bão Thúc Nha nói với thuộc hạ chắc là quân Lỗ hết hồn rồi, hết hồi trống này chắc sẽ tháo chạy. Nghe hết hồi trống thứ ba, Tào Quế nói với Trang Công cho đánh trống xung trận. Quân Lỗ tràn lên dũng mãnh, quân Tề bị bất ngờ thua trận ngay. Khi tổ chức yến tiệc mừng chiến thắng, Trang Công hỏi nguyên nhân, Tào Quế giải thích: Đã đánh trận phải dựa vào dũng khí, đánh trống là tín hiệu lệnh tấn công. Lần đầu đánh trống là lúc khí thế mạnh nhất. Lần hai đánh trống không gặp đối thủ, khí thế đã giảm. Lần ba đánh trống không chiến đấu thì khí thế còn một nửa. Vì vậy thần chọn đúng lúc này để ra hiệu lệnh tấn công, đánh trống lần đầu của ta, binh sĩ sẽ có tinh thần mạnh mẽ chống lại tinh thần rệu rã của địch, tất nhiên là thắng lợi.
2. Khiêm tốn không phải là tự ti, không có lòng tin, thiếu năng lực, nhút nhát đến mức quên đi cả thể diện cá nhân và đất nước. Trong sử nước ta, năm 571, sau khi đánh bại Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử lên ngôi xưng là Hậu Lý Nam Đế. Tuy làm vua 31 năm, nhưng ông vua này bất tài và hèn nhát. Năm 602, giặc Tùy sang xâm lược, nhưng nhà vua quá sợ hãi, không đánh trận được. Sách Việt sử tiêu án chép: Trông thấy địch là đầu hàng, người vô dũng thật đáng khinh bỉ. Khi quân Tùy kéo đến, chưa bắn một mũi tên nào đã chịu nhục dâng ngọc, dắt dê xin đầu hàng, hèn nhát thế. Đại Việt Sử ký toàn thư cũng bình: Thấy có việc xâm lăng thì lấy lời lẽ mà biện, lấy ngọc lụa làm lễ, nếu mà còn không được thì dù đến khốn nữa cũng giữ lấy thành mà đánh một trận, thề giữ đến chết, cùng xã tắc mà mất còn, thế mới không xấu hổ. Có lẽ nào mới thấy quân giặc đến cõi, chưa giao chiến trận nào đã sợ mà xin hàng ngay? Thế là Lý Phật Tử bị bắt làm tù binh, bị đưa về phương Bắc giam giữ. Ô danh cả quốc thể.
3. Sự khiêm tốn trong con người phải là bản chất tự nhiên, không thể cố tình tạo dựng nên bề ngoài, còn giả dối bên trong. Khiêm như thế chỉ cốt lấy lòng người mưu đồ lợi ích cá nhân. Vì thế, phạm vi của khiêm hoặc sách lược của khiêm có giới hạn nhất định. Với những vấn đề không quan trọng lắm, tạm thời xảy ra, không liên quan đến nhiều người thì nên sử sự khiêm nhường. Còn những vấn đề đúng sai quyết định vận mệnh của một con người, một sự nghiệp, một quốc gia thì không thể khiêm mãi được. Thuyết Uyển kể, Chu Thành Vương phong vương, Chu Công từ chối, bèn phong cho Bá Ly - con của Chu Công làm Lỗ vương. Trước khi đi, Chu Công nhắc Bá Ly rằng: Sang nước Lỗ không được kiêu ngạo với mọi người. Ta là con của Văn Vương, em của Vũ Vương, chú của Thành Vương, đang phò tá thiên tử chấp chính, địa vị trong thiên hạ không thấp. Thế nhưng ăn một bữa cơm phải ba lần nhổ ra để tiếp người khác, dừng gội đầu ba lần, buộc tóc để tiếp khách còn sợ rằng chưa được lòng người trong thiên hạ. Ta nghe nói người cao thượng giữ cung kính mới được vinh quang; người giàu có nên tiết kiệm mới yên ổn; địa vị cao nên giữ khiêm tốn mới càng hiển quý. Một người làm thiên tử có cả thiên hạ, nếu không khiêm tốn sẽ mất đi thiên hạ, bản thân cũng bị diệt vong.
4. Sự khiêm tốn tự ngăn mình, lại có nghĩa là biết cách ức chế dục vọng bản thân, điều chỉnh oán thù và danh lợi. Không để bản năng chỉ đạo hành động. Nếu không làm được như vậy sẽ không được mọi người tôn trọng. Thời Xuân Thu, cha và anh của Ngũ Tử Tư bị Sở Bình Vương giết hại. Ngũ chạy sang nước Ngô thề báo thù, diệt Sở. Về sau, Ngũ giúp Ngô Vương hạ được nước Sở. Nhưng để trả thù nhà, Ngũ đã khai quật thi thể của Sở Vương lên đánh 300 roi để giải tỏa mối oán hận. Bạn của Ngũ là Thân Bao Tư can ngăn vì đó là sự báo thù thái quá, Ngũ trả lời: Ta không còn sống được bao lâu nữa, ta vội báo thù vì không còn cách nào khác. Về sau Thân Bao Tư mượn quân nước Tần khôi phục nước Sở, còn Ngũ Tử Tư bị Ngô vương Phù Sai giết hại. Bao nhiêu công lao giúp vua Ngô xưng bá cũng trôi xuống sông biển hết.
5. Tinh thần khiêm tốn phải được thể hiện bằng sự quan tâm đãi ngộ đúng lúc, đúng người, nhất là cần phải tỏ cho người giúp mình thấy sự bình đẳng giữa các bên và trên, dưới. Thời Tần, Lưu Bang chỉ là một tiểu lại nông thôn ở huyện Bái nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, kết bạn với nhiều người. Trong quá trình khởi nghĩa và thống nhất nhà Tây Hán, Lưu Bang luôn cầu người tài, không màng đến thành phần xuất thân, chỉ cần kết giao bằng sự phục vụ tận tình. Sau khi thành đại nghiệp, đều luận công khen thưởng. Tiêu Hà, Tào Tham là tiêu lại nông dân đều được phong làm Tể tướng, Thừa tướng; Trần Bình nghèo hèn, từ mưu sĩ được phong Khúc Nghịch Hầu; Phàn Khoái làm nghề mổ chó cũng được phong Vũ Dương Hầu; Trương Lương thì xuất thân quý tộc được phong Lưu Hầu. Đến phu xe Lâu Kính vì có kiến nghị dời đô cũng được phong Lang Trung. Tất cả những nhân vật này đều được đối xử bình đẳng, thoải mái, tự nhiên trước mặt Lưu Bang. Vì thế, họ tận tâm tận lực với sự nghiệp nhà Hán và với Lưu Bang.
6. Khiêm không những phải dành sự trân trọng cho những người xung quanh mình, mà còn phải biết xem xét lại bản thân mình để được người khác tôn trọng. Đời nhà Tống, Bao Công được gọi là Thanh Thiên đại lão gia từng thực thi pháp luật rất công bằng, chém cả phò mã Trần Thế Mỹ, tuy nhiên ông vẫn để lọt những vụ án oan sai. Ông đã kết án Nguyên soái Địch Long là hung thủ mưu sát Thái tử, rồi triệu tập cả vợ Nguyên soái là tướng tiên phong Đào Hồng Ngọc về triều thẩm án. Nhưng nhờ người cháu là Bao Quý khuyên can nhiều lần, khiến Bao Công thấy vụ án có vấn đề chưa rõ ràng. Sau khi điều tra lại, phát hiện là mình đã xử sai, Bao Công đã nghiêm khắc tự kiểm điểm trước vợ chồng Địch Long. Ông đã yêu cầu Bao Quý luận tội mình theo luật pháp hiện hành lúc đó nhằm làm gương cho các quan án khác. Vì biết tôn trọng nhân phẩm người khác và danh dự của mình, nên ông nổi danh trong lịch sử, được suy tôn là Bao Thanh Thiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.