(HNNN) - Người có cương vị và chính trực, không nên lấy lòng tiểu nhân và càng không nên vì bọn đó làm mình vui sướng mà sủng ái.
Một người buôn gánh hàng ngồi nghỉ trên đường, ý nói là tạm nghỉ trách nhiệm cho thoải mái. Trăng rằm sáng đẹp và người con gái đứng cạnh mũi tên kèm lá thư và hộp trang sức, nghĩa là muốn bắn tin để cầu hôn. Người thanh niên đang đứng cạnh gốc cây đợi chờ câu trả lời. Đoài chính là vui sướng, người thiếu nữ vui vẻ. Niềm vui sẽ làm mọi người hiểu nhau hơn, nhưng nếu không giữ mồm miệng sẽ thành mối bất hòa, vì vạ từ miệng lưỡi. Và phải hiểu điều quan trọng nhất là, khách sáo sẽ không có được tình cảm thật lòng.
Theo Thuyết văn, Đoài là nói vậy. Chữ Đoài tức là vui, nên miệng mở ra. Còn trong giáp cốt văn, hình Đoài là cái miệng há ra vui vẻ. Niềm vui của con người rất nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, nhưng vấn đề là cách thức tạo ra niềm vui và tận hưởng niềm vui đó như thế nào. Nhiều người lấy ăn uống, đặc biệt là rượu để tạo niềm vui, nhưng cũng có người chuốc vui bằng rượu để dò tâm ý. Sử chép sau khi thống nhất đất nước, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương mời Trung Sơn vương Từ Đạt đến uống ruợu và chuốc cho Đạt say mềm, rồi sai nội thị đưa Đạt vào cựu nội (nơi ngủ trước khi Chu Nguyên Chương làm hoàng đế). Đến sáng tỉnh rượu, Đạt hỏi người phục vụ, mới biết đây là cựu nội. Đạt vội vã bước ra ngoài, quay mặt về hướng Bắc vái hai vái, cúi mình ba lần rồi mới ra về. Nguyên Chương nghe báo lại thái độ của Đạt, rất hài lòng, vì như thế là không có biểu hiện cậy thế công thần, quên gốc gác cũ. Quẻ này có triệu lưỡng trạch tương tụ (hai con lạch hợp thành sông). Màu sắc của quẻ Đoài là thuần tím, được coi là biểu tượng của thủy chung, thương nhớ và cũng là sự độ lượng. Vui vẻ là một phần nhân tính, cuộc sống không thể thiếu niềm vui, vì nó tác động rất lớn đến con người, góp phần cho thành công và thúc đẩy khả năng cá nhân lên ngưỡng bất ngờ. Bởi vậy, muốn có được niềm vui, chúng ta cần phải biết:
1. Muốn bản thân được vui vẻ và thấy vui vẻ, thì phải làm bằng được những điều mình mong muốn và thấy say mê, thích thú trong cuộc sống. Đời nhà Đường, có Trần Huy, xuất gia làm hòa thượng từ năm 13 tuổi, chỉ say mê nghiên cứu Phật học. Nhưng, sau thấy kinh Phật mà ông đang co, có nhiều sai sót, nên ông quyết sang Ấn Độ lấy kinh nguyên bản nhà Phật về để sửa chữa. Từ năm 629 xuất phát tìm đường sang đất Phật, trải qua 16 năm, đến năm 645 ông đã đem được 650 bộ kinh Phật về Trường An. Tuy là người thoát tục, nhưng ông vẫn muốn làm việc có ích để phục vụ cho nghiệp tu hành của mình và của đồng đạo được trọn vẹn. Quá trình viễn hành đến đất Phật và trở về thành công của ông, đã được Ngô Thừa Ân chép lại và viết thành bộ tiểu thuyết Tây Du ký nổi tiếng.
2. Nếu mình hòa chung niềm vui với người khác và san sẻ rộng rãi niềm vui, thì niềm vui đó càng được trọn vẹn. Người trên phải biết chia sẻ niềm vui cho người dưới, hoặc chí ít cũng không nên tước đi niềm vui giản đơn của họ. Chuyện của Thuyết Uyển kể rằng, có lần Án Tử chuẩn bị mời vua Tề Cảnh Công uống rượu, nên bảo gia nhân phải bày đồ uống rượu mới. Gia nhân báo lại rằng, hiện không đủ tiền mua, nên đề nghị cho đi trưng thu ở thái ấp. Án Tử không tán thành vì: Thiên tử cùng hưởng vui với thần dân thiên hạ, chư hầu cùng hưởng vui với thần dân trong nước, từ đại phu trở xuống cùng hưởng vui với thuộc hạ của mình, không nên hưởng vui một mình. Nay người ở bên trên hưởng vui thỏa thích, người ở bên dưới lại cảm thấy đau lòng đối với sự vui vẻ lãng phí đó, ấy chính là loại người hưởng lạc một mình. Không thể làm như thế. Trên dưới cùng vui hưởng, được coi là một nghệ thuật lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo chỉ lo hưởng thụ một mình mà không quan tâm đến sự lo lắng, thiếu thốn, khổ sở của dân, sẽ bị dân oán hận, sinh ra thù ghét, bạo loạn.
3. Muốn yêu cầu người khác làm cho mình vui vẻ, thì cũng phải biết mức độ yêu cầu phù hợp với bản thân và hiểu được niềm vui ấy như thế nào. Chuyện Hà Thành cũ chép rằng, thời Pháp thuộc có cô chủ thầu Tư Hồng, nhờ thân mật với người Tây nên chạy chọt trúng thầu vụ phá thành Hà Nội. Sau đó lại đầu cơ buôn gạo vào miền Trung đang đói kém, mất mùa, nên trúng quả đậm, rồi nghe diệu kế liền quay sang phát chẩn ít thóc, thế là được triều đình Huế tặng bảng vàng Lục quyên nghĩa phụ. Tiện thể, Tư Hồng còn cố chạy chọt thêm cho bố đẻ được hàm Ngũ phẩm. Có danh tiếng rồi, Tư Hồng sửa sang nhà cửa, khao linh đình. Bọn tay chân nịnh hót kéo đến chúc tụng và gợi ý, nếu được cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đề tặng cho vài chữ thì danh tiếng hơn, sung sướng hơn. Nghĩ sao được vậy, cụ Yên Đổ bằng lòng cho ông bố Tư Hồng đôi câu đối: Một đạo sắc phong hàm cụ lớn - Nghìn năm danh giá của bà to. Câu đối dành cho Tư Hồng là: Có tàn có tán có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh - Nào biển, nào cờ, nào sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người. Và cuối cùng là ba chữ đại Chi chi dã dán ở cửa. Cụ Yên Đổ giải thích nôm na: Lấy chữ sách như thế mà đề cánh cổng mới sắc sảo. Lớn nhỏ đều có thể ra vào nơi đây, từ quan đến dân. Tất cả trầm trồ, Tư Hồng mừng rơn! Nhưng nhiều người lại lắc đầu thương hại cho kẻ ngu si, hãnh tiến, không hiểu biết gì. Bởi những từ của bà to, tàn tán, chi chi dã đều là những từ mắng giễu mấy ả điếm đứng đường thời ấy.
4. Người có cương vị và chính trực, không nên lấy lòng tiểu nhân và càng không nên vì bọn đó làm mình vui sướng mà sủng ái. Chúng sẽ gieo mầm họa cho cả sự nghiệp cá nhân và đất nước. Cuối thời nhà Minh, Vương Chấn là một viên quan gian tham, luôn nịnh bợ làm vui lòng vua Anh Tông, nên được vua sủng ái. Hắn chuyên quyền khiến cả triều đình phải sợ. Khi giặc Ngõa mưu đồ tiến chiếm Trung Nguyên, Vương không muốn chống giặc mà chỉ muốn tìm cách nịnh hót thủ lĩnh bọn chúng. Năm 1449, quân Ngõa gây chiến, vua Anh Tông đích thân dẫn quân viễn chinh, quân Ngõa bày trận phục binh để nhử. Vương thấy giặc lui, bèn đuổi theo, trúng kế đại bại, Anh Tông phải hồi kinh. Trên đường về, Vương Chấn quyết định ở lại Mộc Bảo, mà không nghe các đại thần khuyên về thành Hoài Lai cố thủ. Thế là quân Ngõa đến vây chặt, tiếp đó đưa thư vờ cầu hòa, Vương Chấn tưởng thật, bèn lệnh cho quân sĩ tranh thủ phá vây về thành Hoài Lai và lại rơi vào phục binh của quân Ngõa. Minh Anh Tông bị quân Ngõa bắt sống, còn Vương Chấn bị giết chết. 50 vạn quân Minh bị phá tan tành chỉ vì nhà vua tin yêu, sủng ái một kẻ tiểu nhân.
5. Thường những người trên cương vị lãnh đạo sẽ có rất nhiều kẻ cơ hội bám quanh lấy lòng, làm đẹp lòng họ và gia đình họ để mưu lợi cá nhân. Nếu người lãnh đạo không tỉnh táo sẽ bị kẻ tiểu nhân thao túng, giật dây vì những lời tán dương mình là vĩ nhân, duy ngã độc tôn. Thời Chiến quốc, có lần vua Tấn Bình Công ngồi uống rượu với quần thần nói rằng: Làm vua chẳng có gì vui vẻ cả, thú vui duy nhất là không có kẻ chống lại ý mình. Người chơi đàn Lạc Sư Khoáng nghe thấy thế bèn ném cây đàn về phía vua, nhà vua giật mình né tránh được, cây đàn đâm vào tường tạo thành lỗ thủng to. Tấn Bình Công giận dữ quát hỏi, Lạc ngửa cổ lên than rằng: Một vị vua vì dân, sao có thể nói ra câu này? Nếu bệ hạ không nghe ý kiến người khác, thì sao biết cách cai quản đất nước cho tốt được? Vua nghe vậy rất xấu hổ, ngăn không cho sửa cái lỗ thủng trên tường, cứ để thế mà thường xuyên trông vào đó mà tự nhắc nhở mình.
6. Mang lại niềm vui cho người khác thì dễ, nhưng đem lại niềm vui cho chính mình khó hơn, vì không phải ai cũng biết tự vui, tự hài lòng với bản thân. Liệt Tử chuyện chép, có một lần Khổng Tử đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ đang ngao du ngoài đồng, mặc áo lông cừu, tay gảy đàn, vừa đi vừa hát. Khổng Tử hỏi nguyên do tại sao luôn vui vẻ như vậy, Khải Kỳ mới giải thích: Trời sinh muôn vật, loài người quý nhất, mà ta được làm người, đó là một điều đáng vui; người ta sinh ra có đui què, non yểu, mà ta hoàn toàn khỏe mạnh đến 90 tuổi, thế là ba điều đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là tất yếu của đời người. Ta nay bình thường đợi lúc chết, thì có gì đáng lo buồn? Khổng Tử khen rằng: Phải lắm! Tiên sinh biết cách tự làm cho khoan khoái mà hưởng sự vui thú ở đời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.