(HNM) - Đúng như dự đoán, hàng loạt vấn đề đã được đưa ra bàn thảo tại hội nghị tổng kết mùa giải bóng đá chuyên nghiệp 2014, tổ chức ngày 19-8 tại TP Hồ Chí Minh. Hai sự cố nổi cộm của mùa giải xung quanh chuyện cá độ của các cầu thủ X.V.Ninh Bình và Đồng Nai buộc những người trong cuộc phải thẳng thắn nhìn
Đó là một đề xuất mà Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng đưa ra tại hội nghị với mục đích dẹp trừ nạn cá độ trong giới cầu thủ. Ông Dũng nhấn mạnh: "Tôi sẽ đưa ra bàn luận và đưa vào quy chế bóng đá chuyên nghiệp nội dung: Bất cứ cầu thủ nào cá độ sẽ bị loại vĩnh viễn ra khỏi đời sống bóng đá". Bên cạnh biện pháp này, Chủ tịch VFF còn đề xuất mời cơ quan công an tham gia ban chuyên trách VFF để cùng tổ chức và quản lý bóng đá, bắt đầu từ mùa giải 2015.
(Ảnh: Hà Thành) |
Đáng lưu ý, theo phát biểu của Chủ tịch VFF, nhóm cầu thủ trong vụ tiêu cực ở Ninh Bình thực tế là "nhiều hơn con số 9". Ông Dũng khẳng định: "Với những cầu thủ không được đưa ra xử lý, tôi quyết định gạt tên ra khỏi đội tuyển quốc gia nếu họ được gọi". Chung quan điểm phải làm trong sạch môi trường bóng đá chuyên nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp (VPF) Võ Quốc Thắng đều bày tỏ sự đồng tình với quan điểm trên của lãnh đạo VFF.
Khắc phục tồn tại không dễ
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang còn rất nhiều tồn tại, không chỉ gói trong 2 sự cố của XM The Vissai Ninh Bình và Đồng Nai. Đơn cử như công tác trọng tài, VPF thừa nhận có 6 trận đấu bị ảnh hưởng kết quả bởi sai sót của trọng tài gồm: Hải Phòng - SHB.Đà Nẵng, SLNA - An Giang, Đồng Nai - Hải Phòng, ĐTLA - SLNA, Hải Phòng - Quảng Nam và An Giang - Than Quảng Ninh. Trưởng BTC giải V-League 2014 Tanaka Koji thẳng thắn nhìn nhận: "V-League 2014 vẫn tồn tại nạn câu giờ, đá thiếu tích cực, ví như chuyện các cầu thủ chỉ chạy trung bình 5,807km/trận, thời gian bóng sống chỉ ở mức 51 phút/trận, dưới tiêu chuẩn 60 phút/trận của AFC". Nhắc đến chuyện sân bóng, ông Koji nêu rõ thực trạng đáng buồn của bóng đá Việt Nam, ví như nhiều đội bóng thiếu kiên quyết trong việc đôn đốc, chỉnh sửa, cải tạo cơ sở vật chất, dẫn đến tình trạng nhiều SVĐ không bảo đảm yêu cầu chuyên môn, thiếu các phòng chức năng cơ bản, ảnh hưởng đến chất lượng thi đấu của mùa giải. Chưa kể, công tác an ninh, an toàn cho các trận đấu cũng là một mối lo.
Đáng tiếc, đây đều là những vấn đề liên quan trực tiếp đến "túi tiền", sự đầu tư của các CLB đối với hệ thống cơ sở vật chất, SVĐ, khán đài, khả năng thuê lực lượng an ninh, bảo vệ… Trong bối cảnh kinh phí hoạt động của nhiều CLB còn khó khăn, những tồn tại này thực sự không hề dễ khắc phục.
Những dự kiến cho mùa giải mới
VFF và VPF đã đưa ra lịch thi đấu dự kiến cho mùa giải mới. Theo đó, V-League 2015 sẽ khởi tranh từ ngày 4-1-2015 với 14 đội bóng tham dự. Giải sẽ kết thúc vào ngày 20-9-2015. Trong khi đó, Giải Bóng đá hạng Nhất sẽ khởi tranh từ ngày 11-4 và kết thúc vào ngày 19-9-2015. Riêng Cúp Bóng đá quốc gia dự kiến bắt đầu từ ngày 4-4 và kết thúc vào ngày 26-9-2015. Trước đó, trận Siêu cúp của mùa giải dự kiến tổ chức vào ngày 27-12-2014. Các CLB của V-League 2015 phải bảo đảm kinh phí hoạt động tối thiểu là 35 tỷ đồng. Mức quy định tương ứng đối với các CLB hạng Nhất là 15 tỷ đồng. Với mức quy định như vậy, sẽ còn rất nhiều thay đổi trong thời gian tới liên quan đến số lượng các đội tham dự V-League và giải hạng Nhất, bởi trên thực tế, không chắc 14 đội giành quyền dự V-League 2015 và 10 đội dự Giải Bóng đá hạng Nhất 2015 có thể đáp ứng được yêu cầu về tài chính theo quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.