(HNM) - Những năm gần đây, do nhu cầu tiêu thụ điện năng ở nước ta ngày càng tăng, nên đã đặt ra những vấn đề bức thiết về tiết kiệm năng lượng (TKNL). Việc sử dụng điện ở nước ta còn không ít vấn đề.
Việc sử dụng điện ở nước ta còn không ít vấn đề. Hệ số đàn hồi (mức tăng điện năng tương ứng với GDP) tăng 1 đơn vị của nước ta là 2, thậm chí cao hơn, nghĩa là để tăng 1% GDP, điện năng sẽ phải tăng từ 2% trở lên (thường hệ số này là 1-1,3%). Điều đó cho thấy việc sử dụng công nghệ ở nước ta chưa hiện đại, tiêu tốn năng lượng; người dân chưa có ý thức tiết kiệm điện...
Trung tâm TKNL Hà Nội đã khảo sát sử dụng điện tại hơn 80 tòa nhà cao ốc, có đến hơn 80% còn sử dụng những thiết bị chưa tiết kiệm điện, như hệ thống đèn chiếu sáng, chấn lưu sắt từ… Theo Bộ Công thương, hiện nay tiềm năng TKNL theo từng ngành vẫn còn khá cao. Nếu thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện sẽ góp phần giảm lượng điện tiêu thụ khá lớn. Chẳng hạn, các tòa nhà thương mại có thể tiết kiệm khoảng 25%, các công sở 25-40%, tại một số ngành sản xuất công nghiệp nặng vẫn còn khả năng tiết kiệm đến 50%... Theo thống kê, cả nước hiện còn hơn 16 triệu hộ gia đình đang sử dụng 30 triệu bóng đèn tròn, hơn 50 triệu đèn ống huỳnh quang thông thường. Mức tiêu thụ điện chiếu sáng chiếm 25,3% cao hơn so với thế giới. Nếu thay thế hệ thống chiếu sáng cũ bằng bóng đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện tử, đèn 2 công suất… mỗi năm có thể tiết kiệm được hơn 7.000 tỷ đồng.
Để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, đặc biệt là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Theo đó, áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là một trong những ưu tiên hàng đầu; quy định trách nhiệm sử dụng năng lượng trong sản xuất, dịch vụ, hộ gia đình… Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mục tiêu TKNL, trên cơ sở cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, tự giác tham gia các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm; dán nhãn TKNL cho phương tiện, thiết bị, máy móc sử dụng năng lượng theo lộ trình…
Trung tuần tháng 7-2011, Bộ Công thương đã công bố Quyết định 2433/QĐ-BCT về việc dán nhãn năng lượng cho 4 sản phẩm: máy giặt, máy điều hòa không khí, tủ lạnh và nồi cơm điện. Đây là các sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm được ưu tiên dán nhãn đạt TCVN 7829:2007, TCVN 7830:2007, TCVN 8252:2009. Riêng sản phẩm máy giặt gia dụng phải có mức hiệu suất tối thiểu đạt TCVN 8526:2010. Nhân dịp này, Văn phòng TKNL cũng giới thiệu dự thảo quy định lộ trình dán nhãn năng lượng do Bộ Công thương soạn thảo. Dự thảo quy định, từ năm 2013, các sản phẩm điện gia dụng bắt buộc phải dán nhãn năng lượng; từ năm 2015, các sản phẩm có hiệu suất năng lượng không đúng quy định sẽ không được lưu thông trên thị trường.
Hiện việc dán nhãn năng lượng mới dừng ở mức khuyến khích DN tham gia. Vì vậy, DN tự nguyện dán nhãn sẽ được hỗ trợ về truyền thông, tư vấn... Lộ trình dán nhãn năng lượng đang được xây dựng theo hướng bắt buộc với một số phương tiện, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng.
Việc dán nhãn không chỉ giúp người tiêu dùng dễ lựa chọn khi mua các thiết bị gia dụng, mà còn có thể trở thành "hàng rào kỹ thuật" để ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp; tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao. Các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu thiết bị hướng tới các sản phẩm đạt hoặc vượt tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng đã quy định. Dán nhãn TKNL không chỉ là tiêu chí đánh giá ý thức tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN mà còn tạo ra xu hướng tiêu dùng trong xã hội hiện đại.
Lộ trình dán nhãn TKNL được áp dụng với 5 nhóm sản phẩm: Nhóm các sản phẩm gia dụng sẽ bắt buộc dán nhãn sau ngày 1-1-2013. Nhóm thiết bị văn phòng và thương mại bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1-1-2015. Nhóm thiết bị công nghiệp bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1-1-2013. Nhóm phương tiện giao thông - vận tải sẽ dán nhãn bắt buộc sau năm 2015. Nhóm sản phẩm vật liệu TKNL bắt buộc dán nhãn sau ngày 1-1-2015. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.