(HNM) - Để qua mắt khâu kiểm định, các chủ cơ sở sản xuất nhớt dỏm mua dầu nhớt của các nhãn hiệu có uy tín trên thị trường, sau đó đổ vào vỏ bình với nhãn hiệu mà cơ sở đã đăng ký rồi mang đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng để… kiểm định! Với mánh khóe này, sản phẩm được công bố đủ tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường, còn các cơ sở làm ăn gian dối tha hồ thu lợi!
Thu gom nhớt thải để tái chế thành nhớt... thương hiệu. |
"Trăm hoa đua nở"
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 35 nhãn hiệu dầu nhớt đang có mặt trên thị trường Việt Nam. Trong đó, chỉ có một số nhãn hiệu đã khẳng định được uy tín như Castrol, GS Ultra, Vistra, Shell… còn lại rất ít nhãn hiệu được biết đến. Giá dầu nhớt cũng dao động rất lớn. Chỉ riêng loại nhớt bình 0,8 lít dành cho xe gắn máy đã có vô vàn giá: nhóm "chiếu trên" gồm Vistra, GS Ultra, Castrol… có giá từ 50.000 đến 57.000 đồng/bình; nhóm giá trung bình khoảng 30.000 đến 35.000 đồng của Nikko; những loại giá rẻ như Indo-Petrol có giá chỉ 28.000 đồng/bình…
Đi cùng với giá cả thì chất lượng cũng "trăm hoa đua nở". Một chuyên gia trong ngành dầu nhớt cho biết, một sản phẩm dầu nhớt đạt chất lượng lưu thông ra thị trường phải đạt những tiêu chuẩn rất ngặt nghèo về chỉ số độ nhớt, nhiệt độ chống cháy, độ tạo bọt, thậm chí có cả nhớt cho mùa khô và mùa lạnh… Tại Việt Nam, chỉ có một số nhãn hiệu có uy tín đạt được tiêu chuẩn này, dù sản phẩm nào cũng công bố đạt tiêu chuẩn lưu thông.
Thực tế, đã có những vụ nhớt giả, nhớt dỏm bị cơ quan chức năng phát hiện. Những ngày cuối năm 2009, Chi cục QLTT huyện Củ Chi phát hiện một vụ vận chuyển 600 bình nhớt giả nhãn hiệu Castrol. Trước đó, Công an quận Tân Bình cũng bắt quả tang Dương Hải Thanh (thường trú tại quận Gò Vấp) vận chuyển hai thùng nhớt giả Castrol và BP Vistra… Rồi QLTT tỉnh Tiền Giang cũng vừa phát hiện hàng chục doanh nghiệp sản xuất nhớt kém chất lượng, như Công ty TNHH Tân Thuận Phát (huyện Bình Chánh) với nhãn hiệu Superlazer 100 4T, Công ty TNHH Thiên Giang (huyện Thủ Thừa, Long An) với nhãn hiệu Speed Star 4T, Công ty Thương mại Đông Dương (huyện Bến Lức, Long An) với nhãn hiệu Indo-Petrol 2500…
Vỏ thật… ruột giả!
Với kinh nghiệm hơn 20 năm sửa xe, anh Đạt, chủ tiệm sửa xe gắn máy Thành Đạt ở quận Tân Phú cho biết, những loại dầu nhớt chiếm thị phần lớn trên thị trường là loại bị làm giả nhiều nhất. Tại cửa hàng của mình, anh Đạt "trưng bày" 2 chai dầu nhớt mà anh cho là hàng giả để giúp khách hàng phân biệt. Trước Tết Canh Dần, có hai người mang đến giới thiệu chai Vistra 300 4T loại 0,8 lít với giá chỉ 25.000 đồng/bình, bằng một nửa so với giá của các đại lý chính thức. Thấy giá quá rẻ, anh nghi ngờ và kiểm tra thì thấy những dấu hiệu của nhớt giả. Cách đây hai tuần, lại có người đến giới thiệu sản phẩm dầu nhớt Castrol Power 1 cũng với mức giá hấp dẫn tương tự nhưng anh từ chối. Theo anh Đạt, không phải tất cả thợ sửa xe đều tẩy chay loại nhớt này bởi mức chiết khấu rất cao. Vì vậy, người đi thay nhớt không nên giao phó hoàn toàn cho thợ sửa xe; mặt khác, không chỉ phải chọn đúng loại nhớt có chất lượng trên thị trường mà còn phải xem xét thật kỹ các dấu hiệu trên bình nhớt để tránh mua lầm hàng giả.
Trong khi đó, chủ một cơ sở nấu nhớt tái chế khẳng định: "Chỉ cần 17.000 đồng là có thể cho ra một lít sản phẩm dầu nhớt và bán ra thị trường", vì các cơ sở này mua nhớt thải đã được tái chế, sau đó chỉ thêm phụ gia, chiết vào bình, dán nhãn và… đi bán. "Dây chuyền công nghệ" sản xuất dầu nhớt giá rẻ này chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng, gồm vài thùng phuy đựng nhớt và… một cái bàn là để dập miếng nhôm "bảo hiểm" trên miệng bình.
Khâu khó nhất để một sản phẩm "dỏm" lưu hành ra thị trường là giấy kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng của Trung tâm Kỹ thuật -tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng. Tuy nhiên, theo ông D, một chủ sang chiết thì điều này "dễ ợt". Chiêu thức "qua mặt" cơ quan kiểm định này là chỉ cần mua một bình nhớt của các thương hiệu có uy tín, sau đó đổ vào bình có dán nhãn sản phẩm đã đăng ký, dập nắp rồi mang đi… kiểm định. Theo bảng giá của trung tâm, mỗi chỉ tiêu kiểm định là 50.000 đồng. Tổng cộng có khoảng 10 chỉ tiêu và như vậy, chỉ tốn hơn 500 ngàn đồng, các cơ sở đã có được tấm "giấy thông hành" đường hoàng lưu thông sản phẩm ra thị trường, gây thiệt hại cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.