(HNM) - Tình trạng xe ô tô công chạy quá niên hạn, sử dụng sai mục đích vẫn còn phổ biến khiến cho việc thực hiện khoán còn nhiều bất cập.
Tại cuộc họp diễn ra gần đây với sự tham gia của Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thông tin, tình hình quản lý sử dụng xe công sai mục đích đã giảm nhiều, nhưng số lượng xe công vẫn còn lớn; vẫn còn tình trạng sử dụng xe quá niên hạn. Quy định pháp luật là do con người làm ra. Mục tiêu là tạo ra khung pháp lý để bảo đảm thuận lợi cho hoạt động triển khai đúng theo khuôn khổ và Nhà nước phải quản lý được. Vì vậy, bà Lê Thị Nga đề nghị xem xét lại chính sách hiện hành để có cơ sở sửa đổi cho phù hợp. Trước đó, cần tổng kết tình hình thực tế, xem khối cơ quan nhà nước đang sử dụng 16.653 ô tô; khối đơn vị sự nghiệp quản lý, sử dụng 16.194 chiếc; khối các tổ chức quản lý sử dụng 4.566 chiếc; khối các ban quản lý dự án sử dụng 224 chiếc (tính đến ngày 31-7-2016) có bất cập gì. Chưa kể, đang xuất hiện tình trạng không cho mua xe mới, nhưng dùng xe cũ thì chi phí để sửa chữa lại rất lớn, nguyên nhân vì sao? Xu hướng lâu nay đang được nhiều chính phủ áp dụng là khoán xe công, nhưng tại sao ở Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều năm vẫn chưa có sự đổi mới mạnh mẽ... rất cần làm rõ.
Tình trạng xe công sử dụng sai mục đích vẫn còn phổ biến khiến việc thực hiện khoán còn nhiều bất cập. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Hànộimới, trước đây, ở Văn phòng Quốc hội từng có một số cán bộ đi xe "ôm", đi xe khoán, nhưng ít người sử dụng lâu dài dịch vụ này. Đã nhận khoán sử dụng xe công từ năm 2014, khi là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đỗ Mạnh Hùng từng quyết định trở lại với chính sách cũ và bỏ khoán xe công khi mới chuyển công tác làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Sau đó, ông đã lại quyết định “về” với chính sách khoán. Ông Đỗ Mạnh Hùng chia sẻ, khi bắt đầu nhận khoán xe công, sử dụng xe cá nhân tự lái để đi lại, thấy rất tiện lợi, chủ động công việc, tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Nếu nhẩm tính về mức chi tiêu, rõ ràng mức chi phí khoán xe sẽ thấp hơn nhiều so với “nuôi” một xe công. Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ngân sách nhà nước bỏ ra để "nuôi" một xe công khoảng 320 triệu đồng/năm, trong khi mức khoán xe công một năm cũng chỉ mất 120 triệu đồng. Đó là chưa kể không phải mất số tiền mua sắm xe ban đầu, thuê tài xế, phí bảo dưỡng.
Điều đáng lưu ý, quy trình hiện nay là khuyến khích khoán xe công, nhưng trong thực tế khi sử dụng xe cá nhân vào cơ quan hành chính nhà nước làm việc rất bất tiện, phải mất nhiều thời gian giải thích với nhiều quy trình thủ tục hành chính. Trong khi đó, nếu sử dụng xe biển xanh sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Vì vậy, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, khoán xe hay không khoán xe phải dựa trên yêu cầu công việc. Khoán xe chỉ phù hợp với điều kiện người đó có phương tiện cá nhân tự lái, hay đi công tác. Cần nghiên cứu đưa ra mức khoán linh hoạt tùy vào từng vị trí công tác; có hình thức khoán hợp lý để khuyến khích những người có tiêu chuẩn và sẵn sàng nhận khoán. Cũng cần có nhiều loại hình khoán khác nhau, chẳng hạn như chỉ khoán phần đưa đón từ nơi làm việc đến nơi ở và ngược lại hoặc khoán phần đưa đón hằng ngày và đi công tác trong nội thành Hà Nội, cán bộ sử dụng sẽ đông hơn.
Đặt trong bối cảnh ngân sách khó khăn, cần tiết giảm những khoản chi không cần thiết và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước thì việc khoán xe công có ý nghĩa lớn để góp phần sử dụng nguồn ngân sách hợp lý. Nhưng cũng có những xe không thể thực hiện khoán được như xe phục vụ các chức danh mà khi làm việc yêu cầu phải có để bảo đảm công tác an ninh; những xe mang tính chất phục vụ cho cộng đồng dân cư như công an, quân đội, cứu thương, chở rác… Vì vậy, các cơ quan phải xem xét trách nhiệm trực tiếp của người sử dụng xe công; phải công khai, minh bạch ở các đối tượng, tiêu chuẩn sử dụng xe và quá trình sử dụng xe công để người dân biết, giám sát việc sử dụng xe này có đúng đối tượng, đúng mục đích không.
Thế nhưng, dự án Luật Quản lý, tài sản công do Bộ Tài chính xây dựng có liên quan mật thiết đến công tác thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công lại chưa có sự đổi mới mạnh mẽ. Cụ thể, Điều 33 đề cập đến khoán kinh phí sử dụng tài sản công ở cơ quan nhà nước nhưng mới chỉ là quy định chung, xác định mức khoán là do Bộ Tài chính quy định. Bên cạnh đó, dự thảo còn lúng túng trong việc xác định khái niệm về tài sản công, một số yêu cầu về quản lý và sử dụng chưa được đề cập đầy đủ. Ngoài ra, chế định kiểm tra, thanh tra giám sát cũng cần bổ sung chi tiết hơn nữa để tránh nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình triển khai, bảo đảm quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.