Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất cập trong hồ sơ đăng ký mua căn hộ thu nhập thấp

H.T| 13/09/2010 17:33

(HNMO) – Những ngày này, một bộ phận dân cư Thủ đô đang rất chú ý đến việc chủ đầu tư là Công ty cổ phần bê tông & XD Vinaconex Xuân Mai triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua 328 căn hộ thu nhập thấp đầu tiên tại toà CT1 - Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều bất cập đã phát sinh từ những bộ hồ sơ ấy theo phản ánh từ phía chủ đầu tư.

Chung cư Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội)

(HNMO) – Những ngày này, một bộ phận dân cư Thủ đô đang rất chú ý đến việc chủ đầu tư là Công ty cổ phần bê tông & XD Vinaconex Xuân Mai triển khai tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua 328 căn hộ thu nhập thấp đầu tiên tại toà CT1 - Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều bất cập đã phát sinh từ những bộ hồ sơ ấy theo phản ánh từ phía chủ đầu tư.

Thực hiện Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND ban hành ngày 16/7/2010 của UBND TP HN về việc Quy định về việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, ngày 24/8/2010, Cty Vinaconex Xuân Mai đã chủ động đăng tải các thông tin liên quan đến việc nhận hồ sơ (thời gian, thời hạn, địa điểm tiếp nhận Hồ sơ đăng ký mua nhà) trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang web của Sở Xây dựng - TP Hà Nội (www.soxaydung.hanoi.gov.vn). Cùng ngày, Công ty đã chủ động đang tải các thông tin liên quan đến việc nhận hồ sơ trên tại trang web của Cty tại địa chỉ: www.xmcc.com.vn. Đồng thời thiết lập đường dây nóng sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng thực hiện hồ sơ hợp lệ.

Được biết, từ ngày 26/8 đến hết ngày 10/9/2010 vừa qua, Công ty đã tổ chức nhận hồ sơ mua nhà của khách hàng tại toà nhà 9T1- Khu chung cư Vinaconex Xuân Mai tại xã Thuỷ Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP HN. Chỉ sau 15 ngày tiếp nhận hồ sơ, tổng cộng chủ đầu đã tiếp nhận 1.890 hồ sơ, trong đó số hồ sơ hợp lệ: 1.088 hồ sơ; Số hồ sơ không hợp lệ hoặc cần làm rõ, bổ sung các thông tin liên quan: 802 hồ sơ.

Theo đại diện chủ đầu tư, do địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng nên các cá nhân đăng ký mua nhà đến từ tất cả các quận nội thành, các huyện, thị xã trên địa bàn TP HN. Trong đó các đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên của thành phố như các gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ; nghệ sỹ nhân dân, giáo sư...(tương đương mức trên 90 điểm), đồng thời thoả mãn các tiêu chí để được mua nhà chiếm số lượng không nhiều (khoảng 10% số lượng hồ sơ đã nộp). Các đối tượng còn lại (tương đương mức 90 điểm trở xuống), đến từ mọi thành phần, mọi nghề nghiệp, mọi độ tuổi trong xã hội, kể các các trường hợp là hộ độc thân.

Từ những trường hợp thực tế xảy ra trong quá trình tiếp nhận hồ sơ mua nhà thu nhập thấp như trên, cũng theo đại diện của chủ đầu tư, rất nhiều vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết thấu đáo trong thời gian tới.

Thứ nhất, theo quy định được thể hiện tại Thông tư số 36 và Quyết định số 34/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, ban hành về quy định việc bán, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị ngoài các quy định khác thì các đối tượng có hộ khẩu thường trú (HKTT) hoặc tạm trú dài hạn trên địa bàn TP được nộp hồ sơ đăng ký mua nhà, vậy trên địa bàn TP Hà Nội, khu vực nào (quận, huyện, thị xã, thị trấn) được coi là khu vực đô thị? Và tạm trú như thế nào thì được coi là tạm trú dài hạn? Thể hiện bằng xác nhận của phường xã nơi ở hiện tại, công an khu vực hay tổ dân phố? Mẫu sổ tạm trú được quy định như thế nào là hợp lệ? Vì thực tế trong quá trình nhận hồ sơ, người dân được cả hoặc phường, xã hoặc công an khu vực hoặc tổ dân phố xác minh và có rất nhiều mẫu sổ tạm trú với thời gian cư trú khác nhau.

Bên cạnh đó, theo quy định mức thu nhập bình quân của hộ gia đình nằm trong khoảng nào thì được coi là có thu nhập thấp (TNT)? Khi xác định mức thu nhập của các cá nhân tính theo thời điểm hiện tại hay bình quân theo năm gần nhất?

Thứ hai là những trường hợp cần làm rõ khi xét đối tượng mua nhà thu nhập thấp. Trường hợp gia đình của các con đang ở nhà của bố mẹ hay cháu ở cùng ông bà (có chung sổ hộ khẩu, bố mẹ, ông bà đứng tên, sở hữu nhà) khi xét duyệt thì hộ gia đình của con, cháu được xét theo tình huống nào: chưa có nhà thuộc sở hữu của hộ hay có nhà ở nhưng diện tích < 5m2 và hộ gia đình của con, cháu này có cần thiết phải tách khẩu hay không? Trường hợp gia đình chỉ có 1 con và hộ gia đình của người con này đang ở cùng nhà bố mẹ thì có được xét không (xét theo quyền thừa kế, người con đương nhiên được hưởng quyền thừa kế nhà ở của bố mẹ)? Trường hợp hộ gia đình có nhà ở tại địa bàn TP HN nhưng xây dựng trên đất lấn chiếm, bất hợp pháp, ngôi nhà đó chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà thì được coi là đã có nhà hay chưa?

Mặt khác, theo quy định, trong trường hợp các cá nhân trong hộ gia đình nếu là lao động tự do thì phải được UBND phường, xã nơi ở hiện tại của người đó xác nhận, tuy nhiên thực tế UBND phường, xã phần lớn không xác nhận điều này. Bố mẹ già hoặc chỉ có bố (hoặc mẹ) đang ở cùng với con (có riêng sổ hộ khẩu) hoặc đang tạm trú tại địa bàn HN (được UBND phường, xã xác nhận), con đã có có nhà ở riêng thuộc sở hữu thì bố mẹ đó có được coi là chưa có nhà ở không? Bố mẹ già hoặc chỉ có bố (hoặc mẹ) thuộc diện đối tượng chính xác được ưu tiên (thương binh, nghệ sỹ nhân dân, có huân chương...) có hộ khẩu thường trú ngoài Hà Nội, được UBND phường, xã trên địa bàn HN xác nhận là đang tạm trú tại nhà con thì người đó có được xét là chưa có nhà ở và đứng tên mua nhà thu nhập thấp?

Với các gia đình chính sách như thương binh, liệt sỹ thì chính sách đãi ngộ của Nhà nước với thân nhân (bố, mẹ, vợ, chồng, con) về quyền lợi trong nhiều trường hợp là luôn luôn có tuỳ mức độ khác nhau. Trong trường hợp xét điểm Hồ sơ lần này chỉ nói rõ ưu tiên thân nhân liệt sỹ, thân nhân thương binh được xét như những trường hợp khác không có khác biệt. Vậy các cấp có thẩm quyền có thể bổ sung thân nhân thương binh vào diện được ưu tiên được không?

Tính phức tạp của việc xác định nhân khẩu, hộ khẩu, tình trạng nhà ở, cách xác nhận của tổ dân phố, các UBND phường xã cũng đang được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo phản ánh của người dân, nhiều phường xã chỉ xác nhận nhân khẩu, hộ khẩu nhưng không xác nhận cho tình trạng nhà ở của hộ hoặc chỉ xác nhận cho những người có HKTT trên địa bàn mình quản lý mà không xác nhận cho người có tạm trú hiện đang tạm trú và trong trường hợp này trách nhiệm cụ thể về: nhân khẩu, hộ khẩu, tình trạng nhà ở thuộc về tổ dân phố hay UBND phường, xã? Vì thực tế, có nhiều phường, xã chỉ xác nhận chữ ký của Tổ trường dân phố là đúng.

Các hộ gia đình có HKTT tại Hà Nội nhưng đang ở nhờ, đang thuê nhà tại một địa bàn khác (khác quận, các phường, khác xã) con không ở cùng bố mẹ, bố mẹ không ở cùng con. Nhưng được UBND cấp phường, xã nơi ở hiện tại xác nhận là đang tạm trú và không có nhà ở thuộc sở hữu tại địa bàn thì có được hiểu là không có nhà ở hay không?

Các cá nhân của hộ gia đình đang công tác, làm việc tại một nơi khác ngoài Hà Nội nhưng có HKTT trên địa bàn HN nhưng chưa có nhà thuộc sở hữu. Các bản kê khai thu nhập đều do một cơ quan ngoài địa bàn thành phố xác nhận mức thu nhập thì có được mua nhà hay không.

Các hộ gia đình có HKTT tại Hà Nội đã có nhà thuộc sở hữu trước đây nhưng nay đã bán, sang nhượng cho người khác nay chuyển đến một địa bàn khác và được UBND phường, xã xác nhận là đang tạm trú tại đó và chưa có nhà ở thuộc sở hữu trên địa bàn vậy có được coi là không có nhà ở hay không?

Các thông tin trên đã được đại diện chủ đầu tư là Công ty cổ phần bê tông & XD Vinaconex Xuân Mai đưa ra tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy HN tổ chức chiều nay (13/9).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bất cập trong hồ sơ đăng ký mua căn hộ thu nhập thấp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.