(HNM) - Vấn đề thu, nộp phí vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn Hà Nội hiện tồn tại nhiều bất cập. Khắc phục những hạn chế này để công tác thu gom rác thải hoạt động hiệu quả, bền vững đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với nhiều địa phương.
Theo Quyết định số 44/2014/QĐ-UBND, ngày 20-8-2014, của UBND thành phố thì hộ gia đình, cá nhân ở các xã, thị trấn được cung ứng dịch vụ vệ sinh đối với chất thải rắn sinh hoạt phải nộp tiền hằng tháng, mức phí là 3.000 đồng/người. Cũng theo quyết định này, các tổ chức cung ứng dịch vụ vệ sinh được tổ chức thu phí. Đơn vị thu phí có trách nhiệm niêm yết hoặc thông báo công khai tại điểm thu phí về tên phí, mức thu phí, phương thức thu và cơ quan quy định thu; khi thu tiền, phải cấp chứng từ cho người nộp phí. Toàn bộ số tiền phí thu được là doanh thu của tổ chức cung ứng dịch vụ vệ sinh, do vậy đơn vị vệ sinh phải kê khai, nộp thuế theo quy định của các luật về thuế, Luật Quản lý thuế đối với số phí thu được theo quy định.
Tuy nhiên, khi làm việc về công tác quản lý phí vệ sinh, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy hầu hết các địa phương có "vi phạm". Chẳng hạn, hiện nay 148 tổ thu gom rác thải của huyện Thanh Oai và 196 tổ thu gom của huyện Thạch Thất, 92 tổ của Quốc Oai… đều chưa thực hiện đúng quy định của thành phố về quản lý phí vệ sinh môi trường. Đặc biệt, nhiều địa phương không thu phí theo mức quy định của thành phố là 3.000 đồng/người/tháng. Tại huyện Quốc Oai, xã Sài Sơn thu 2.000 đồng, Đồng Quang thu 2.500 đồng, Tuyết Nghĩa thu 1.000 đồng… Do mức phí vệ sinh không đồng đều nên thu nhập của người lao động ở các tổ thu gom cũng khác nhau. Tại huyện Thạch Thất, tổ cao nhất đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng, tổ thấp nhất đạt 350.000 đồng; tại huyện Quốc Oai là 400.000 - 4 triệu đồng… Theo UBND các địa phương trên, đây là mức phí do nhân dân họp bàn và thống nhất đề ra. Nếu cá nhân, tổ chức nào đồng ý thì đề nghị chính quyền địa phương cho đảm nhận khâu thu gom.
Ngoài nguyên nhân trên, hiện nay tình trạng trốn tránh trách nhiệm hoặc chây ỳ nộp phí cũng ảnh hưởng lớn đến thu nhập, bảo đảm hoạt động bền vững của các tổ thu gom rác thải nông thôn. Gặp chúng tôi, bà Phạm Thị Hiền và Vũ Thị Thuấn, vệ sinh viên Tổ thu gom rác Xóm 7, xã Phúc Lâm (Mỹ Đức) bức xúc: Công việc nặng nhọc, độc hại nhưng không được đóng bảo hiểm, thù lao mỗi tháng chỉ khoảng 1,3-1,4 triệu đồng/người… "Chúng tôi đang định trả việc thu gom rác cho địa phương, bởi chế độ và thu nhập hiện nay không bảo đảm" - bà Vũ Thị Thuấn cho biết. Còn theo UBND xã Phúc Lâm, do ngân sách khó khăn nên xã không thể hỗ trợ nộp bảo hiểm cho người thu gom rác. Hơn nữa, mức phí vệ sinh quy định thấp nên chưa đáp ứng thu nhập của người thu gom… Không đồng tình nhận định của UBND xã Phúc Lâm, bà Phạm Thị Hiền cho rằng, vì xã và thôn chưa quan tâm xử lý các trường hợp chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm nên tỷ lệ nộp phí vệ sinh đạt thấp, ảnh hưởng quyền lợi của người thu gom. Thống kê của Phòng Quản lý đô thị Mỹ Đức năm 2015, tỷ lệ nộp phí vệ sinh của xã Phúc Lâm đối với hộ dân chỉ đạt 35%. Ngoài thị trấn Đại Nghĩa và xã Hương Sơn có tỷ lệ nộp phí đạt trên 50%, 20 xã còn lại của huyện Mỹ Đức kết quả thu đạt tỷ lệ 20-35%. Tại các huyện Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất… tỷ lệ nộp phí vệ sinh chỉ đạt hơn 60%. Rõ ràng, nếu chính quyền địa phương tích cực hơn trong việc tuyên truyền vận động nhân dân nộp phí và xử lý các trường hợp không chấp hành thì thu nhập của vệ sinh viên sẽ tăng lên, các quyền lợi khác được bảo đảm, người lao động gắn bó hơn với công việc…
Để khắc phục những bất cập trên, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Lý, các huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc nộp phí vệ sinh là nghĩa vụ, trách nhiệm, góp phần tạo nguồn thu chi trả cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các địa phương nên coi việc nộp phí vệ sinh là tiêu chí để bình xét thôn, gia đình văn hóa hoặc xét thi đua cán bộ hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao; đồng thời chỉ đạo các xã thực hiện đúng quy định của thành phố về quản lý phí vệ sinh, bảo đảm tính công khai, minh bạch và quyền lợi của người nộp phí, thu phí…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.