Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bất cập quan hệ lao động dịp cuối năm

Linh Nhi| 30/12/2017 07:22

(HNM) - Dịp cuối năm, thị trường lao động lại “nóng” lên. Nhiều lao động tất bật tìm kiếm việc làm mới cho năm sau, có những lao động lại tìm cách “nhảy” việc sang doanh nghiệp khác...; phía các chủ sử dụng lao động cũng loay hoay với việc tuyển dụng.

Nóng” cả cung và cầu

Dạo quanh một số khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Nội Bài, Vĩnh Tuy... những ngày này, băng rôn quảng cáo tuyển dụng lao động được treo, dán khá nhiều. Trên các mạng xã hội, thông tin người tìm việc, việc tìm người cũng rất phong phú. Trong quan hệ cung - cầu đó, đối tượng tìm việc làm hầu hết là lao động hợp đồng ngắn hạn, lao động tự do, lao động thời vụ hoặc lao động phổ thông.

Bảo đảm quyền lợi giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Ảnh: Thái Hiền



Trưởng ban Chính sách, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng cho biết, đa số những doanh nghiệp xuất khẩu hoặc doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa tuyển dụng thêm lao động dịp cuối năm để tăng năng suất, đạt tiến độ, kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Nhu cầu muốn tăng thu nhập của người lao động và muốn tăng năng suất của người sử dụng lao động dẫn đến thị trường lao động thời điểm này biến động nhiều, không ít doanh nghiệp có mức biến động lên đến 100%. Để thu hút lao động dịp cuối năm, nhiều cá nhân, đơn vị đã đưa ra mức lương khá hấp dẫn. Chính vì vậy, nhiều người lao động đã "nhảy" việc tìm chỗ làm mới. Điều này gây ra nhiều hệ quả cho người lao động, vì không phải ai bỏ việc cũ tìm chỗ làm mới cũng có thu nhập cao, mức thưởng tốt hơn và trong quan hệ lao động kiểu này, hai bên thường chỉ “giao kèo” miệng, không có ràng buộc pháp lý về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chủ sử dụng lao động khó “giữ chân” người lao động.

Thiệt hại cho cả hai, cách nào giải quyết?

Nguyễn Văn Nam (ở quận Hai Bà Trưng) 23 tuổi, khi xin làm việc tại một công ty tư nhân chuyên sản xuất kinh doanh trà chỉ được người quản lý đại diện công ty thỏa thuận miệng về tiền lương và thời gian. Sau hơn hai tuần, thấy mình không phù hợp công việc đó, Nam xin nghỉ, nhưng không được công ty này thanh toán bất cứ một khoản tiền gì. Tương tự, Trần Thanh Bình (quận Hoàn Kiếm) xin việc làm trung chuyển hàng hóa ở một cơ sở kinh doanh thương mại tư nhân, do thường xuyên bị giao việc làm tới 12h mỗi ngày, đành xin nghỉ và cũng rơi vào hoàn cảnh như Nam. Thiệt thòi của người lao động trong hoàn cảnh này theo ông Tạ Văn Dưỡng là do thiếu kiến thức về pháp luật lao động.

Bên cạnh đó, biến động lao động nhanh cũng khiến doanh nghiệp khó khăn, bởi thông thường để bố trí một vị trí việc làm, doanh nghiệp ít nhiều đều phải đào tạo mới hoặc đào tạo lại.

Khi người lao động ra đi, doanh nghiệp rõ ràng rất “bí” nhân lực.

Như vậy, rõ ràng mối quan hệ lao động thời vụ, ngắn hạn đang có nhiều bất cập. Bà Trần Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Long Biên cho biết, để bảo vệ tốt nhất quyền lợi người lao động và bảo đảm quyền lợi chủ sử dụng lao động, vào giai đoạn cuối năm, địa phương vừa đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức đối thoại, kết nối cung cầu, giới thiệu việc làm, vừa tăng cường quản lý nhà nước về quan hệ lao động bằng việc phối hợp với bảo hiểm xã hội, tổ chức Công đoàn kiểm tra, giám sát tình hình lao động việc làm để kịp thời xử lý vi phạm hoặc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp lao động, quyền lợi.

Ông Tạ Văn Dưỡng khẳng định, Công đoàn thành phố nỗ lực triển khai ngành dọc tăng cường bảo vệ quyền lợi người lao động, vừa chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền tăng cường thanh, kiểm tra giải quyết các quan hệ lao động có vấn đề. Tuy nhiên, ông Dưỡng thẳng thắn nói, những lao động thời vụ hay ngắn hạn, Công đoàn khó bảo vệ quyền lợi cho họ, vì thiếu cơ sở pháp lý...

Rõ ràng là bức tranh muôn màu lao động việc làm vẫn đang còn nhiều góc tối cần được quan tâm. Trước thực trạng nêu trên, ngoài sự can thiệp của cơ quan chức năng, quản lý nhà nước, bảo vệ pháp luật, thiết nghĩ người lao động và người sử dụng lao động đều cần nâng cao sự phối hợp tạo quan hệ lao động hài hòa bằng thỏa ước lao động hoặc cam kết, hợp đồng, tránh tình trạng buông xuôi trách nhiệm với chính mình và đối tác. Đây là phương pháp hữu hiệu gắn kết quyền - trách nhiệm tốt nhất cho cả đôi bên.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất cập quan hệ lao động dịp cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.