Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt buộc mặc áo phao khi qua sông: Vẫn chỉ là đối phó

Đức Hải| 31/07/2012 18:07

(HNMO)- Tính đến nay đã hơn nửa tháng kể từ khi Thông tư số 15/TT-BGTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải ngang sông có hiệu lực thi hành.

Nhiều bến khách ngang sông trên địa bàn Hà Nội, hành khách vẫn không mặc áo phao khi qua sông trên các phương tiện vận tải đường thủy


Áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh là những dụng cụ đảm bảo an toàn về tính mạng cho hàng khách khi qua sông trên các phương tiện vận tải thủy. Trước đây, việc trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh đối với người trên các phương tiện vận tải thủy mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền, vận động, chứ chưa bắt buộc. Vì vậy, trên thực tế cả một thời gian dài, trên địa bàn cả nước, tình trạng không trang bị hoặc có trang bị nhưng hành khách không sử dụng các dụng cụ cứu sinh trên các đò, phà qua sông bị buông lỏng. Thực trạng đó phần nào lý giải tại sao không ít vụ đò, phà gặp sự cố bị chìm đã để lại hậu quả thật đau lòng. Trong số những vụ chìm đò gây hậu quả nghiêm trọng phải kể đến là vụ chìm đò ngang ở bến đò Chôm Lôm trên sông Cả, thuộc địa bàn xã Lãng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An vào tháng 10- 2006 làm 19 em học sinh bị chết; rồi vụ chìm đò tại xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng tháng 1- 2008 làm chết 6 người trong đó có 5 em học sinh;…

Trước thực trạng đó, nhằm tránh thiệt hại về người khi bị chìm đò, phà ngày 10-5-2012, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 15/TT-BGTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải ngang sông. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-7-2012. Theo đó, mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cập bến an toàn. Thuyền viên, người lái phương tiện vận tải khách ngang sông có trách nhiệm từ chối chuyên chở đối với những hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn.

Để biết được quy định của Bộ Giao thông Vận tải đã thực sự đi vào cuộc sống, phóng viên Hànộimới Online đã có cuộc khảo sát dọc tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn Hà Nội. Tại một số bến đò (bến khách ngang sông) hằng ngày có đông người và phương tiện qua sông, như: Minh Châu (Ba Vì); Đường Lâm,Vĩnh Thịnh (Sơn Tây); Chương Dương (Thường Tín); vườn Chuối, Văn Nhân (Phú Xuyên);… mặc dù áo phao, phao cứu đã được trang bị trên đò, trên phà nhưng số lượng còn rất hạn chế so với số lượng hành khách thực tế trên từng chuyến. Nhưng đáng buồn hơn, có áo phao, phao cứu sinh nhưng không hề thấy hành khách mặc hay sử dụng khi đò, phà rời bến để sang sông. Hình ảnh này không khác gì so với vài năm trước. Có lẽ, vì chủ quan không thể xảy ra sự cố, cộng thêm đã quen nếp tư duy như trước đây là trang bị áo phao, phao cứu sinh chủ yếu để đối phó với cơ quan chức năng mỗi khi họ đến kiểm tra nên các chủ bến đã buộc áo phao, phao cứu sinh thành khối khối hoặc treo từng chiếc một trên thành đò, thành phà.

Các chủ bến khách ngang sông có trang bị áo phao, phao cứu sinh vẫn nhằm mục đích đối phó với cơ quan chức năng


Trao đổi với một số chủ bến khách ngang sông, họ đều cho biết là có biết đến Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải đã có hiệu lực nhưng vì trong một thời gian ngắn chưa thể trang bị đầy đủ được áo phao, phao cứu sinh cho tất cả các hành khách. Bởi thế dù có áo phao, phao cứu sinh trên đò, trên phà nhưng cứ treo vậy nhằm “che mắt” các cơ quan chức năng chứ chẳng lẽ hành khách người thì mặc, người thì không.

Quy định bắt buộc phải mặc áo phao hoặc mang phao cứu sinh khi tham gia giao thông đường thủy trên các phương tiện vận tải ngang sông là đúng đắn và cần thiết. Nhưng trên thực tế, những gì đã và đang diễn ra tại nhiều bến khách ngang sông trên địa bàn Hà Nội cho thấy quy định này vẫn chưa được nghiêm chỉnh chấp hành tại Hà Nội. Rõ ràng, để quy định này thực sự có hiệu lực, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhiều người trong việc mặc áo phao hoặc mang phao cứu sinh mỗi khi qua sông trên các phương tiện đường thủy, thời gian tới đòi hỏi các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý cương quyết hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt buộc mặc áo phao khi qua sông: Vẫn chỉ là đối phó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.