Ngày 16/6, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ khởi tố bắt giam Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và Phạm Tường Thi về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cùng thời gian này, phía công an cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Phạm Tường Thi, Giám đốc Cty TNHH Tân Tiến (trụ sở tại số 29 Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) để điều tra, làm rõ cùng hành vi trên…
Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bị công an thực hiện lệnh bắt tạm giam |
Theo hồ sơ vụ việc, Cty Tây Nam được sở KHĐT tỉnh Hậu Giang cấp giấy phép kinh doanh lần đầu vào năm 2011, do ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân làm giám đốc. Trong năm này, Cty Tây Nam đã lập dự án để đầu tư vào các hệ thống thiết bị bảo quản sau thu hoạch nông, thủy hải sản, nguồn vốn được nhắm đến là nguồn vay ưu đãi lãi suất 0% từ quyết định 63 của Chính phủ.
Tháng 1.2012 Cty Tây Nam ký hợp đồng tín dụng số 01 trị giá 289 tỉ đồng với Ngân hàng NNPTNT Chi nhánh TP.Cần Thơ để vay vốn trong thời hạn 10 năm nhằm đầu tư hệ thống cấp đông, kho trữ lúa gạo… Để có tài sản thế chấp cho ngân hàng, Cty Tây Nam đã tham gia mua đấu giá khu đất nơi đặt siêu thị Citimart trên đường Nguyễn Trãi, quận Ninh Kiều. Sau đó, UBND TP.Cần Thơ ra quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá với số tiền trên 104 tỉ đồng. Thế nhưng, Cty Thẩm định giá Hoàng Quân sau đó đã thẩm định giá tài sản lên đến trên 330 tỉ đồng, tức định giá trị tài sản cao hơn mức mua đấu giá gần 200 tỉ đồng. Khó hiểu hơn là sau đó, ngân hàng lại chấp nhận để giải ngân cho Cty gói tín dụng lên tới 289 tỉ đồng.
Từ giữa tháng 1.2012 phía ngân hàng đã giải ngân 11 lần với số tiền lên đến gần 260 tỉ đồng cho Cty TNHH Tân Tiến do ông Phạm Tường Thi làm đại diện, theo hợp đồng cung cấp thiết bị được ký kết giữa Cty Tây Nam với liên doanh gồm Cty Tân Tiến, Cty CP QBI (TP.HCM) và Cty TNHH MTV Cơ điện lạnh Huy Hoàng (TP.HCM).
Sau khi được giải ngân, Cty Tân Tiến đã gửi tiết kiệm ngược lại chính ngân hàng NNPTNT 12 lần với số tiền gần 190 tỉ đồng để hưởng lãi suất. Nếu chiếu theo quyết định số 63 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ thì Cty Tây Nam đã vay tiền sử dụng không đúng mục đích, không mua máy móc thiết bị và sử dụng vào mục đích khác, còn phía ngân hàng đã phát vay sai đối tượng vì doanh nghiệp này không có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân.
Theo tinh thần của Quyết định số 63, năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ thì Công ty Tây Nam đã vay tiền, ký những hợp đồng với Công ty Tân Tiến nhằm sử dụng nguồn tiền này không đúng mục đích. Còn phía ngân hàng đã phát vay sai đối tượng vì doanh nghiệp này không ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân. Sau khi phát hiện sai phạm, ngân hàng NNPTNT đã đề nghị chi nhánh ngân hàng trực thuộc tại Cần Thơ phải tổ chức thu hồi lại số tiền này và tiến hành kiểm điểm, kỷ luật các cá nhân có liên quan. Đồng thời chuyển gói vay ưu đãi lãi suất 0% sang gói vay thương mại để khắc phục hậu quả.
Mặc dù công an đã khởi tố vụ án, và tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc, nhưng ông Nhân và ông Thi đã đã cung cấp nhiều thông tin sai lệch, một chiều cho báo chí đăng tải nhằm gây mất uy tín, gây khó khăn thêm cho Công an Cần Thơ trong quá trình điều tra. Một số tờ báo sau đó đã đăng tải thông tin một chiều không chính xác, cho rằng công an Cần Thơ đã cố tình gây khó doanh nghiệp, hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế. Xét thấy đã đủ cơ sở pháp lý cần thiết nên Công an TP Cần Thơ và Viện KSND cùng cấp thống nhất khởi tố bị can và bắt tạm giam các đối tượng này 4 tháng để phục vụ công tác điều tra được nhanh chóng.
Đại tá Trần Ngọc Hạnh – Giám đốc công an TP.Cần Thơ cho biết: Trên thực tế, mối quan hệ giữa Cty Tây Nam và Cty Tân Tiến là quan hệ “mẹ con” đã có những hoạt động nhằm hưởng lợi suất từ chính sách ưu đãi. Trong quá trình điều tra vụ việc, các DN không chịu hợp tác mà ngược lại còn gây khó dễ, thách thức cơ quan điều tra...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.