(HNM) - Mặc dù thời gian cơn bão Nock-Ten đổ bộ vào Hải Phòng chỉ tính bằng giờ, nhưng người dân xã Tân Dân huyện An Lão, TP Hải Phòng chẳng còn bụng dạ nào mà lo phòng chống bão. Trên con đường chạy qua những thửa ruộng xanh rì dẫn vào làng Đại Hoàng đâu đâu cũng văng vẳng âm thanh của phường bát âm tiễn đưa người xấu số về thế giới bên kia. Trong số 13 nạn nhân thiệt mạng vì giặc lửa thì riêng làng Đại Hoàng đã có tới 7 người.
Những giấc mơ dang dở
Căn nhà nhỏ của gia đình ông Biên, bà Dinh chỉ cách địa điểm xảy ra cháy chưa đầy trăm mét. Hai ông bà già sinh sống trong căn nhà ấy giờ đã chẳng gượng dậy được vì nỗi đau xé lòng khi cùng lúc mất 2 người con. Đại tang của gia đình đã khiến ông bà Dinh không còn đủ sức chống đỡ với tuổi tác. Hai ông bà cứ rũ người ra mỗi khi phải gượng dậy tiếp khách. Nước mắt của gia chủ như quyện cùng nước mắt sẻ chia của bà con làng xóm khi biết Bùi Thị Yến (SN 1989) hiện là SV năm thứ tư Khoa Kế toán - Kiểm toán, ĐH Hải Phòng) và cậu út Bùi Xuân Anh vừa tốt nghiệp cấp 3 và đang đợi kết quả thi ĐH. Yến và Anh đều là con ngoan trò giỏi, cả hai chị em vì muốn tranh thủ thời gian nghỉ hè rảnh rỗi đã đi làm thêm phụ đỡ gia đình mà đã gặp phải thảm cảnh trớ trêu. Nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội, khi mà cho đến hết chiều cuối cùng tháng bảy, người ta vẫn chưa thể xác định được thi thể Yến vì đã bị biến dạng sau vụ cháy.
Khám nghiệm hiện trường phía sau xưởng may. |
Cùng chung một nỗi đau như ông Biên, bà Dinh là gia đình anh Bùi Văn Luyện ở thôn Đại Hoàng 2. Anh Luyện cũng không gượng dậy được kể từ khi nghe được tin dữ cô con gái Bùi Thị Huyền mới 19 tuổi đã bị ngọn lửa quái ác cướp đi mạng sống. Đang làm việc tại Quảng Ninh, nghe tin dữ anh vội vã phóng xe máy về nhà trong tình trạng ngơ ngẩn. Nghị lực của người cha cũng chỉ đủ sức giúp anh vượt qua quãng đường ngót trăm cây số. Về đến nhà, chứng kiến cảnh con gái ra đi tức tưởi, tấm thân lực lưỡng của người đàn ông miền biển đổ ụp xuống như chuối gặp bão. Kể về đứa con thứ hai trong gia đình, anh luôn tự hào khi nhắc đến Huyền luôn nhận được giấy khen học sinh tiên tiến, học sinh giỏi mỗi khi kết thúc học kỳ. Huyền cũng vừa dự thi tuyển sinh vào Trường ĐH Sư phạm I và đang đợi kết quả. Tuy nhiên giờ đây, giấc mơ trở thành cô giáo của Huyền và của cả nhà đã không bao giờ có thể trở thành hiện thực.
Bão xa không sợ bằng lửa gần
Sau một ngày xảy ra vụ cháy, xưởng may gia công mũ giày ở thôn Đại Hoàng 2, xã Tân Dân (huyện An Lão, Hải Phòng) đã được CATP Hải Phòng phong tỏa để phục vụ công tác điều tra. Theo Đại tá Nguyễn Hữu Ca, Giám đốc CATP Hải Phòng, số nạn nhân xấu số được xác định là 13 người tử vong và 25 nạn nhân bị bỏng nặng (con số này khác hẳn với 17 người chết theo thông tin ban đầu được đăng tải trên một số phương tiện đại chúng). Đại tá Nguyễn Hữu Ca cũng cho biết thêm, nguyên nhân vụ hỏa hoạn kinh hoàng là do công nhân làm việc bất cẩn khi hàn cột thu lôi. Cụ thể, vào chiều 29-7, ông Lê Văn Bảy - chủ thầu xây dựng xưởng may trên cùng em rể (tên Ninh) trèo lên mái nhà xưởng hàn cột thu lôi chống sét. Được khoảng 10 phút thì tàn lửa lan ra cháy tấm lót trên mái, ngọn lửa rớt xuống tấm xốp dưới sàn và lan nhanh thành đám cháy lớn. Tại thời điểm xảy ra vụ cháy, ít nhất có tới 49 công nhân đang làm việc tại xưởng. Chủ yếu là những công nhân chưa đến tuổi lao động.
Căn cứ vào lời khai của các nhân chứng cũng như các dấu vết tại hiện trường, cán bộ điều tra Phòng CS PCCC CATP Hải Phòng cho biết, khu nhà xưởng vốn là nhà tiền chế, được xây dựng trên diện tích đất ở của khu dân cư diện tích 150m2, hai bên là nhà dân được xây kiên cố, chỉ có duy nhất một cửa ra vào, không có lối thoát hiểm. Ngọn lửa bùng phát khi trong nhà xưởng chủ yếu chứa các vật liệu da giày, hóa chất như keo dán… Nhà xưởng không có thiết bị phòng cháy chữa cháy, chính vì thế khi xảy ra hỏa hoạn lối ra vào duy nhất bị bịt mất trở thành "cửa tử" không chỉ đối với những người công nhân mà còn cho các gia đình hàng xóm liền kề. Rõ ràng là chủ xưởng dù có ý thức lo phòng bão xa, nhưng chẳng hề quan tâm đến việc phòng chống cháy ngay tại chỗ.
Đám cháy tai hại trên rất có khả năng còn gây ra nhiều thảm cảnh hơn nữa nếu những người hàng xóm không tìm cách tự cứu mình trước khi được lực lượng chức năng giải cứu. Đó là trường hợp chị Vũ Thị Thảnh, nhà ngay sát bên cạnh xưởng sản xuất. Qua một ngày rồi, mưa bão đã đổ sầm sập khắp trời Hải Phòng, nhưng chị Thảnh vẫn chưa dám một mình bước vào tổ ấm của mình. Vụ thảm họa đã khiến tường nhà chị Thảnh bị rạn nứt nhiều chỗ sau khi bị ngọn lửa thiêu đốt hàng giờ sát vách, cửa sổ bằng kính cũng bị sức nóng phá hủy. Sau gần 10 tiếng đồng hồ, tường nhà chị Thảnh vẫn nóng ran, toàn bộ hệ thống điện, đèn nhà chị đã bị chập, cháy. Nhiều hộ dân sống ngay cạnh đám cháy đã hoảng loạn bỏ chạy và bê đồ đạc ra ngoài vẫn chưa dám mang vào nhà mà tìm cách che đậy để chống bão. Thảng thốt và bàng hoàng, chị Thảnh kể lại: "Vào thời điểm xảy ra vụ cháy, trong nhà tôi có ba cháu nhỏ, cháu lớn nhất mới học lớp 2, còn lại hai cháu đang học mẫu giáo đã may mắn chạy ra ngoài trước khi bị ngọn lửa hung tợn tạt sang nhà". Anh Lê Quyết Tiến chồng chị Thảnh cho biết: "Vào lúc ấy vợ chồng tôi còn chưa đi làm về. Vừa về đầu ngõ chứng kiến vụ việc cả hai vợ chồng như muốn qụy xuống. Về sau được bà con chòm xóm báo tin may mà có bà nội các cháu ở gần đó chạy sang bế lũ trẻ thoát ra chúng tôi mới lấy lại được bình tĩnh".
Chị Bùi Thị Linh, nhà đối diện với xưởng may cho biết, khi thấy lửa bốc cháy, người dân hai bên đường vội dùng xô, chậu chữa cháy tại chỗ. Tuy nhiên, do cả xưởng chứa toàn chất liệu may da giày, nên lửa đã bùng cháy ra khắp nhà xưởng. Có khoảng gần 10 công nhân đứng làm việc ngay gần cửa xưởng may may mắn thoát ra ngoài với tình trạng bị bỏng toàn thân. Số đông công nhân còn lại trong xưởng may bị ngạt, bị lửa thiêu cháy đen. Hiện tại, sức khỏe gần 10 công nhân may mắn thoát chết vẫn chưa bình phục hoàn toàn. Tâm lý của họ đang bất ổn, có người lúc nhớ lúc quên, cũng có người từ chối thẳng thừng việc cung cấp thông tin cho báo chí. Các nhân chứng là người dân địa phương cho biết thêm, khi đó mọi người không thể dùng nước để dập lửa được vì không có nguồn nước máy, giếng nước ngay gần đó cũng cạn từ lâu. Toàn bộ việc cứu hỏa ban đầu chỉ vẻn vẹn với dăm chiếc bình bọt cứu hỏa tại chỗ của những nhà dân sống bên cạnh và 2 xô nước. Anh Hoàng, một người chứng kiến sự việc từ đầu và cũng là người trực tiếp tham gia dập lửa cho biết: Thời điểm xảy ra cháy vào khoảng 16h30 ngày 29-7, lúc đó anh đang ngồi ngoài vỉa hè uống nước, bỗng thấy khói đen kèm theo mùi khét lẹt bốc ra từ xưởng gia công giày da này. Ngay lập tức cả khu dân cư náo loạn bởi tiếng la ó, tiếng kêu cứu thất thanh. Không quản ngại nguy hiểm cho bản thân, anh Hoàng cùng nhiều người khác đã huy động bình xịt chữa cháy tại chỗ ở các nhà dân gần đó lao vào dập lửa, nhưng vì lửa quá lớn đã không thể dập tắt được. Chỉ trong vòng 15 phút đồng hồ, đám cháy đã lan rộng khắp cả xưởng sản xuất. Đến 1h ngày 30-7, lực lượng Công an huyện An Lão, Công an TP Hải Phòng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, thu thập các vật chứng của vụ cháy và niêm phong nhà xưởng phục vụ công tác điều tra. Thượng tá Phan Xuân Lai, Trưởng Công an huyện An Lão cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam sáu người liên quan về hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sáu nghi can gồm vợ chồng Bùi Đức Lạng - Bùi Thị Sự, vợ chồng Bùi Thị Hiên - A Phong, Lê Văn Bảy và một người tên Ninh (em rể ông Bảy). Ông Phạm Văn Mợi, Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng cho biết, bước đầu TP hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân tử vong 10 triệu đồng, người bị thương 3 triệu đồng.
Trong đám tang đượm buồn của vùng An Lão, dù trời đất gió mưa đang vần vũ trước diễn biến bất thường của cơn bão số 3 ngoài biển Đông đang trực chỉ tiến vào bờ, vẫn có sự hiện diện của đại diện các cấp chính quyền xã Tân Dân, huyện An Lão và TP Hải Phòng. Nỗ lực của các cấp các ngành chung tay cùng người dân những mong xoa dịu nỗi đau mất mát to lớn cho từng cá nhân, từng gia đình của người xấu số. Điều đáng nói là xưởng gia công giày này mới được vợ chồng Bùi Thị Hiên, 24 tuổi (trú xã Tân Dân) và A Phong (quốc tịch Trung Quốc) đưa vào sản xuất gần một tháng nay. Trước đó, xưởng sản xuất của vợ chồng chị Hiên (nằm cách nơi xảy ra cháy khoảng 1km) cũng từng xảy ra hỏa hoạn, tuy nhiên may mắn đã không có thương vong về người. Vậy mà chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng không hề kiểm tra công tác PCCC của tất cả các cơ sở sản xuất trên địa bàn.Vụ cháy ở An Lão sẽ là bài học đắt giá cho những địa phương vẫn còn lơ là, chủ quan trong công tác PCCC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.