Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ sức khỏe tâm thần ở trẻ

Thu Trang| 14/03/2022 06:23

(HNM) - Những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ở học sinh, như: Stress, lo âu, trầm cảm, tự tử… đang gia tăng nhanh chóng. Thế nhưng, thực trạng đáng lo ngại này lại chưa được chú trọng tại nước ta. Việc phát hiện và điều trị không kịp thời những bệnh lý tâm thần ở trẻ đã để lại những câu chuyện đau lòng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương tư vấn sức khỏe cho gia đình có trẻ bị trầm cảm.

Trẻ tự gây thương tích, tự tử vì rối loạn tâm thần

Trên thế giới có 10-20% trẻ em và thanh thiếu niên bị các rối loạn tâm thần. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 40 giây, thế giới có một người tự tử (tương đương 800.000 ca tự tử/năm). Tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 đối với lứa tuổi 15-29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông. Còn theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6%, trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên tự tử xuất phát từ những mối quan hệ bất hòa, mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, xã hội, nhưng không được chia sẻ để giải quyết. Yếu tố bạo lực gia đình, học đường cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi tiêu cực ở trẻ.

Còn theo PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương, việc trẻ lạm dụng thiết bị điện tử, như: Ti vi, điện thoại, máy tính cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trầm cảm và tự sát gia tăng. Khi tiếp xúc với các thiết bị điện tử lâu ngày, khiến trẻ ngày càng thu hẹp trong thế giới của riêng mình. Có nhiều bệnh nhi sau một thời gian dài nghiện game khi tới bệnh viện thăm khám đều trong tình trạng buồn chán, lo âu. Thậm chí, có những trẻ chia sẻ muốn tự tử chỉ vì học theo những clip trên mạng...

Tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương) thời gian qua đã tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên, thanh niên đến khám các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bác sĩ Trần Thị Sáu, Khoa Khám bệnh của bệnh viện cho biết, đa số các bệnh nhân đến khám đều chung một nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh và việc phải học trực tuyến (online) thời gian dài. Đơn cử như có trường hợp nữ học sinh lớp 12 tại Hà Nội đến khám với các biểu hiện rối loạn lo âu, trầm cảm khá nặng đến mức tự dùng dao cắt tay chảy máu. Với trường hợp này, bác sĩ đã phải cho bệnh nhân dùng thuốc kết hợp với gia đình dùng biện pháp điều trị tâm lý.

Thế nhưng, thực tế có không ít trẻ do không được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời đã tìm tới cái chết. PGS.TS Tô Thanh Phương cho rằng, sai lầm của gia đình, đó là khi trẻ đã bị trầm cảm, thậm chí đã có ý định hoặc từng tự sát, nhưng chỉ dừng lại ở việc điều trị với chuyên gia tâm lý. Trong khi đó, vấn đề tâm lý chỉ giải quyết được khi trẻ bị sang chấn tâm lý, còn đã xác định mắc bệnh lý tâm thần, đặc biệt như trầm cảm thì bắt buộc phải dùng thuốc mới có thể điều trị tận gốc. Nếu trẻ không được điều trị sớm, khiến tình trạng bệnh nặng nề và hậu quả để lại vô cùng đau xót.

Bác sĩ khám, tư vấn sức khỏe cho bệnh nhi tại Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương. Ảnh: Ngọc Minh

Phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo

Để sớm phát hiện và can thiệp kịp thời khi trẻ có dấu hiệu về sức khỏe tâm thần, theo bác sĩ Trần Thị Sáu, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), vai trò của người thân là rất quan trọng. Bố mẹ thường xuyên phải quan tâm, giám sát các con để phát hiện những bất thường ở trẻ. Chẳng hạn như trước đây con vui vẻ, hoạt bát, ngoan hiền, nhưng bỗng nhiên thấy con có những thay đổi bất thường về hành vi, hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ thì cần đi khám chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt.

PGS.TS Tô Thanh Phương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương lưu ý, đối với nhóm trẻ trầm cảm - đối tượng dễ bị tổn thương và đi đến những suy nghĩ tiêu cực, có 3 tiêu chuẩn chính và 7 tiêu chuẩn phụ để xác định trẻ mắc bệnh. Theo đó, 3 tiêu chuẩn chính bao gồm: Khí sắc của người bệnh giảm, nét mặt thiếu tươi tắn, luôn buồn rầu, ủ rũ, chán nản; các hoạt động hằng ngày bị giảm, trẻ mất đi hứng thú; cơ thể mệt mỏi. 7 tiêu chuẩn phụ, gồm: Trẻ giảm tập trung, học hành sa sút, luôn do dự và không quyết đoán trong các vấn đề của cuộc sống; thiếu sự tự tin, luôn nghĩ mình yếu kém và mặc cảm với bản thân; nhìn mọi việc đầy bi quan, ảm đạm; cảm giác tội lỗi, cho rằng những thất bại, sai lầm đều xuất phát từ hành động của mình; trẻ suy nghĩ, có ý định và hành vi tự sát; rối loạn giấc ngủ; ăn uống kém, gầy mòn.

Một trong những dấu hiệu khá phổ biến của trẻ trước khi đi tới các suy nghĩ tiêu cực như tự sát, theo Tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương), đó là rối loạn giấc ngủ. Khi phát hiện dấu hiệu này ở trẻ, cha mẹ cần lắng nghe, chia sẻ và tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này để tìm cách xử lý kịp thời…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ sức khỏe tâm thần ở trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.