Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịp mua sắm cao điểm

Thanh Hiền| 18/12/2022 07:30

(HNM) - Thời gian qua, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn luôn được cả người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước quan tâm. Trên thực tế, mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời và có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng quyền lợi của nhiều người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đôi khi người tiêu dùng vẫn phải chịu ấm ức và không tiến hành các biện pháp để bảo vệ mình.

Đội quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) kiểm tra một cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái tại quận Cầu Giấy.

Với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 được triển khai từ ngày 15-11-2022 đến 28-2-2023 (3 tháng cao điểm) và kéo dài đến hết tháng 5-2023. Đặc biệt, tập trung vào các dịp cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường.

Sự kiện được tổ chức nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và hoạt động tuyên truyền bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các địa phương trên toàn quốc liên tục được triển khai và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Qua tuyên truyền, người tiêu dùng ngày càng nâng cao sự hiểu biết của mình trong việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ phục vụ tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người tiêu dùng cảm thấy e ngại trong việc khiếu kiện hoặc có tâm lý lo ngại chi phí khiếu kiện nhiều hơn cả số tiền mua sản phẩm nên thường bỏ qua quyền lợi của mình. Ngoài ra, cũng không ít người chưa nắm rõ luật, chưa hiểu hết các quyền lợi của mình, ngại va chạm nên không lên tiếng trong những vụ việc bị xâm phạm quyền lợi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì thế, các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như các chính sách bảo vệ người tiêu dùng cần được tiến hành thường xuyên và nâng cao hơn nữa.

Để nâng cao niềm tin của người tiêu dùng cũng như thúc đẩy kinh doanh, Bộ Công Thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được tiếp nhận các thông tin chính xác, minh bạch liên quan tới sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để người tiêu dùng có các lựa chọn an toàn và phù hợp.

Về phía các doanh nghiệp, cần xây dựng những công cụ hữu hiệu để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, mùa mua sắm cuối năm là thời điểm người tiêu dùng sẽ có nhiều hoạt động mua sắm, chất lượng sản phẩm cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp cần được nâng cao. Mỗi doanh nghiệp cần chủ động biến trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan nhà nước cũng sẽ tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Đối với các tổ chức xã hội, Bộ Công Thương đề nghị cần phát huy rõ nét vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Bộ Công Thương kêu gọi các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 cần được tổ chức thường xuyên, tạo nền tảng cho các hoạt động trong tháng cao điểm (tháng 3) hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịp mua sắm cao điểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.