Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc gia đình

Nhóm phóng viên| 29/01/2022 06:52

(HNM) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ-CP (ngày 17-1-2022) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định đã quy định cụ thể mức phạt với người sử dụng lao động chưa thành niên, người giúp việc gia đình hoặc trục lợi từ việc mua bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm y tế cho người giúp việc... Hiện cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền đang có kế hoạch hiện thực hóa nghị định để góp phần bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc gia đình...

Việc thực hiện Nghị định số 12/2022/NĐ-CP sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi cho người giúp việc gia đình.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo: 
Nghị định ra đời là hết sức cần thiết

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ-CP là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong lĩnh vực lao động, nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình. Nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, hoặc dùng vũ lực đối với người lao động giúp việc gia đình nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt từ 50 đến 75 triệu đồng. Đây là quy định mới có mức phạt cao nhất về xử phạt các vi phạm liên quan đến việc sử dụng lao động là người giúp việc gia đình. Mức xử phạt hành chính như vậy bảo đảm tính răn đe, bảo vệ người lao động giúp việc. Lao động giúp việc gia đình là một nghề nên thời gian tới Trung tâm sẽ đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cũng như kiến thức về pháp luật cho người lao động.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa: 
Khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước 

Thực tế cho thấy, người sử dụng lao động có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thúc đẩy quan hệ lao động lành mạnh, ngăn ngừa, giải quyết các xung đột trong quan hệ lao động. Từ đây, sẽ tạo nên tình cảm tốt đẹp, sự gắn bó của người lao động với người sử dụng lao động, giúp bên sử dụng lao động phòng ngừa, giải quyết hiệu quả các tranh chấp, thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật Lao động, Luật Trẻ em. Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt cụ thể đối với vi phạm quy định lao động chưa thành niên là hết sức quan trọng, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để bảo đảm cho trẻ em được hưởng an toàn xã hội, không bị bóc lột sức lao động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng: 
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để kịp thời xử lý vi phạm

Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội liên quan đến người giúp việc sẽ góp phần tích cực vào ổn định xã hội, thực hiện xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo nghị định, đối với người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung (tối đa không quá 75 triệu đồng) bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Nghị định có hiệu lực, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để kịp thời xử lý vi phạm và bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm xã hội trong đó có người giúp việc.

Chủ tịch UBND phường Phương Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Thanh Lương: 
Tích cực tuyên truyền để tăng cường tuân thủ luật pháp

Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành cho thấy rõ nghề giúp việc gia đình là nghề chuyên nghiệp, được Nhà nước quan tâm và có chính sách bảo hộ. Điều này được thể hiện qua quy định phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình; không trả tiền tàu xe đi đường khi lao động là người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp tự chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn… Từ những quy định này, phường sẽ tích cực tuyên truyền, kiểm tra, xử lý để tăng cường tuân thủ luật pháp, bảo vệ quyền, lợi ích người giúp việc gia đình.

Ông Phạm Anh Dũng, thôn Cổ Trai, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên: 
Triển khai ngay các giải pháp để chính sách đi vào cuộc sống

Hiện còn tình trạng người sử dụng lao động vì nhiều lý do nên ít quan tâm đến việc ký kết hợp đồng lao động. Do vậy, khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng thiếu căn cứ để giải quyết mặc dù quy định này đã được nêu trong Luật Lao động 2012; sau đó được hướng dẫn thực hiện trong Nghị định số 27/2014/NĐ-CP ngày 7-4-2014 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động của Chính phủ. Hệ quả của việc này là người lao động bị thiệt thòi trong khi bên sử dụng lao động không ý thức được hết trách nhiệm của mình. Hy vọng, với việc Nghị định số 12/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 17-1-2022, cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền triển khai ngay các giải pháp để chính sách bảo hộ lao động giúp việc gia đình đi vào cuộc sống, qua đó bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người giúp việc gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.