(HNM) - Theo thống kê, hiện có tới hơn 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài. Đi làm việc xa nhà, nhiều phát sinh từ lực lượng lao động này do sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, đôi khi cả pháp luật. Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp không tuyển chọn kỹ hoặc không quản lý lao động tại nước ngoài dẫn đến tranh chấp hoặc người lao động không được bảo vệ.
Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong những năm gần đây, số lượng đơn, thư có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp ngày càng tăng về số lượng, phức tạp về tính chất. Đặc biệt có nhiều trường hợp đơn, thư khiếu kiện tập thể. Nếu như năm 2007 có 276 đơn tố cáo, khiếu nại các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc các chế độ về hợp đồng đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài thì năm 2008 là 331 và năm 2009 là 521 đơn, thư.
Số lượng đơn, thư tăng nhiều trong năm 2009 là do lao động ở Liên bang Nga, CH Séc... phải về nước trước thời hạn. Nội dung các đơn, thư khiếu nại - tố cáo này chủ yếu tập trung vào việc người lao động (NLĐ) không được làm việc theo đúng hợp đồng đã ký với doanh nghiệp trước khi xuất cảnh; chủ sử dụng lao động không trả đầy đủ tiền lương tháng; các khoản khấu trừ tiền lương không rõ ràng; điều kiện sinh hoạt tối thiểu không bảo đảm. Đến khi NLĐ hết hợp đồng hoặc phải về nước trước thời hạn đã không được doanh nghiệp kịp thời thanh lý hợp đồng khiến nhiều người cho rằng doanh nghiệp lừa đảo, gian dối trong hoạt động này...
Bà Nguyễn Thị Thúy Lai, Trưởng phòng Thanh tra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng, năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp tiếp nhận lao động Việt Nam bị thu hẹp sản xuất, phá sản, chủ sử dụng lao động nợ lương của NLĐ. Thực tế này đã phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến NLĐ, khiến nhiều lao động phải về nước trước thời hạn, nhưng không được các doanh nghiệp giải quyết dứt điểm, gây hoang mang, bức xúc cho NLĐ và thân nhân của họ ở trong nước. Một số lao động khác đã nộp tiền, không được xuất cảnh nhưng không được doanh nghiệp hoàn trả đầy đủ khoản tiền đã nộp... Bên cạnh những nguyên nhân khách quan kể trên, thì trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và bản thân NLĐ cần phải được xem xét lại. Không ít doanh nghiệp chưa thực hiện đúng theo quy trình trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chưa thẩm định, khảo sát kỹ các điều kiện bảo đảm việc làm, sinh hoạt cho NLĐ trước khi đến làm việc của đối tác nước ngoài. Tuyển chọn lao động và giáo dục định hướng không đầy đủ khiến chất lượng lao động cung ứng không bảo đảm. Đến khi ký hợp đồng với NLĐ thì nội dung hợp đồng không rõ ràng, gây sự hiểu nhầm... Về phía NLĐ, nhiều lao động chưa thực sự cố gắng vươn lên, thiếu hiểu biết về pháp luật, phong tục tập quán cũng như ngôn ngữ của người bản xứ. Thậm chí, nhiều lao động còn không biết cả các quyền, nghĩa vụ của mình khi sang làm việc tại nước ngoài, không biết cả doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng đưa mình đi làm việc ở nước ngoài.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thúy Lai, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên, ngoài việc tăng cường giám sát, kiểm tra của các cơ quan quản lý thì trách nhiệm chính vẫn là doanh nghiệp và bản thân NLĐ. Doanh nghiệp và NLĐ phải xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên khi tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động. Đối với doanh nghiệp, cần thẩm định kỹ đối tác trước khi ký hợp đồng cung ứng lao động; khảo sát thực tế các điều kiện của đối tác trước khi đưa NLĐ sang làm việc. Một điều đáng lưu ý là thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã bỏ qua hoặc chỉ thực hiện đối phó trong việc định hướng, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ trước khi sang làm việc tại nước ngoài. Điều này khiến nhiều lao động thực sự ngỡ ngàng khi đến làm việc và sinh hoạt ở một nền văn hóa, phong tục tập quán khác biệt. Riêng đối với NLĐ, cần xác định rõ quyền và trách nhiệm của mình trước khi đi làm việc tại nước ngoài cũng như đọc kỹ và hiểu bản chất của các bản hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để tự bảo vệ mình khi có sự cố xảy ra.
Về vấn đề này, ông Trương Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng, NLĐ làm việc ở nước ngoài bị nhiều hệ thống pháp luật điều chỉnh, đôi khi chồng chéo khiến kể cả doanh nghiệp và NLĐ đều khó thực hiện. Hơn nữa, bản thân NLĐ còn hạn chế về ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, tay nghề khiến nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra. Và để bảo vệ tốt hơn nữa những lao động đang làm việc tại nước ngoài, cơ quan chức năng cần rà soát lại các văn bản liên quan, các hợp đồng khung phù hợp với luật pháp nước tiếp nhận lao động để có cơ sở pháp lý xử lý khi cần thiết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.