(HNMO) - Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên internet, đặc biệt là mạng xã hội, được đại hội Đảng các cấp đặt ra với yêu cầu ngày càng cao hơn. Đặc biệt, thời gian qua, công tác này được các cấp ủy Đảng chú ý nhiều hơn, qua đó đưa mạng xã hội trở thành mũi tiến công sắc bén nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Xu thế tất yếu
Với những tiện ích to lớn, ứng dụng hữu ích, cùng tốc độ lan truyền nhanh chóng, mạng xã hội đã trở thành diễn đàn chia sẻ và phản biện xã hội của người dân trên toàn cầu. Tại Việt Nam, với khoảng 76,95 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 78,1% tổng dân số), việc phát huy vai trò của mạng xã hội để tuyên truyền chính trị và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã, đang trở thành một xu thế tất yếu.
Tại hội thảo khoa học “Sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức mới đây, PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, mạng xã hội đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chính trị, triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước và có ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống chính trị. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng đã và đang trở thành phương tiện hàng đầu để các thế lực thù địch tiến hành phá hoại tư tưởng, chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, thời gian qua, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn gần 4.000 trang web, hình ảnh, bài viết có chứa các thông tin xấu, độc, phản cảm; chặn và yêu cầu gỡ bỏ hàng loạt thông tin xấu, độc… Tháng 6-2018, Quốc hội cũng đã thông qua Luật An ninh mạng; Bộ Thông tin và Truyền thông cũng có nhiều văn bản hướng dẫn, quy định quản lý, sử dụng mạng xã hội… Nhờ vậy, mạng xã hội ngày càng góp phần quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào nền tảng tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Đảng; là diễn đàn quan trọng trong đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản động và thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cũng phân tích, trước đây, thông tin tuyên truyền chưa có sự tương tác với công chúng, thời gian truyền tải tới công chúng chậm. Mạng xã hội xuất hiện đã giúp tất cả mọi người có thể tương tác, chia sẻ thông tin, tạo ra môi trường thông tin đa chiều. Chính vì thế, cần tăng cường lan tỏa thông tin tích cực lên không gian mạng, chuyển hướng sự tập trung chú ý của dư luận tại cùng thời điểm vào những thông tin tích cực, phân hóa và cô lập những nhóm thông tin tiêu cực, đây chính là “lấy xây để chống”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo môi trường phát triển nội dung thông tin tốt nhằm bao trùm và lấn át nội dung thông tin tiêu cực trên không gian mạng.
Khẳng định mạng xã hội ngày càng góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và điều hành của Chính phủ, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hảo (Khoa Lịch sử Đảng - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng cho biết, mạng xã hội đã và đang được các cơ quan, tổ chức nhà nước sử dụng một cách có hiệu quả, giúp thu hẹp khoảng cách với người dân. Vào tháng 10-2015, Chính phủ đã lập 2 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế - xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Qua đó không những đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ mà còn góp phần thiết thực định hướng dư luận trên mạng xã hội...
Chủ động định hướng dư luận
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TƯ ngày 22-10-2018 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết số 35-NQ/TƯ cũng nhấn mạnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng... Nghị quyết cũng chỉ rõ việc phải đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền chính trị; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao, hấp dẫn; tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội...
Chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang Đỗ Đức Hà cho biết, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tích cực chỉ đạo, thực hiện duy trì hoạt động của gần 2.700 tài khoản mạng xã hội để tuyên truyền, đấu tranh, phản bác và thường xuyên chia sẻ, định hướng các thông tin tích cực, tham gia báo xấu, bóc gỡ các tài khoản mạng xã hội đăng tải các thông tin xấu, kích động bạo lực.
Đồng chí Đỗ Đức Hà cũng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội, trong đó, cần chủ động lựa chọn, thiết kế xây dựng chủ đề để dẫn dắt dư luận; chú trọng tính tương tác, sự gần gũi, sử dụng nhiều ngôn ngữ và hình thức được cư dân mạng ưa thích; tạo sự thống nhất trong truyền thông, từ thông tin trên báo chí, truyền hình đến thông tin trên báo điện tử, trang tin điện tử, trang web, Facebook, kênh YouTube... để tạo thành chuỗi dòng chảy thông tin tích cực lan tỏa nhanh trong cộng đồng, góp phần định hướng nhận thức, tạo sức "đề kháng" cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, trước những thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội…
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội, Tiến sĩ Dương Thị Thu Hương (Khoa Xã hội học và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, đa số thanh niên hiện nay có xu hướng sử dụng mạng xã hội để cập nhật thông tin thời sự, chính trị, xã hội. Chính vì vậy, một số cơ quan chức năng đã thay đổi quan điểm, không còn xem mạng xã hội là môi trường truyền thông không chính thống, đồng thời đã bắt đầu tận dụng những lợi thế của mạng xã hội để phổ biến thông tin chính trị chính thống đến giới trẻ. Để thu hút, duy trì, mở rộng công chúng là những người trẻ tuổi thường xuyên theo dõi, tiếp cận thông tin chính thức được tuyên truyền trên các mạng xã hội, cần xây dựng được những nhóm nòng cốt, bao gồm những người trẻ tuổi đã được tập huấn kỹ lưỡng cùng tham gia xây dựng nội dung truyền thông trên mạng xã hội; đồng thời mở rộng liên kết để tăng hiệu quả truyền thông về các chủ đề chính trị, xã hội phù hợp đối với từng đối tượng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cũng cho rằng, để phát huy ưu thế của mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị ở Việt Nam hiện nay, trước hết, phải tăng cường nội dung, đổi mới hình thức, phương pháp đưa thông tin lý luận chính trị trên mạng xã hội thật sự phong phú, cập nhật, hấp dẫn, thuyết phục. Song hành với đó cần khuyến khích cán bộ, đảng viên, hội viên, công nhân viên tham gia mạng xã hội để cung cấp nhiều thông tin tích cực, quan điểm đúng đắn về các vấn đề lý luận chính trị... Đặc biệt, các chính khách, người có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội trong những điều kiện cụ thể cần sử dụng tài khoản trên mạng xã hội để góp phần lan tỏa những quan điểm, định hướng đúng đắn về chính trị tới đông đảo các tầng lớp nhân dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.