(HNM) - Năm 2019, trong chuỗi sự kiện Sparkling được Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (Hà Nội) tổ chức thường niên có thêm một hoạt động ý nghĩa, đó là dự án về môi trường. Hoạt động này đã tạo ra một sân chơi thú vị, góp phần đem đến những thay đổi về nhận thức và hành động cho học sinh nhà trường cũng như lan tỏa trong cộng đồng.
Trong dự án về môi trường của thầy trò Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, nổi bật là hoạt động của nhóm G Go Green, quy tụ những học sinh tâm huyết với hoạt động bảo vệ môi trường từ lớp 10 đến lớp 12 với các hoạt động rất gần gũi và thiết thực. Khởi động từ tháng 10-2019, nhóm dự án xác định để đạt mục đích làm thay đổi nhận thức, hành vi của mọi người nói chung, cần bắt đầu từ những điều đơn giản, mà cách tiếp cận đầu tiên là tuyên truyền về việc phân loại rác thải.
Em Lương Khánh Linh, đại diện nhóm dự án chia sẻ: Ngay trong quy mô một ngôi trường, hằng ngày, có biết bao chai nhựa và túi ni lông được thải ra từ việc chứa thực phẩm và đồ uống. Một bữa ăn trưa của học sinh có thể cần tới 3-4 sản phẩm dùng một lần từ nhựa nên mỗi ngày cả ngôi trường thải ra một lượng rác thải nhựa rất lớn. Với hoạt động này, dự án mong muốn giúp các học sinh có ý thức hơn khi xả rác và hỗ trợ nhân viên lao công trong quá trình phân loại tái chế rác thải nhựa, tiêu hủy rác thải hữu cơ.
“Bản thân em và các bạn trong dự án đã từng tham gia một số chương trình dành cho các bạn trẻ ở thành phố Hà Nội nên chúng em hiểu rằng việc dành ra một, hai ngày đi nhặt rác rồi tuyên truyền qua mạng xã hội khó mang lại hiệu quả cao. Do vậy, khi đề ra phương án, chúng em đã nghĩ tới hoạt động cụ thể là gắn biển “vô cơ” và “hữu cơ” lên các thùng rác trong trường. Cùng với đó là các bài viết trên fanpage hướng dẫn mọi người cách phân loại rác thải”, Lương Khánh Linh cho biết.
Và chỉ sau 1 tuần gắn biển thùng rác và tích cực tuyên truyền, dự án đã ghi nhận sự thay đổi rõ rệt qua các khảo sát. Hơn 1.400 học sinh đã tham gia theo dõi fanpage của dự án G Go Green và rất nhiều em đã chung tay vào các hoạt động phân loại rác. 95% học sinh đã hiểu rõ về rác vô cơ và hữu cơ so với tỷ lệ 65% trước đó. Ngoài ra, hoạt động này đã giúp thời gian phân loại rác của các nhân viên lao công trong trường giảm từ 45 phút xuống còn khoảng 20 phút với toàn bộ rác trong các thùng đã được gắn biển.
Không chỉ dừng ở đó, nhằm lan tỏa rộng rãi với nhiều hình thức đa dạng, nhóm đã có sáng kiến tái chế các chai nhựa thu được. Các em đã dùng gần 400 nắp chai nhựa thu gom sau 1 tháng hoạt động, tạo nên một bức tranh “tái chế” sặc sỡ và trưng bày trong khuôn viên trường để các bạn học sinh có ý thức hơn về việc giảm rác thải nhựa mỗi ngày. Đặt tên bức tranh là Sóng nhựa, G Go Green muốn nhắc nhở mọi người về tình trạng ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa một cách gần gũi và chân thực nhất. Các em còn sử dụng từng miếng vỏ chai nhựa thu gom được để ra bộ trang phục thời trang tái chế rất ấn tượng, tham gia cuộc thi thời trang của nhà trường.
Để góp phần làm đa dạng thêm các hoạt động của dự án, được sự giúp đỡ của cô giáo chủ nhiệm, học sinh lớp 11 chuyên Anh của trường đã có thêm hình thức tuyên truyền thú vị. 30 em học sinh trong lớp đã tổ chức một phiên họp mô phỏng khủng hoảng, gọi là Mun Crissis. Trong phiên họp này, các em đóng vai các đại biểu đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đại diện cho các nước phát triển và đang phát triển, để cùng bàn luận về những vấn đề môi trường, bao gồm những chủ đề: Đốt chất thải nhựa, chính sách xử lý chất thải của các quốc gia… Phiên họp mô phỏng đưa ra nhiều tình huống giả định đòi hỏi các em phải tìm ra nguyên nhân, thảo luận các giải pháp. Hoạt động này là cơ hội tốt để các em tham gia một cách chủ động, tích cực, thể hiện vai trò của mình đối với cộng đồng
Nói về các sân chơi của học sinh nhà trường nói chung và hoạt động bảo vệ môi trường nói riêng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, cô Lê Mai Anh cho biết, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, nhà trường là nơi để các em rèn luyện ý thức, thái độ và kỹ năng ứng phó với các vấn đề xã hội, vấn đề toàn cầu. Các bài học, môn học đều được giáo viên lồng ghép thông tin, cung cấp số liệu và gợi ý để các em tư duy sâu hơn. Một lợi thế của trường là các em đều rất chủ động tìm tòi, có khả năng thích ứng nhanh, sáng tạo để đề ra biện pháp với các vấn đề đặt ra. Các hoạt động nói trên là cơ hội để các học sinh thêm gắn kết với nhau, đẩy mạnh kỹ năng làm việc nhóm, đặc biệt là nâng cao ý thức và vai trò của chính các em trong việc bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.