(HNMO) - Chính sách, giải pháp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, giữ vững hơn 3,8 triệu ha đất trồng lúa là nội dung chính được nói tới trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chiều 23/11.
Bảo vệ đất trồng lúa là vì chính chúng ta
Trả lời các đại biểu Ngô Văn Minh - Quảng Nam, Nguyễn Thị Kim Bé - Kiên Giang, Phạm Xuân Thường - Thái Bình, Triệu Là Pham - Hà Giang... về các vấn đề xoay quanh đất trồng lúa, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, diện tích đất lúa giảm có nhiều yếu tố tác động, cả do tự nhiên và con người (phát triển đô thị, dân cư, hạ tầng…). Vì vậy, để bảo vệ diện tích đất trồng lúa, cần phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp nhằm hạn chế tối thiểu tác động của biến đổi khí hậu và việc lấy đất lúa phục vụ cho mục đích phi nông nghiệp, đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân chuyên trồng lúa để người dân an tâm sản xuất.
“Qua các năm, chúng ta thấy số lượng đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích hạn chế dần. Điều này cho thấy nếu chúng ta quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì việc bảo vệ đất lúa sẽ hiệu quả”, Bộ trưởng nói.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Khá - Trà Vinh về việc trồng lúa vụ 3 ở đồng bằng Sông Cửu Long là tự phát hay là chủ trương, Bộ trưởng Phát cho biết, trước có thời gian ta cho đây là vụ làm thêm và có lúc ngăn hẳn nhưng qua rà soát về nguồn nước và tương lai tác động biến đổi khí hậu, chúng ta chủ trương điều chỉnh cơ cấu mùa vụ ở đồng bằng sông Cửu Long, khuyến khích phát triển vụ 3. Bộ trưởng khẳng định, đây là chủ trương lâu dài, không phải ngẫu hứng. Nhưng làm vụ 3 không có bờ bao thì sẽ rủi ro cao, vì vậy, Bộ chỉ khuyến khích người dân gieo cấy vụ 3 khi có bờ bao vững chắc.
Trước băn khoăn của đại biểu Bùi Quang Vinh - Lai Châu về việc liệu Việt Nam có nên là nước đảm bảo an ninh lương thực thế giới hay không, việc này được gì, mất gì…, Bộ trưởng Phát khẳng định, sản xuất lúa gạo, trên thực tế, là để đảm bảo nhu cầu trong nước nhưng nó cũng là lợi thế của Việt Nam, chúng ta không dễ gì tìm được cây khác có hiệu quả hơn để thay thế trên những vùng đất trồng lúa.
‘Đây là sự sàng lọc của lịch sử”, Bộ trưởng nói. “Nhìn lại 20 năm qua, nền nông nghiệp nước ta chỉ có thể phát triển được khi ta phát huy thế mạnh của nước ta… Chúng ta không phải xuất khẩu gạo để làm an ninh lương thực thế giới mà trước hết là vì chúng ta”.
Lo ngại của các đại biểu về việc làm lúa vụ 3 có thể ảnh hưởng đến độ phì của đất, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã nghe ý kiến các nhà khoa học và có chỉ đạo cơ quan của Bộ theo dõi và có bằng chứng khoa học.
“Về mặt nông học, chúng ta cũng khuyến khích đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, không nhất thiết phải làm 3 vụ lúa, có thể 1 vụ màu, nuôi thủy sản… để đảm bảo không làm suy giảm độ phì của đất”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến việc cung cấp giống lúa cho sản xuất, Bộ trưởng Phát thừa nhận có thực tế là nông dân phải mua giống ngoài. Bộ trưởng cho biết, hiện nền nông nghiệp nước ta không còn dùng các giống lúa truyền thống mà liên tục cải tiến, hàng năm Bộ liên tục công nhận các giống lúa mới và giới thiệu tới nông dân, nông dân cũng rất nhạy cảm tìm mua các giống mới này nên dẫn đến khan hiếm nhất thời. Bộ đã chỉ đạo các viện, trung tâm, DN cung ứng giống, xã hội hóa việc cung ứng giống nhưng đôi lúc không thể đáp ứng được nhu cầu nên có tình trạng dân phải mua giống trên thị trường, trong đó có những giống không rõ nguồn gốc.
Về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trong chất vấn của đại biểu Nguyễn Thái Học - Phú Yên, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này do Bộ Tài chính chủ trì cùng các địa phương triển khai thực hiện, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp xác định vùng và tiêu chí về các đối tượng tham gia. Hiện chương trình này mới bắt đầu và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nông dân và các địa phương, chứng tỏ đây là hướng đi đúng.
Báo cáo thêm về việc này, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, thí điểm bảo hiểm nông nghiệp chủ yếu là bảo hiểm thiên tai, dịch bệnh cho 3 loại đối tượng: lúa; trâu, bò, lợn, gia cầm; cá tra, ba sa, tôm sú và tôm chân trắng. Chi phí cho bảo hiểm thì ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% cho hộ nghèo, 80% cho hộ cận nghèo còn các đối tượng nông dân khác được hỗ trợ 60%. Nhà nước cũng hỗ trợ các DN tham gia bảo hiểm ở mức 20%. Tổng kinh phí năm 2012 thực hiện cho công tác này là 1.200 tỷ đồng. Hiện Bộ đã tổ chức tập huấn, triển khai cho các đối tượng tham gia chương trình và cuối năm nay sẽ có tổng kết thí điểm, từ đó có thể mở rộng mô hình này.
Làm rõ thêm về các giải pháp bảo vệ đất trồng lúa, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng, phải khuyến khích các địa phương giữ đất; hỗ trợ các vùng quy hoạch trồng lúa; xây dựng các quy định pháp lý để đảm bảo người dân an tâm sản xuất lúa gạo; đồng thời rà soát và cắm mốc diện tích đất lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, nếu thuyên chuyển mục đích thì địa phương phải có kế hoạch bù phần diện tích bị mất và phải được Thủ tướng chấp thuận.
Bộ trưởng cũng cho biết, để phục vụ sản xuất lớn, phải tích tụ ruộng đất bằng các chính sách chuyển nhượng, cho thuê đất trên nguyên tắc đất vẫn là của hộ gia đình nhưng cho DN thuê và hộ gia đình làm thuê lại cho DN để có sản phẩm đưa ra thị trường đảm bảo tiêu chuẩn cao.
Về hiện tượng có một số địa phương đang tiến hành điều chỉnh đất ruộng, Bộ trưởng cảnh báo, các địa phương cần hết sức lưu ý và phải chấn chỉnh ngay, bởi hiện luật pháp chưa cho phép thực hiện việc này.
Không buông lỏng quản lý vật tư cho nông nghiệp
Trả lời các đại biểu Phạm Văn Tấn - Nghệ An, Huỳnh Minh Hoàng - Bạc Liêu về việc lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, đây là vấn đề được Bộ NN&PTNT hết sức chú ý, nhiều năm liên tục luôn lấy chủ đề hành động trọng tâm là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nhưng đúng là những biện pháp chỉ đạo chưa đáp ứng được nhu cầu nhân dân. Bộ chủ trương tăng cường quản lý hóa chất từ nguồn, chỉ cho phép các hóa chất được kiểm nghiệm an toàn vào Việt Nam, nhưng cùng đó cũng phải quản lý chặt nạn buôn lậu; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý sản xuất trong nước. Bộ trưởng cho biết, hiện Bộ NN&PTNT đang tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất vật tư nông nghiệp trong cả nước và phân loại A, B, C, D nhưng mới có một số địa phương triển khai, còn là rất chậm.
“Nếu nói buông lỏng thì đúng là chúng tôi làm chưa tốt như mong đợi của nhân dân nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức trong nhiều năm gần đây và quyết tâm bảo đảm an toàn vật tư nông nghiệp cho nông dân”, Bộ trưởng nói.
Trước thực trạng nhiều mặt hàng nông sản, giống cây trồng được nhập khẩu, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, nhất là với những mặt hàng trong nước sản xuất được, Bộ trưởng Phát cho biết, Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp phù hợp với cam kết quốc tế, đặc biệt là WTO. Năm ngoái, Việt Nam đã có thông tư quy định các nước xuất khẩu nông sản vào Việt Nam phải thông báo trước về chế độ kiểm soát chất lượng của nước mình, năng lực của doanh nghiệp sản xuất và đặc tính nông sản. Trước mắt, Bộ mới kiểm soát trên cơ sở các xác nhận của nước bạn nhưng lâu dài sẽ cử người đến tận nơi để kiểm soát ở cơ sở, đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo chất lượng của nông sản nhập khẩu.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết thêm, theo cam kết khi gia nhập WTO, Việt Nam cố gắng bảo vệ một số nông sản trong nước và áp dụng hạn ngạch với 4 mặt hàng khi nhập khẩu gồm: thuốc lá lá nguyên liệu, muối, đường ăn, trứng, còn các mặt hàng khác thì được nhập khẩu không hạn chế nhưng phải tuân theo tiêu chuẩn, quy định. Vừa qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu rau quả từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc nhưng năm 2010 Việt Nam vẫn xuất siêu mặt hàng rau quả khi kim ngạch xuất khẩu đạt 76 triệu USD, nhập khẩu đạt 60 triệu USD.
Về giải pháp xây dựng rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu nông sản, Bộ trưởng Công thương cho rằng, cần phải rất thận trọng khi đưa ra quy chuẩn bởi quy chuẩn này sẽ áp dụng cho cả sản xuất trong nước và nước ngoài để tránh phân biệt đối xử. Việc trước mắt chúng ta có thể làm ngay là kiểm tra hành chính, xây dựng kênh phân phối...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.