Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo vệ “chiến sĩ” blouse trắng nơi tuyến đầu

Hà Phong - Lý Thị Mai| 29/08/2021 06:53

(HNM) - Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, những “chiến sĩ” áo blouse trắng nơi tuyến đầu đã không quản ngại khó khăn, vất vả chống dịch. Bảo vệ các y, bác sĩ, nhân viên y tế ở các “điểm nóng” luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, trong đó có tổ chức Công đoàn Việt Nam...

Đại diện Liên đoàn Lao động huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh) trao hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sĩ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ảnh: Mai Chi

Trong 3 tháng qua, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam trải qua những thời khắc khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Số ca mắc và tử vong tăng cao so với các đợt dịch bùng phát trước đây, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Hơn 10.000 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế tại miền Bắc và miền Trung, trong đó có hơn 6.000 y, bác sĩ tuyến trung ương đã lên đường chi viện cho miền Nam.

PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, người đã đồng hành với hơn 20 đoàn xuất quân chi viện cho miền Nam chia sẻ, các y, bác sĩ, sinh viên ngành Y tế làm việc rất vất vả, từ quản lý chỉ đạo, chăm sóc bệnh nhân, trực tiếp xét nghiệm, truy vết, tham gia điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Bận rộn không kém là lực lượng lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có các sinh viên, nhiều ca làm việc lên đến 12 giờ đồng hồ, trong điều kiện thời tiết nắng nóng…

Bác sĩ chuyên khoa cấp II Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương mới được tăng cường vào miền Tây, phụ trách 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long cho biết, khó khăn lớn nhất là sự thiếu hụt bác sĩ hồi sức cấp cứu. “Với các bệnh nhân rất nặng thì các bác sĩ khác không thể thay thế bác sĩ hồi sức cấp cứu. Vì vậy, nhiều bác sĩ hồi sức cấp cứu phải làm việc với cường độ 500% so với thông thường…”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội, phụ trách Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện K vào chi viện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh gần 1 tháng qua thông tin, số lượng bệnh nhân nặng quá lớn, bệnh nhân tử vong nhiều. “Công việc liên tục, nghỉ giữa giờ chúng tôi cũng chỉ ăn uống qua loa, bởi rất nhiều bệnh nhân cần hỗ trợ”, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh cho biết. Áp lực càng đè nặng lên y, bác sĩ khi có bệnh nhân không qua khỏi và có tới 2.380 cán bộ y tế dương tính được cập nhật, một số cán bộ y tế đã hy sinh.

Ông Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng, trong bối cảnh trên, ngoài các hỗ trợ hiện hành, các cơ quan liên quan cần kiến nghị HĐND các cấp có chính sách hỗ trợ nhân viên y tế từng địa phương; ở trung ương thì có chính sách chung cho lực lượng tuyến đầu chi viện vào các “tâm dịch”. Chính sách cụ thể phải nghiên cứu nhưng trước hết phải có 3 phụ cấp, gồm phụ cấp độc hại, phụ cấp cường độ lao động và phụ cấp ngoài giờ cho nhân viên y tế.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt tới các y, bác sĩ, nhân viên y tế vì họ là lực lượng tuyến đầu, đối mặt với nhiều hiểm nguy. “Chúng tôi đã hỗ trợ thêm các bữa ăn cho các y, bác sĩ dự kiến 20 ngày với mức 1 triệu đồng/người; đồng ý chấp thuận cho Công đoàn ngành Y tế Việt Nam hỗ trợ thêm các y, bác sĩ tuyến đầu mỗi người 2 triệu đồng... “Chúng tôi mong các y, bác sĩ giữ gìn sức khỏe, giữ vững tinh thần, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, thấu hiểu các chiến sĩ áo trắng để tạo nên sức mạnh đẩy lùi dịch Covid-19”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho biết thêm, ngoài đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen cho các đồng chí, đơn vị đi tăng cường chống dịch; hỗ trợ tiền ăn, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam đang triển khai 20.000 thẻ bảo hiểm an toàn cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu; tiêm vắc xin cho thân nhân cán bộ, nhân viên y tế để lực lượng này yên tâm phòng, chống dịch. Thời gian tham gia chống dịch tuyến đầu tối đa là 2 tháng/đoàn, để bảo toàn lực lượng, phục hồi sức khỏe cho anh chị em. “Để giảm căng thẳng cho nhân viên y tế tuyến đầu, chúng tôi cũng đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý, đường dây nóng để hỗ trợ nhân viên y tế, giao cho các bệnh viện trung ương là đầu mối để tham mưu”, ông Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ “chiến sĩ” blouse trắng nơi tuyến đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.