(HNM) - Thời gian qua, chính sách bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, trong đó có lĩnh vực nhiếp ảnh đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ với phương thức hiện đại đang đặt ra nhiều thách thức mới trong vấn đề bảo vệ bản quyền. Vì vậy, rất cần sự thích ứng của những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh cũng như tầm nhìn mới trong cơ chế, chính sách về quyền tác giả để tạo môi trường phát triển lành mạnh cho nhiếp ảnh.
Nhiều phương thức, thủ đoạn vi phạm
Trong thời đại công nghệ, nhiếp ảnh là một lĩnh vực phát triển nhanh, đa dạng hàng đầu trong văn học, nghệ thuật. Lực lượng hoạt động nhiếp ảnh cũng tăng nhanh chóng, có thể cho ra đời hàng triệu bức ảnh mỗi ngày. Song, việc bảo vệ quyền tác giả trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những vi phạm ngày càng nhiều với những phương thức, thủ đoạn khác nhau.
Có thể kể đến trường hợp nhiều tác giả, như Nguyễn Tuấn, Tăng A Pẩu, Nguyễn Hoài Bảo, đã lên tiếng khi hàng trăm bức ảnh chụp về các loài chim hoang dã của họ bị đưa vào cuốn sách “Chim Việt Nam” (Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội) mà không xin phép, cũng không có nhuận ảnh cho tác giả. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích cũng ngỡ ngàng khi thấy bức ảnh “Ngày xuân ở Lao Xa” chụp hai đứa trẻ ở miền núi đã bị một họa sĩ sao chép thành tranh đăng vô tư trên internet. Hay vì thiếu hiểu biết về quyền tác giả, quyền liên quan mà Hoa hậu hoàn vũ Khánh Vân đã phóng tác bức ảnh của tác giả Lưu Trọng Đạt thành tranh cổ động phòng, chống dịch mà chưa xin phép tác giả, đồng thời thông tin chưa chính xác về nhân vật trong bức ảnh.
Trước đó, có việc nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo phát hiện một khách sạn lớn ở Hà Nội treo hơn 100 bức ảnh của ông mà không xin phép. Tương tự, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dzũng Nguyễn cho biết đã thấy tác phẩm “Xuân đoàn tụ” của mình bị nhiều khách sạn sử dụng mà chưa từng liên lạc với người sáng tác. Tác phẩm ảnh “Điêu đứng vì biển chết” (Thành Quang), “Nụ hôn của gió” (Trần Thế Long), “Lớp học vùng cao” (Lê Hồng Linh)... từng bị một số người chép thành tranh, sử dụng để làm tranh cổ động, tranh thêu. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh khác cũng bị sử dụng chưa xin phép trên các sản phẩm quảng cáo, sách, lịch, gốm, sứ…
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông nhận định, sự phát triển của công nghệ số khiến các tác phẩm nhiếp ảnh đối mặt với hành vi xâm phạm liên quan đến kỹ thuật điện tử, như bị chỉnh sửa, bóp méo, thay đổi nội dung tác phẩm nhiếp ảnh khác biệt so với tác phẩm gốc. Thậm chí, có nhiều bức ảnh “qua mặt” được các phần mềm quét và tìm kiếm hình ảnh vi phạm bản quyền…
Thay đổi theo xu hướng mới
Thời đại công nghệ phát triển hiện nay vừa thuận lợi vừa thách thức trong việc bảo vệ bản quyền. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Xuân Chính cho rằng: “Mạng xã hội và các phần mềm hỗ trợ hiện đại giúp tác giả dễ dàng phát hiện được các vi phạm bản quyền tác phẩm đã công bố rộng rãi. Tuy nhiên, những vi phạm tinh vi mà không có biện pháp ngăn chặn khiến nghệ sĩ mất dần sự sáng tạo, lòng nhiệt huyết với nghề”. Để tự bảo vệ quyền lợi của mình, theo nghệ sĩ Nguyễn Xuân Chính, mỗi tác giả phải trang bị kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan; lên tiếng khi tác phẩm của mình bị vi phạm; chủ động đăng ký bản quyền cho các tác phẩm để được pháp luật bảo hộ; nâng cao trình độ công nghệ để tự bảo vệ tác phẩm của mình.
Hoạt động trong lĩnh vực hình ảnh, bà Trần Thị Diễm Châu, đại diện Công ty TNHH Ảnh Việt chia sẻ, cùng với hỗ trợ, tư vấn, cung cấp giấy phép sử dụng hình ảnh, đơn vị đã thành lập bộ phận chuyên trách giám sát bản quyền hình ảnh để thay mặt các tác giả mình đại diện làm việc với các cá nhân, tổ chức khi có vi phạm. Để bảo vệ bản quyền hình ảnh tốt hơn, trên website của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nên có thêm mục phản ánh các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền tác giả; trên các trang thông tin điện tử của hội nghề nghiệp và cơ quan quản lý văn hóa địa phương cần triển khai mục bản quyền hình ảnh, đăng tải những văn bản pháp luật và phản ánh việc vi phạm bản quyền…
Về phía hội nghề nghiệp, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Trần Thị Thu Đông cho biết, Hội luôn cùng đồng hành, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện xây dựng môi trường hoạt động nhiếp ảnh lành mạnh, văn hóa; tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về bảo vệ bản quyền cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Cùng với đó, bà đề xuất thành lập Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh để giúp cho nghệ sĩ bảo vệ và thu tiền bản quyền thuận lợi.
Về phía cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, tình trạng vi phạm quyền tác giả nói chung và lĩnh vực nhiếp ảnh nói riêng gia tăng bởi chế tài xử phạt nhẹ, chưa có sức răn đe. Thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, tiến tới xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập phù hợp với thực tiễn và xu hướng quốc tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; tăng cường hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống vi phạm xuyên biên giới, trên không gian mạng...
Thực hiện tốt việc bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực nhiếp ảnh sẽ góp phần quan trọng trong việc phát huy năng lực sáng tạo, tạo môi trường lành mạnh cho nhiếp ảnh phát triển, đóng góp vào công nghiệp văn hóa nước nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.