(HNM) - Âm nhạc là một trong những lĩnh vực sáng tạo sôi động, phổ biến và đang trên đà xây dựng thành ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hóa nước nhà. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung cần phải quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền tác giả. Đáng mừng là công tác này ở nước ta ngày càng có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Ngăn chặn vấn nạn xâm phạm bản quyền
Trong số những tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) được nhắc đến đầu tiên bởi quy mô, hiệu quả hoạt động. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC, từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, trung tâm thực hiện nhiệm vụ chính là bảo vệ các quyền tác giả đối với tác phẩm được luật pháp công nhận bảo hộ và giúp cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định, thực hiện chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan. Năm đầu, trung tâm chỉ có 274 tác giả thành viên, số tiền tác quyền thu được là 87 triệu đồng. Đến năm 2021, số tiền tác quyền thu được lên tới 157 tỷ đồng, trong đó phân phối nhuận bút gần 100 tỷ đồng. VCPMC cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới - CISAC. Đến nay, trung tâm đã ký hợp đồng song phương với 87 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới, có phạm vi điều chỉnh ở 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời đang bảo vệ lợi ích cho gần 5 triệu tác giả âm nhạc và lời trên thế giới.
Với giới tác giả âm nhạc Việt Nam, VCPMC là địa chỉ đáng tin cậy để gửi gắm những “đứa con tinh thần” của mình. Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, không chỉ bản thân, nhiều nhạc sĩ cùng thời đã ủy quyền quản lý tác phẩm cho VCPMC và thực sự chỉ được nhận tiền tác quyền từ khi là thành viên của trung tâm. Những khoản tiền tác quyền đều đặn ấy đã giúp các nhạc sĩ cao tuổi ổn định cuộc sống.
Là một trong những tác giả nhận được nhiều tiền tác quyền nhất từ VCPMC, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kể, năm 2006, số tiền tác quyền đầu tiên anh nhận từ trung tâm là 9 triệu đồng, nhưng năm 2021, anh đã nhận được hơn 1,2 tỷ đồng. “Đối với tôi đây là mái nhà, nơi mang lại cho tôi những lợi ích hợp pháp”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói. Nhạc sĩ cũng bày tỏ xúc động khi trung tâm đã đứng ra làm thủ tục để bảo vệ và lấy lại tên tác giả cho anh ở ca khúc "Vầng trăng khóc"… VCPMC cũng đang đồng hành cùng nhạc sĩ Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Hoàng Sông Hương… để giải quyết các vụ xâm phạm bản quyền.
Bên cạnh VCPMC, ở nước ta còn có Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đang nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình ca nhạc. Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) tuy mới ra đời, song cũng có những bước đi ấn tượng trong việc bảo vệ nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, góp phần ngăn chặn vấn nạn xâm phạm bản quyền.
Hạt nhân phát triển công nghiệp văn hóa
Với nhiều tác giả âm nhạc, có nơi bảo vệ quyền lợi giúp họ giữ được niềm đam mê trên con đường sáng tạo. Nhạc sĩ Hoài An chia sẻ: “Được yên tâm sáng tác là điều quan trọng nhất đối với các tác giả. Tôi đã từng tự đi gặp đơn vị sử dụng tác phẩm để đòi tiền bản quyền, mất nhiều công sức và thời gian. Không may gặp đơn vị thiếu thiện chí thì thật đau lòng, có khi bỏ cuộc”. Từ khi ủy quyền quản lý tác phẩm cho VCPMC, nhạc sĩ Hoài An thấy rằng, quyền lợi của mình được bảo đảm, thậm chí còn nhận được hỗ trợ vượt mức mong đợi, khiến nhạc sĩ và đồng nghiệp có động lực sáng tác hơn.
Là người nhiều năm tham gia xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội kể, trong quá trình khảo sát, học tập kinh nghiệm ở Anh năm 2015, ông nhận thấy tại quốc gia này, các trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc rất phát triển và cùng cạnh tranh. Đó là cách để bảo vệ nền âm nhạc, bảo vệ người sáng tạo và đưa công nghiệp âm nhạc phủ sóng khắp thế giới.
“Trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa, bản quyền tác giả là hạt nhân quan trọng. Nghệ sĩ phải thực sự sống được bằng nghề để tiếp tục tạo ra tác phẩm truyền cảm hứng cho xã hội. Đó là lý do khi xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, chúng tôi mong muốn có nhiều hơn những trung tâm bảo vệ bản quyền trong tất cả các lĩnh vực”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn bày tỏ.
Tâm huyết với công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ, mặc dù đây là một lĩnh vực còn non trẻ ở nước ta, nhưng các quy định pháp luật và các điều ước mà Việt Nam tham gia về quyền tác giả cơ bản đáp ứng được yêu cầu bảo hộ quyền tác giả nói chung và quyền tác giả âm nhạc nói riêng. Song thực tế, các sản phẩm công nghiệp văn hóa trong nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, xuất bản... vẫn bị vi phạm bản quyền, khiến người sáng tạo và nhà sản xuất bị mất đi rất nhiều cơ hội thu lợi nhuận. Vì vậy, VCPMC và các tổ chức bảo vệ quyền tác giả cần hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, để các tác giả thêm động lực tạo nên những tác phẩm chất lượng cao, có khả năng chinh phục thị trường và trở thành những sản phẩm văn hóa mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.