Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ: Gìn giữ dòng tranh quý trước nguy cơ mai một

Hà My| 06/03/2020 12:33

(HNMCT) - Làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vốn nổi tiếng với nghề làm tranh dân gian độc đáo. Đi qua thời kỳ phát triển rực rỡ, tranh Đông Hồ hiện đứng trước nguy cơ mai một rõ ràng. Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO để dòng tranh này sớm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Song song với đó là các biện pháp bảo tồn gắn với phát triển du lịch để tranh Đông Hồ phát huy giá trị.

Không gian tranh dân gian truyền thống ở làng Đông Hồ.

Thăng trầm một dòng tranh

Đông Hồ xưa là ngôi làng Việt cổ nằm ở bờ Nam sông Đuống có bề dày lịch sử hàng nghìn năm. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi “Nhất cận thị, nhị cận giang” nên từ xa xưa Đông Hồ đã là vùng quê trù phú với hệ thống giao thông đường sông thuận tiện, kết nối với nhiều vùng miền trong cả nước. Đó là lợi thế lớn để dòng tranh khắc gỗ dân gian của làng “đi” khắp cả nước. Với cách vẽ, nguyên liệu màu và giấy vẽ độc đáo, đậm hồn dân tộc, tranh Đông Hồ có sự gắn bó mật thiết với văn hóa Việt Nam qua nhiều thế kỷ, là một phần không thể thiếu trong các dịp lễ tết, hội hè hay trong đời sống thường nhật của người Việt. Chính điều đó làm nên sức sống lâu bền cho tranh Đông Hồ.    

Theo các nhà nghiên cứu, tranh Đông Hồ bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XV - XVI. Nhưng thời kỳ hưng thịnh nhất của nghề bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1944. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, người kế nghiệp cha là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế nhớ lại: “Bố tôi kể rằng, khi ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp. Làng tranh nhộn nhịp nhất với chợ tranh giữa những ngày tháng Chạp. Bà con và du khách thập phương đổ về tấp nập mua tranh treo Tết, thăm thú. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nghề tranh bắt đầu bị gián đoạn...”.

Năm 1967, trước nguy cơ dân làng bỏ nghề làm tranh ngày càng nhiều, chính quyền địa phương khi ấy đã giao cho nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đứng ra tập hợp 50 nghệ nhân có tâm huyết và tay nghề cao, thành lập Hợp tác xã sản xuất tranh dân gian Đông Hồ. Nhờ đó, tranh Đông Hồ được hồi sinh và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Nhật Bản, Pháp, Đức, Singapore, Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 1990, do tác động của nền kinh tế thị trường cũng như những thay đổi về thị hiếu của người dân, tranh Đông Hồ không còn được ưa chuộng như trước. Hợp tác xã sản xuất tranh Đông Hồ giải thể. Chỉ trong vòng chục năm, hơn 90% số hộ gia đình ở Đông Hồ bỏ nghề làm tranh, chuyển sang các nghề khác cho thu nhập cao hơn.

Nỗ lực bảo tồn

Suốt từ năm 1990 đến nay, nghề làm tranh Đông Hồ tồn tại trong cảnh hiu hắt, cả làng chỉ còn 2 - 3 hộ gia đình “bám” nghề. Từ hơn 50 nghệ nhân nay cả làng chỉ còn vài ba nghệ nhân cùng với khoảng 20 người thợ. Trước nguy cơ nghề cũ thất truyền, nhiều năm qua, gia đình cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã không ngại bỏ kinh phí để thu gom hàng nghìn ván khắc, khuôn tranh quý từ các gia đình bỏ nghề. Các nghệ nhân tận tụy truyền nghề cho con cháu và những người có nhu cầu làm nghề. Đến nay, thế hệ nghệ nhân kế cận đã tiếp tục sáng tạo, kế thừa di sản của ông cha, giữ gìn các mẫu tranh dân gian truyền thống và sáng tác thêm nhiều mẫu tranh mới phù hợp với nhu cầu thị trường. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả - con trai thứ của cố nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, đã trở thành chủ nhân của một cơ sở sản xuất tranh nổi tiếng trong làng, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thưởng ngoạn, mua tranh.

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ với khu nhà sản xuất giấy, khu in tranh, giã điệp và khu trưng bày sản phẩm phục vụ du khách. Đây cũng là nơi thanh niên trong làng đến học cách làm tranh và tìm hiểu nghề truyền thống của quê hương. Đến nay, Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh Đông Hồ của gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là nơi bảo tồn, lưu giữ tranh Đông Hồ lớn nhất cả nước và là địa chỉ quen thuộc của những người yêu quý dòng tranh dân gian này. Chị Trần Kim Anh (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều người bạn tôi đã đến và quay trở lại làng tranh Đông Hồ vài lần để được vãng cảnh làng cổ, trực tiếp trò chuyện với những nghệ nhân và mua tranh về trang trí nhà hoặc tặng người thân. Tôi cho rằng, chính những yếu tố văn hóa truyền thống vẫn còn hiện hữu ở ngôi làng cổ và người dân nơi đây đã tạo nên sức hút với du khách”.

Bên cạnh những nỗ lực của các nghệ nhân, phải kể đến sự đồng hành, vào cuộc của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh. Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở cho biết: “Những năm qua, UBND tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Tháng 6-2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Đề án được xây dựng nhằm khẳng định giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ, xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này. Đến nay, việc xây dựng hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đã được hoàn thiện để đề nghị UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây là một trong những nỗ lực của Bắc Ninh và Việt Nam nhằm bảo tồn, gìn giữ dòng tranh quý trước nguy cơ mai một”.

Cùng với những biện pháp bảo tồn đang được chính quyền địa phương, người dân Đông Hồ chung tay thực hiện, việc phát triển các tour du lịch đến làng Đông Hồ cũng được cho là giải pháp thiết thực, hiệu quả. Ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty du lịch APT Travel cho rằng: Việc xây dựng các tour tham quan làng tranh Đông Hồ kết nối với các điểm di tích lân cận như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, đền Bà Chúa Kho, đền Đô, lăng Kinh Dương Vương... ở Bắc Ninh hay tour tham quan trong ngày từ Hà Nội thăm làng gốm sứ Bát Tràng và các điểm di tích, sau đó kết thúc bằng tham quan, trải nghiệm làm tranh Đông Hồ sẽ là sản phẩm hấp dẫn đối với du khách thích tìm hiểu văn hóa truyền thống. Với cách làm đó, chắc chắn làng Đông Hồ cùng với dòng tranh dân gian quý giá này sẽ tìm được chỗ đứng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản ngày một tốt hơn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ: Gìn giữ dòng tranh quý trước nguy cơ mai một

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.