(HNM) - Có thể nói, chưa bao giờ xã hội dành nhiều sự quan tâm tới việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa như hiện nay.
Trong các quy định, chương trình, kế hoạch hành động, các cơ quan quản lý luôn đề cao và tôn trọng cộng đồng với vai trò là chủ thể của di sản. Cộng đồng vừa là người sáng tạo, thực hành và hưởng lợi, vừa là đối tượng giám sát hiệu quả của các chương trình, dự án được triển khai trong thực tế. Thông qua các hoạt động kỷ niệm ngày DSVH Việt Nam (23-11) năm nay, một lần nữa vai trò chủ thể của cộng đồng được khẳng định.
Làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được nhiều nét cổ kính do việc phát triển, bảo tồn di sản có sự phối hợp tốt giữa chính quyền và nhân dân sở tại. Ảnh: Bá Hoạt |
Tôn trọng chủ thể
Khi Hà Nội công bố Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (Đông Anh) vào cuối tháng 10 vừa qua, người dân sinh sống trong khu vực di tích hết sức vui mừng, bởi những ý kiến đóng góp xác đáng của cộng đồng đã được cơ quan chức năng ghi nhận và đưa vào nội dung quy hoạch. Nỗi lo bị thay đổi nếp sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân đã không xảy ra. Ngược lại, họ được định hướng trở thành chủ thể thực sự của di tích. "Với tính khoa học và thực tiễn, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa là cơ sở để các ngành chức năng triển khai các dự án đầu tư; làm cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phát triển, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng làm chủ di sản của cộng đồng dân cư", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định.
Ngoài di tích Cổ Loa, quy hoạch về làng cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và hàng trăm di tích khác được thực hiện trước đó ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung, cũng lấy cộng đồng làm đối tượng trung tâm và mục đích hướng tới. Nhờ đó, số vụ việc xâm phạm di tích giảm đáng kể trong những năm gần đây, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển từng bước được giải quyết.
Đối với DSVH phi vật thể, các địa phương triển khai biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị khác nhau song đều tập trung khai thác khả năng sáng tạo của cộng đồng để phục vụ chính cộng đồng. Ngay sau khi hát Xoan được UNESCO vinh danh, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng đề án quốc gia để bảo tồn di sản này, đồng thời đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ nghệ nhân, đưa di sản vào cộng đồng, trường học, tu bổ di tích để hát Xoan có không gian biểu diễn… Sau 5 năm, hát Xoan từ chỗ cần bảo vệ khẩn cấp đã trở thành "đặc sản tinh thần" của người dân Phú Thọ. Trong khi đó, với sự quan tâm nhiều mặt, sức sống của di sản Quan họ vượt ra khỏi vùng Kinh Bắc và "bén rễ" trong cộng đồng khác. Hiện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác có câu lạc bộ những người yêu Quan họ…
Tại Hà Nội, việc triển khai đề án kiểm kê DSVH phi vật thể ở tất cả các quận, huyện, thị xã không chỉ giúp cơ quan quản lý nhận diện khoảng 1.500 di sản, trong đó có những di sản cần bảo vệ khẩn cấp, mà còn góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng về nó. "Trong quá trình thực hiện kiểm kê, nhà quản lý, nhà khoa học đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Phải nói rằng người dân hiểu biết về di sản vượt xa những gì chúng ta nghĩ. Vì thế, bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo hướng tôn trọng cộng đồng (chủ thể) như cách mà Hà Nội và các địa phương khác đang làm là rất đúng đắn", bà Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển DSVH Việt Nam nhấn mạnh.
Ở tầm vĩ mô, quyết định phong tặng và truy tặng danh hiệu "Nghệ nhân Ưu tú" trong lĩnh vực DSVH phi vật thể lần thứ I cho hơn 600 nghệ nhân của Chủ tịch nước vào ngày 13-11 vừa qua là sự ghi nhận những cống hiến của các chủ thể đối với di sản. Nhận được danh hiệu cao quý này, các nghệ nhân cho biết, họ sẽ dốc sức, dốc lòng gìn giữ, trao truyền di sản, từ đó, bức tranh DSVH Việt Nam chắc chắn sẽ có gam màu tươi sáng hơn.
Đưa di sản đến gần công chúng
Song song với hệ thống cơ chế chính sách và nguồn lực đầu tư, các cơ quan, đơn vị chức năng còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để di sản có cơ hội đến gần hơn với công chúng, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH.
Tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) dịp này, công chúng vừa được khám phá không gian văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, vừa được xem các chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình. Đó là lễ cưới của đồng bào dân tộc Sán Chay tại không gian làng dân tộc Sán Chay; lễ hội cầu mưa của đồng bào Chăm (Bình Định) tại không gian làng dân tộc Chăm; lễ Tằng cẩu của phụ nữ dân tộc Thái tại không gian làng dân tộc Thái; lễ hội cúng biển Mỹ Long tại Quảng trường Làng II và hồ Đồng Mô…
Đưa di sản đến gần công chúng, Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Hà Nội trong khoảng thời gian từ ngày 19-11 đến 15-12. Nếu như triển lãm "Đình Xứ Đoài' tại không gian chính giữa tầng 1 giúp công chúng nhận diện được nét đặc sắc về lịch sử, kiến trúc, văn hóa riêng có của 22 ngôi đình Xứ Đoài thì một số hình ảnh lễ hội truyền thống Hà Nội bên cạnh đó lại mang đến cái nhìn tổng quát về văn hóa Hà Nội từ ngàn xưa cho đến ngày nay. Đặc biệt, trưng bày chuyên đề "Làng nghề - phố nghề" tại khu "Ba mươi sáu phố phường Hà Nội" ở phía ngoài Bảo tàng Hà Nội được khách tham quan đánh giá là "bức tranh về một Hà Nội thu nhỏ". Đến đây, du khách có thể tìm hiểu quy trình làm gốm Bát Tràng, thấy cảnh buôn bán, giao lưu văn hóa tấp nập của khu phố cổ Hà Nội, thấy cách bài trí đồ thờ tự và nếp sinh hoạt của gia đình Hà Nội xưa… "Không phải ai đến Hà Nội cũng có cơ hội tìm hiểu sâu về Hà Nội, vì thế, di sản cùng các giá trị văn hóa nổi bật, đặc trưng của Hà Nội sẽ từng bước được mô phỏng, tái hiện tại Bảo tàng Hà Nội, giúp du khách hiểu Hà Nội hơn và di sản cũng có cơ hội đến gần công chúng hơn", ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết.
Thể hiện tình yêu di sản, các nhiếp ảnh gia với cách nhìn rất riêng đã đưa hàng trăm di sản của Việt Nam và các nước trong khu vực đến với công chúng qua các cuộc triển lãm ảnh đang diễn ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác nhân ngày DSVH Việt Nam. Việc các ngành, các địa phương tổ chức lễ hội, festival, các chương trình hội nghị, hội thảo về DSVH trong những năm vừa qua không ngoài mục đích giới thiệu, quảng bá, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc giữ gìn di sản cho hôm nay và mai sau.
Tuy vẫn còn những bất cập, hạn chế cần giải quyết, song rõ ràng là DSVH ở Việt Nam đã và đang được cộng đồng chung tay bảo vệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.