(HNMO)- Năm Tân Mão sắp khép lại với bao vui buồn sau lũy tre làng. Không khí Giáng sinh, chào đón năm mới tưởng sẽ là chút ánh sáng le lói đi qua làm bừng sáng mỗi miền quê sau những ngày “một nắng hai sương”, u ám của một năm nhiều biến cố...
Vụ vỡ nợ khoảng 200 tỷ đồng của vợ chồng trẻ (mới ngoài 30 tuổi) Lê Thị Mừng (tức Ngừng) và Nghiêm Xuân Sơn (tên thường gọi Quang) về hình thức, chiêu bài không khác với các vụ vỡ nợ trước đó ở ngoại thành Hà Nội. Vẫn thủ đoạn trả tiền với lãi suất cao, Ngừng đã “hút” được một số tiền bằng cả xã Dũng Tiến làm việc cật lực trong một năm. Đến khi không còn khả năng trả lãi và nợ, y đã ra cơ quan công an trình diện.
Những người trong cuộc hẳn đã biết kết cục này sớm muộn cũng xảy ra, song khi con nợ “bố cáo” với cơ quan chức năng rằng mình vỡ nợ thì cuộc vuông tròn không phải đã kết thúc. Trong tâm trạng chán trường, một người đã quyên tiền của người thân hơn 1 tỷ đồng đưa cho vợ chồng Ngừng- Quang cho hay: “Không phải đợi đến khi cặp vợ chồng này đến trình diện cơ quan chức năng, chúng tôi mới nghĩ tới chuyện tiền tỷ của mình có nguy cơ tiêu tan. Khi thông tin một loạt các vụ vỡ nợ trên địa bàn cả nước xuất hiện ngày càng nhiều trên báo chí, chúng tôi đã lo lắng mất ăn mất ngủ, mong muốn rút được tiền gốc về”.
Nhưng như “ngựa phi nước đại”, tiền đã thả ra giờ muốn hoàn vốn về cũng khó. Đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, sống trong thấp thỏm lo âu với hy vọng vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Và rồi hy vọng ấy của các chủ nợ vẫn được thắp sáng lên khi Ngừng hứa sẽ thu xếp trả nợ, khi mà tiền đang nằm trong bất động sản của các doanh nghiệp, nhưng do thị trường đóng băng nên chưa tháo được hàng…
Trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Điệp thôn Ba Lăng, một người dọn dẹp, vệ sinh ở sân UBND xã Dũng Tiến cho tôi chiêm nghiệm nhiều điều. Với dáng người cũ kỹ, mộc mạc của một người ít ra khỏi lũy tre làng, bà Điệp nói, “tôi sống ở mảnh đất này đã hơn nửa thế kỷ, phải nói đời sống của người dân quê tôi đổi mới từng ngày, vui có, buồn có, phát triển có và cả những lo âu, trăn trở. Có lẽ, đi đôi với sự phát triển kinh tế, người nông dân mình chưa thực sự quen với việc gìn giữ, sử dụng đồng tiền mồ hôi, nước mắt. Như tôi cả đời làm ăn, tích cóp, nay về già cùng với đồng tiền “đồng quà tấm bánh” của con cháu biếu cũng chỉ có hai chục triệu đồng. Tôi đem gửi tiết kiệm vào Quỹ tín dụng nhân dân của xã. Nhiều người bảo, gửi vào đó thì được bao nhiêu, mà khi xảy ra “khủng hoảng kinh tế” cũng dễ mất như chơi, đem mà mang ra ngoài cho vay lãi ngày chí ít mỗi tháng cũng được vài trăm nghìn ăn sáng, không thâm vào vốn. Tôi chỉ cười, Quỹ tín dụng có con dấu pháp lý hẳn hoi, họ làm việc theo quy định của pháp luật thì lo gì. Có gì thì đã có “nhà nước” lo. Trong khi nhiều người giầu có cũng chẳng phải, nghèo thì cũng không, làm ăn lương thiện có được vài đồng, nghe lời đường mật mà dốc hết cho vay. Giờ nguy cơ mất trắng, biết đấy, đau đấy song không phải ai cũng dám nói ra vì nói ra hòng ích gì, người cảm thông thì thương còn không họ cho là “tham thì thâm”. Ai cũng im lặng, hòng mong gỡ gạc chút ít”.
Nhiều khi người ta bị ru ngủ trong những lời hứa cộng gộp lãi vào gốc, tiền chưa lấy về được nhưng nó vẫn đẻ trên giấy tờ sổ sách đó hay sao? Vậy là cơn bão tín dụng đen cứ âm thầm lớn mạnh, nhiều người tỉnh cơn mê thì tất cả đã muộn, không chỉ mất tiền tích cóp cả đời của gia đình mà cả họ hàng, thân tộc. Mất tiền với vợ chồng Ngừng- Quang đâu chỉ có người dân Dũng Tiến!
Và bình yên nơi tâm bão
Trong khi câu chuyện vỡ nợ của vợ chồng Ngừng- Quang “nóng ran” ở các vệ đường, quán nước thì không khí này lại khá “nguội” tại UBND xã Dũng Tiến. Dù đã gần 60 tuổi, dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn, trưởng công an xã Vũ Quang Tung cho hay: “30 năm làm công an xã, hầu hết mọi con ngõ lớn nhỏ của xã tôi đã đi mòn. Nhưng giờ chúng tôi cũng chưa thể hình dung sức mạnh của “cơn bão” này đã và sẽ quét qua làng quê mình như thế nào. Khi mà "đến thời điểm này, UBND xã chưa nhận được bất cứ đơn thư nào của người dân về vụ việc vỡ nợ của vợ chồng Ngừng- Quang. Có thể họ gửi đơn lên công an huyện chứ không thông qua xã”.
Khi chúng tôi hỏi về con số nợ cụ thể mà vợ chồng Quang- Ngừng vay của nhiều người dân trong và ngoài xã, hầu hết người dân đều lắc đầu nói không biết. Với họ, vợ chồng Ngừng- Quang cũng chỉ là một chủ tiệm thêu kha khá, lúc làm ăn thịnh vượng có hai, ba chục công nhân. Còn đến cả năm nay nhà luôn cửa đóng then cài, làm ăn cũng không hẳn là dân máu mặt trong xã.
Khác với cơn bão tín dụng đen quét qua các làng quê khác, về Dũng Tiến những ngày này, nhìn vẻ bề ngoài, nhịp sống của người dân không thay đổi là bao. Nói như lời một vị lãnh đạo huyện Thường Tín, Dũng Tiến trong những năm qua đang thực sự vươn mình trỗi dậy vươn lên thành một trong những xã có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội thuộc tốp đầu của huyện bằng việc phát triển mạnh cả hai chân- nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Phó chủ tịch UBND xã Dũng Tiến Nguyễn Đức Dân cho hay, nông nghiệp dù chỉ còn chiếm tỷ lệ chưa tới 30% nhưng giá trị khá cao, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hiệu quả. Cả xã có 2.199 hộ với hơn 8.000 nhân khẩu thì đã có tới gần 5.000 lao động chuyên hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề như: thêu ren truyền thống, may mặc thời trang, phun sơn trên vải, làm tranh kính, ép giấy bồi, làm mộc, nề, công nghiệp và gia công các đồ gia dụng khác. Giá trị thu nhập từ ngành nghề dịch vụ đạt trên 127 tỷ đồng/năm. Tổng giá trị sản phẩm toàn xã đạt gần 190 tỷ đồng, tăng 49 tỷ đồng so với năm ngoái. Bình quân thu nhập đầu người đạt trên 22 triệu đồng/người/năm, tăng 5,7 triệu đồng so với 2010.
Quả thực, đời sống ở đây có nhiều “thay da đổi thịt” khi mà đường xóm không chỉ khang trang, sạch đẹp mà còn khá sầm uất với nhiều cửa hàng cửa hiệu kinh doanh, dịch vụ sát hai bên đường. Tuy nhiên, người thẳng thắn lại cho rằng, nhiều người trong và ngoài xã đang âm thầm “ngậm đắng nuốt cay”. Họ đã sẵn sàng đón nhận “cơn bão” không phải ngày một ngày hai, do vậy thay vì vẫy vùng trong hoảng loạn, nước mắt, họ đang gắng gượng sống và lao vào làm việc với hy vọng bù đắp một phần đã mất. Trong cuộc bể dâu âu cũng là một bài học đắt giá để đời. “Nước mắt có chảy thành sông cũng không thể nói thay những gì đã mất!”- một chân rết trong đường dây tín dụng đen của vợ chồng Ngừng- Quang thổ lộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.