Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Dấu ấn không phai mờ

Bài và ảnh: Hà Thành| 14/02/2020 16:59

(HNMCT) - Là một công trình kiến trúc đặc sắc, ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, theo thời gian, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vẫn chứng tỏ giá trị, xứng đáng là di sản kiến trúc của một thời.

Du khách tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Từ Bảo tàng Việt Bắc...

Công trình Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (tên cũ là Bảo tàng Việt Bắc) nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), một mảnh đất lịch sử, thủ phủ Khu tự trị Việt Bắc xưa, nơi được mệnh danh là “Thủ đô Việt Bắc”, “Thủ đô gió ngàn”. Được xây dựng từ năm 1960 trong hoàn cảnh “vừa chiến đấu, vừa kiến thiết” với vô vàn khó khăn, nhưng Bảo tàng Việt Bắc vẫn là một công trình kiến trúc với những giá trị không phai theo năm tháng.

Vào thời điểm xây dựng, Bảo tàng Việt Bắc là công trình văn hóa có quy mô lớn nhất miền Bắc. Công trình được xây dựng với nhiệm vụ lưu trữ, bảo tồn, trưng bày hiện vật, tài liệu cho mục đích nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Việt Bắc. Bảo tàng Việt Bắc hoàn thành phần xây dựng và khai trương vào năm 1962.

Năm 1976, sau ngày đất nước thống nhất, Bảo tàng Việt Bắc do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quản lý và chuyển hướng hoạt động từ bảo tàng tổng hợp địa phương sang bảo tàng chuyên ngành về văn hóa dân tộc trên phạm vi toàn quốc. Tháng 3-1990, Bảo tàng Việt Bắc được đổi tên thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Đây là một trong 7 bảo tàng quốc gia và điều thú vị là công trình này lại không nằm ở Thủ đô hay thành phố lớn như thường thấy.

Hiện nay, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trong hai trung tâm nghiên cứu khoa học, lưu trữ tư liệu, hình ảnh về dân tộc học lớn nhất Việt Nam (cùng với Bảo tàng Dân tộc học nằm ở Thủ đô Hà Nội).

Di sản kiến trúc của một thời

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là tác phẩm của kiến trúc sư Hoàng Như Tiếp. Công trình tọa lạc trên một quả đồi thấp bên sông Cầu với khuôn viên rộng xấp xỉ 40.000m2 nên có được thế mạnh chế ngự không gian. Kiến trúc công trình là một tổ hợp khối liên hoàn, trong đó có 3 khối trưng bày chính nằm song song theo chiều ngang và kết nối với nhau qua hệ thống hành lang dọc. Công trình có hình thức đối xứng, mặt đứng chính có nét tương đồng với nhiều công trình trụ sở xây dựng trong thời kỳ này, tiêu biểu là hàng cột vươn cao đỡ mái và các đường nét, hình khối chuẩn mực, chân phương, khỏe khoắn, mang phong cách kiến trúc hiện đại.

Điểm đáng chú ý khác là tác giả thiết kế đã tận dụng địa hình khu đất xây dựng để tạo nên những tầng bậc, tạo sự dẫn dắt thú vị theo cả phương đứng và phương ngang, kết hợp với bố cục công trình có đóng - mở, đặc - rỗng giữa những khối kiến trúc và sân vườn, cảnh quan. Vì lẽ đó, công trình đem lại nhiều cảm xúc cho người tham quan, với tuyến tham quan được thiết kế hợp lý trên cơ sở một mặt bằng kiến trúc khoa học. Kiến trúc công trình mạnh về khối nhưng lại không nặng nề nhờ lồng ghép với cây xanh, sân vườn và ánh sáng tự nhiên qua những ô cửa, những khoảng mở, khoảng nghỉ ở hệ thống hành lang ngoài trời có mái.

Là một công trình mang phong cách hiện đại nhưng ở Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tính dân tộc cũng thể hiện rất đậm nét qua thủ pháp trang trí kiến trúc ở cả nội thất và ngoại thất. Các họa tiết dân tộc, đặc biệt là các họa tiết của đồng bào dân tộc Việt Bắc được tác giả dày công chắt lọc, cách điệu đưa vào công trình một cách nhuần nhuyễn, hài hòa. Những chi tiết này xuất hiện trên mặt đứng công trình, các diềm cửa, lan can, trên trần nhà, trên những cánh cửa... Kiến trúc và văn hóa, hiện đại và dân tộc được đan xen, hòa quyện vào nhau. Có thể nói thêm rằng, riêng hệ thống cửa ở công trình này đều như các tác phẩm hoàn chỉnh với sự sáng tạo cao mà vẫn chuẩn mực đến từng chi tiết. Bên cạnh phần gỗ, những bộ phận cơ khí, kim khí của cửa đều được “thửa” riêng như tay nắm, ke, hoa sắt mang đậm dấu ấn của nghệ thuật thêu ren trang trí, chạm khắc của các dân tộc miền núi phía Bắc.

Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đầy khó khăn nhưng công trình Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam vẫn xứng đáng là một tác phẩm kiến trúc xuất sắc. Với vật liệu hoàn thiện bề mặt là đá rửa và sơn vôi, nhưng qua hơn nửa thế kỷ, bảo tàng này vẫn không bị lạc hậu, vẫn tỏa sáng bởi giá trị tự thân, đúng với bản chất của kiến trúc công trình.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng chia sẻ: Hơn nửa thế kỷ qua, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam không chỉ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong phạm vi cả nước mà còn góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tạo ra không gian văn hóa chung cho nhân dân Thái Nguyên và du khách đến với vùng Việt Bắc chiến khu xưa.

Trong giai đoạn lịch sử xây dựng xã hội chủ nghĩa, “vừa chiến đấu, vừa kiến thiết” ở miền Bắc những năm 1954 - 1975, không nhiều công trình quy mô được xây dựng và hiện rất ít công trình còn tồn tại nguyên vẹn. Những công trình của thời kỳ này có thể kể tới như: Hội trường Ba Đình (đã phá dỡ), trụ sở Tổng cục Thống kê (nay là Bộ Kế hoạch - Đầu tư), Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), Học viện Thủy lợi... Công trình Bảo tàng Việt Bắc - tức Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - xứng đáng là một đại diện tiêu biểu, là di sản kiến trúc của một thời, và cũng là di sản của thế hệ kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên còn lưu dấu đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Dấu ấn không phai mờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.