Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo tàng đá Ica - thư viện về một nền văn minh cổ

Vũ Kim Thủy - Hoàng Trọng Hảo| 04/08/2013 06:55

Dấu tích về nền văn minh Atlantis còn được tìm thấy trong Bảo tàng Cabrera, nơi trưng bày những viên đá Ica ở Peru. Năm 1960, một người dân ở thị trấn ven biển Ica (cách thủ đô Lima của Peru 300km) đã mang bán những viên đá có khắc hình vẽ cho khách du lịch (sau này gọi là đá Ica).

Năm 1966, bác sĩ - tiến sĩ Cabrera, người Ica được tặng một viên đá này. Kinh ngạc về hình vẽ loài cá thời cổ đại trên viên đá nay đã bị tuyệt chủng, ông mua lại đá từ mấy nghìn người. Cabrera đã gửi một viên đá đến phòng thí nghiệm ở Đức. Kết quả, lớp gỉ ở những rãnh khắc trên đá có niên đại rất cổ.

Hiện tại, bộ sưu tập đá Ica trong Bảo tàng Cabrera có gần 11.000 viên, trong số khoảng 15.000 viên được tìm thấy. Kết quả nghiên cứu về đá Ica của Cabrera (trong 37 năm) cùng hai nhà khoa học người Pháp là Robert và Yvette Sharra mới được công bố. Những viên đá Ica đều được tìm thấy ở cùng một bờ biển ở Ica, rải rác trong nhiều hang động, trong hẻm núi, nằm phân tán trên mặt đất hoặc nằm dưới lớp đất. Viên đá lớn nhất nặng 500kg, cao 1,5m, viên trung bình to như quả dưa hấu, còn những viên nhỏ nặng khoảng 20g. Tất cả những viên đá Ica đều nặng hơn những viên đá có cùng kích cỡ vì được phủ một lớp andexit, một loại khoáng chất có nguồn gốc từ núi lửa. Lớp khoáng chất này tạo nên bề mặt nhẵn bóng cho những viên đá và được pha trộn để tạo thành nhiều màu sắc như đen, xám, be, hồng. Có thể người tiền sử đã dùng lớp andexit mềm bọc quanh những viên đá rồi cạo bỏ lớp khoáng chất này để tạo ra hình vẽ. Qua thời gian, lớp vỏ này cứng lên và bám chặt vào viên đá tạo thành một khối bền chắc.

Mỗi viên đá như một tác phẩm nghệ thuật, một cuốn sách ghi lại một chủ đề. Những chủ đề quan trọng hơn thì được vẽ trên viên đá lớn hơn. Bộ sưu tập đá Ica được coi như một thư viện, ghi lại những chủ đề tiêu biểu của một nền văn minh cổ xưa. Cabrera đã chia những viên đá thành nhiều chủ đề lớn như: chủng tộc - con người, động vật - thực vật cổ xưa, lục địa đã mất, thảm họa toàn cầu... Một số viên đá vẽ hình giống như chuỗi ADN hay phôi của người và động vật, việc tạo ngân hàng giống của người. Số khác lại vẽ những cảnh tương tự như việc truyền máu, gây mê, nối mạch máu, ghép tạng, phẫu thuật tim, đầu hay sinh mổ như thời hiện đại. Một số viên đá vẽ hình người đang dùng kính viễn vọng quan sát bầu trời, với sao chổi, các chòm sao và cả bản đồ chính xác những sao thời cổ đại. Có viên vẽ hình cung hoàng đạo hoặc hình như máy bay ngày nay. Một loạt những cặp bốn viên đá cùng kích cỡ vẽ bốn bán cầu của Trái đất mà nếu ghép lại sẽ thành bản đồ Trái đất cổ đại một cách chi tiết và chính xác. Quan sát hình một số sông lớn ở Nazca ngày nay trên bản đồ này đều chính xác, có điều, ngày nay, muốn quan sát thì phải ở trên cao hoặc từ vệ tinh. Nhiều đá vẽ cảnh sinh hoạt của con người, với nhiều loài cây cối và động vật trên cạn, dưới biển nay đã tuyệt chủng. Có cả hình chuột túi hay khỉ khổng lồ giống hình vẽ trên cao nguyên Nazca cách Ica gần 100km. Một số vẽ cảnh săn bắt khủng long, người bị khủng long ăn thịt, người cưỡi khủng long và bò sát bay giống như cưỡi ngựa, voi. Bí mật vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Kết quả kỳ trước. Thành phố bằng đá Machu Picchu được tìm thấy năm 1911 bởi Hiram Bingham III, một nhà sử học người Mỹ, giảng viên Đại học Yale. Trao giải 50.000 đồng cho bạn Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (85, tổ 6, Sài Đồng, Long Biên).

Kỳ này: Ai phát minh ra kính viễn vọng hiện đại? Câu trả lời gửi về chuyên mục “Toán học, học mà chơi”, Tòa soạn Báo Hànộimới, 44 Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo tàng đá Ica - thư viện về một nền văn minh cổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.