Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn nhận định, bão số 5 là cơn bão mạnh và còn có thể diễn biến phức tạp. Vì vậy, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố cần chủ động đối phó với diễn biến của bão.
Ngày 16/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 03/CĐ-TW-BS5 điện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế; các tỉnh miền núi phía Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên); các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam) và Ban chỉ huy PCLB&TKCN các Bộ: Quốc phòng, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Công điện nêu rõ: Đây là cơn bão mạnh và còn có thể diễn biến phức tạp, để chủ động đối phó với diễn biến của bão, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương & Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trên thực hiện nghiêm túc Công điện số 32/CĐ-TW ngày 15/8/2012 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, cần tổ chức kiểm đến tàu thuyền, thường xuyên giữ liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực ảnh hưởng của bão; vùng nguy hiểm trong hai ngày tới được xác định là vùng biển phía Bắc vĩ tuyến 20.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng cần quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền; tổ chức neo đậu tầu, thuyền trong các khu tránh, có phương án di chuyển, bảo vệ các lồng bè nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, cần rà soát cảnh báo đến từng địa bàn, các hộ dân ở vùng trũng thấp; sẵn sàng phương án và tổ chức sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, đặc biệt nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá.
Tổ chức cử người canh gác, hướng dẫn người dân tại các khu vực các ngầm, đường qua suối, bến đò, những tuyến đường bị ngập để đảm bảo an toàn.
Kiểm tra hồ đập, nhà cửa kho tàng và các công trình đang thi công; chỉ đạo việc vận hành hồ chứa đúng quy trình.
Đối với các tỉnh đồng bằng Bắc bộ: cần kiểm tra, rà soát và có phương án tiêu nước đệm đề phòng mưa lớn gây ngập úng.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố các đơn vị trên cần sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tổ chức ứng cứu khi có yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.