Xã hội

Bão số 3 hoành hành, Hà Nội và các địa phương miền Bắc ghi nhận nhiều thiệt hại

Nhóm PV HNMO 07/09/2024 16:08

Ngày 7-9, bão số 3 đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn và gió giật rất mạnh, nhiều nơi lên đến cấp 12. Hà Nội và các tỉnh, thành căng mình ứng phó với bão. Ghi nhận ban đầu, cơn bão gây thiệt hại rất lớn.

Để đảm bảo an toàn khi có bão, các chuyên gia khí tượng khuyến cáo người dân cần lưu ý: Theo dõi diễn biến của bão để chủ động ứng phó, nên ở trong nhà, nơi trú ẩn an toàn, hạn chế tối đa đi ra ngoài nếu không cần thiết; tắt các nguồn điện khi bão đổ bộ; tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ; không quay lại khi bão chưa tan.

Ngoài ra, người dân cần lưu ý thời gian tâm bão vào vì sẽ có khoảng 30 phút đến 1 giờ lặng gió trước khi gió đổi hướng và gió sẽ mạnh trở lại; thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong trường hợp khẩn cấp; tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

  • 5 ngày trướcThông tin mới nhất về thiệt hại do bão tại Hà Nội: 2.455 cây đổ và 273 cành gãy

    Theo UBND thành phố Hà Nội, tính từ 7h00’ đến 19h00’ ngày 7-9, trên địa bàn thành phố có 1 người thiệt mạng do cây đổ trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Nạn nhân tên là C.M.C (sinh năm 2002, ở tỉnh Hưng Yên); 3 người bị thương ở quận Ba Đình, đã được đưa đi cấp cứu.

    Thiệt hại về tài sản, tính đến 19h00’ ngày 7-9, trên địa bàn thành phố có 6 xe máy và 13 ô tô bị hư hỏng do bão.

    Về tình hình ngập úng, tại khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến thời điểm 19h00 ngày 7-9, mưa lớn làm cho 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập; 6.144,5 ha lúa, 15,93 ha rau màu bị đổ; 2,2 ha cây ăn quả bị thiệt hại.

    Về tình hình cây đổ, cành gãy, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến 19h00’ có 2.455 cây đổ và 273 cành gãy.

    Một số thiệt hại khác: Có 5 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, đổ 60m tường bao (thị xã Sơn Tây); 3 nhà bị tốc mái (quận Ba Đình); 20m tường nhà dân bị đổ (quận Bắc Từ Liêm); sập mái nhà cấp 4 (Quận Hai Bà Trưng); đổ 35m tường bao, sập đổ 1 bếp nhà dân, 1 nhà dân tốc mái tôn (huyện Ba Vì); 20m tường bao nhà dân bị đổ (huyện Chương Mỹ); khoảng 240 m tường bao bị đổ, 3 nhà tôn sập (các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Hoài Đức); thiệt hại 170 con gia cầm (huyện Ba Vì).

  • 5 ngày trướcCường độ mưa và gió tại Hà Nội giảm mạnh

    Đến 22h50, tâm bão số 3 đã đi qua Thủ đô Hà Nội, để lại các tuyến đường với nhiều cây đổ, gãy; các tấm tôn bị gió thổi văng... Hiện tại, mưa đã ngớt và cường độ gió đã giảm nhiều.

    Mưa kéo dài khiến nhiều tuyến phố của Hà Nội bị úng ngập, một số nơi ngập sâu, phương tiện di chuyển khó khăn.

    Dù bão đã đi qua, nhưng mưa lớn vẫn còn tiếp tục. Người dân không nên chủ quan.

  • 5 ngày trướcTâm mắt bão lúc 22h tại Hà Nội

    Lúc 22h, vị trí tâm bão khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.

  • 5 ngày trướcCông an Hà Nội xử lý cây đổ ngay trong tối nay
    Video: Chu Dũng

    Tính đến 22h ngày 7-9, Trung tâm chỉ huy Công an thành phố đã tiếp nhận hơn 170 tin báo, trong đó có hơn 154 vụ cứu nạn cứu hộ do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra.

    Công an thành phố đã điều động trên 290 lượt xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phương tiện phá dỡ, với hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ.

  • 5 ngày trướcBến xe Hà Nội "đóng cửa" vẫn hỗ trợ miễn phí đồ ăn, chỗ ngủ cho hành khách nhỡ chuyến

    Theo Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng, từ 15h30, các bến xe và doanh nghiệp vận tải nhận được văn bản của Sở Giao thông vận tải Hà Nội yêu cầu tạm ngừng phục vụ để bảo đảm an toàn cho hành khách, tài sản người và phương tiện của doanh nghiệp.

    Tuy nhiên, thời điểm chiều tối, vẫn có hành khách tới bến xe, do đó, công ty đã chỉ đạo các bến xe kịp thời hỗ trợ miễn phí thực phẩm, nước uống, chỗ nghỉ tạm cho hành khách nhỡ xe để tránh bão. Đồ ăn hỗ trợ hành khách chủ yếu là mì tôm, bánh mì, bánh ngọt và nước lọc…

    ben-xe-giap-bat-mi-tom.jpg
    Hành khách tại Bến xe Giáp Bát được hỗ trợ đồ ăn, chỗ nghỉ ngay trong thời điểm bến phải "đóng cửa" do bão. Ảnh: Tuấn Khải.

    Thống kê tại Bến xe Giáp Bát vào chiều tối nay có 8 hành khách đi các tuyến liên tỉnh. Cùng với đó, có hàng chục hành khách khác có nhu cầu di chuyển từ bến xe về một số khu vực nội đô song thời điểm này, các tuyến xe buýt cũng đã dừng hoạt động. Bến đã hỗ trợ 8 hành khách đồ ăn và nước uống cũng như chỗ nghỉ tạm trong thời gian chờ bão tan. Giá trị suất ăn, cùng nước uống và bánh mì khoảng 50.000 đồng/người. Với những hành khách đi nội đô, trực tiếp lãnh đạo bến cùng các đơn vị vận tải hoạt động trên bến hỗ trợ nước uống và bố trí phương tiện để khách về nhà an toàn.

    Còn tại Bến xe Gia Lâm, đến chiều tối nay, còn hơn 10 khách cần hỗ trợ. Số lượng hành khách tại Bến xe Mỹ Đình khoảng 20 người. Tất cả đều đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các bến.

    Hành khách xúc động nhận sự hỗ trợ kịp thời từ cán bộ, công nhân viên Bến xe Mỹ Đình.
  • 5 ngày trướcTâm bão quét qua sân bay Nội Bài

    Theo Hanoionline.vn, từ 20h tối nay 7-9, bão số 3 đã ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội, khoảng một tiếng sau đó, tâm bão quét qua khu vực phía Bắc nội thành Hà Nội, bao gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

    Ở khu vực phía Bắc Hà Nội, đáng chú ý là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nơi hàng chục tàu bay đang tránh trú bão có thể đối mặt với những cơn gió mạnh. Ngay khi có thông tin dự báo bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, các tàu bay tại đây đã được chằng buộc cẩn thận để tránh những thiệt hại do gió bão gây ra.

    Theo các trang khí tượng quốc tế, khu vực phía Bắc nội thành Hà Nội, bao gồm các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3.

    hanoitoi79.jpg
    Đường phố Hà Nội vắng bóng người qua lại.
  • 5 ngày trướcĐường phố Hà Nội ngập nước

    Bão số 3 tác động gây mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại Hà Nội ngập nước.

    Ngõ 184 đường Trần Khát Chân (Hai Bà Trưng) ngập sâu. Ảnh: Hạnh Thơm
    Ngõ 184 đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) ngập sâu. Bà Hoàng Thị Lê - người dân phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, khoảng 18h, tại đây xuất hiện mưa lớn, 40 phút sau thì nước ngập bằng mép nhà. Ảnh: Hạnh Thơm/Lao Động
    Ghi nhận tại phố Thành Công (Ba Đình) nước bắt đầu dâng cao. Ảnh: Việt Anh
    Ghi nhận tại phố Thành Công (Ba Đình), nước bắt đầu dâng cao, nhiều đoạn ngập nửa bánh xe. Ảnh: Việt Anh/Lao Động
    Khoảng 18h30 Cây lớn bật gốc đã làm sập nhà gửi xe gây thiệt hại nhiều xe ô tô ở đường Đào Duy Anh (quận Đống Đa)
    Khoảng 18h30, cây lớn bật gốc đã làm sập nhà gửi xe gây thiệt hại nhiều xe ô tô ở đường Đào Duy Anh (quận Đống Đa). Ảnh: Lâm Phú/Lao Động
  • 5 ngày trướcCảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội

    Theo bản tin phát lúc 20h05 của Trung tâm khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, khu vực nội thành Hà Nội đang có mưa to đến rất to. Dự báo trong 3-6h giờ tới, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa to đến mưa to với lượng mưa phổ biến trong khoảng từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.

    Cảnh báo: Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành với độ sâu phổ biến từ 20-40cm. Đáng chú ý, một số tuyến phố có khả năng ngập sâu hơn với độ sâu từ 30-50cm.

  • 5 ngày trước13 thuyền viên bị mất tích, 1 người chết trên biển

    Báo Nhân Dân dẫn báo cáo của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến 17h30, có 7 tàu gặp sự cố, tai nạn trên biển, 1 thuyền viên tử nạn và 13 thuyền viên mất tích.

    Cụ thể như sau:

    1. Tàu Minh Ánh 01, hô hiệu: XVPS, số IMO: 9523433 MMSI: 574430000m trọng tải toàn phần: 2903.90 MT (tàu biển) trên tàu có 3 thuyền viên, đang bị trôi neo.
    2. Tàu Minh Ánh 03, hô hiệu: 3WHN9, số IMO: 9557484 MMSI 574001580, trọng tải toàn phần: 3825.10 MT (tàu biển), trên tàu có 12 thuyền viên, bị trôi neo, mất tín hiệu trên AIS. Hiện nay, tàu và 12 thuyền viên an toàn.
    3. Tàu Tiến Thành 05 (tàu cần cẩu, phương tiện thủy nội địa, thuộc Công ty cổ phần thương mại Logistic Quảng Ninh) neo tránh trú bão tại Vũng Đục-Cẩm Phả bị mất tích cùng 7 thuyền viên.
    4. Tàu Tiến Thành 02, Tiến Thành 03 (tàu cần cẩu, phương tiện thủy nội địa, thuộc Công ty cổ phần thương mại Logistic Quảng Ninh) bị trôi dạt, mắc kẹt tại Cung Cá Heo, thành phố Hạ Long, trên mỗi phương tiện có khoảng 10 người.
    5. Tàu Thiên Thuận Thành 01 (tàu SB) có 4 người trên tàu, bị trôi neo, nước tràn vào buồng máy tại khu vực Hòn Vụng Gianh, Quảng Ninh. Hiện nay, tàu và 4 thuyền viên an toàn.
    6. Tàu kéo biển Hồng Gai (thuộc Công ty cổ phần Cảng Quảng Ninh), khi neo tránh bão tại khu vực Hang Bồ Nâu có tọa độ 20-51.03N 107-05.10E trên tàu có 7 thuyền viên, đã bị mất tích. Tàu lai Hạ Long 08 đã vớt được 1 thi thể, 6 thuyền viên còn lại của tàu đang mất tích.
    7. Tàu cá không rõ tên bị hỏng máy, trên tàu có 1 người, trôi dạt tại khu vực hòn Vạn Bội - Cát Bà, đến thời điểm báo cáo không liên lạc được với tàu, trên tàu có 1 người, gần vị trí tàu bị nạn có tàu CSB9004 cách 6 hải lý sẵn sàng cơ động đi tìm kiếm cứu nạn, do thời tiết xấu chưa tiếp cận được tàu bị nạn.
  • 5 ngày trướcBão số 3: Bốn người tử vong, 78 người bị thương

    TTXVN dẫn thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tại một số địa phương đã ghi nhận thiệt hại ban đầu về người do bão số 3. Cụ thể, Quảng Ninh có 3 người tử vong, Hải Dương có 1 người tử vong; có 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người).

    Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh có 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu; tàu vận tải Huyền Trang 02 - Hải Phòng bị đứt neo trôi dạt.

    Bão số 3 cũng gây sự cố mất điện trên diện rộng tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương. Nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.

    Sau khi đi vào đất liền khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng, bão số 3 gây gió mạnh, mưa lớn. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (103 - 133 km/giờ), giật cấp 15.

    Một số địa phương đã có mưa lớn như: Cô Tô (Quảng Ninh) 127mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 123mm; Cát Bà (Hải Phòng) 198mm, Tiền Hải (Thái Bình) 208mm. Thủ đô Hà Nội bắt đầu mưa to, gió mạnh từ 15h ngày 7-9.

  • 5 ngày trướcEVN "bác" tin cắt điện 99% tại Hà Nội tối 7-9

    Chiều 7-9, do ảnh hưởng của bão số 3, một số khu vực tại Hà Nội xảy ra tình trạng mất điện do cây lớn đổ vào hệ thống đường dây truyền tải điện. Trên mạng xã hội lan truyền thông tin sẽ cắt điện 99% tại Hà Nội, thông tin này đã gây hoang mang dư luận.

    Chú thích ảnh
    EVN đưa ra cảnh báo thông tin giả lan truyền trên mạng xã hội.

    Đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phản bác thông tin này, nhấn mạnh đây là thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận và sẽ kiến nghị xử lý.

    Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Thu Phương, Trưởng ban Truyền thông, Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, EVNHANOI chưa đưa ra thông tin về việc Hà Nội cắt điện và khẳng định đây là thông tin gây thất thiệt. Nếu EVN Hà Nội có lịch cắt điện Hà Nội sẽ thông báo.

    Điện lực Hà Nội cũng khẳng định không giảm cung cấp điện trong bão số 3. Đơn vị đã và đang triển khai các phương án để bảo đảm an toàn cho người dân và hệ thống lưới điện.

    EVNHANOI khuyến cáo người dân sử dụng điện an toàn trong giai đoạn biến động cực đoan của thời tiết. Nếu phát hiện sự cố do thiên tai gây ra, khách hàng thông báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVNHANOI (Tổng đài 1901288 phục vụ 24/7) để kịp thời khắc phục, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.

  • 5 ngày trướcBão đang di chuyển trên đất liền ở Hải Dương

    Theo bản tin 19h của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20.9 độ Vĩ Bắc; 106.0 độ Kinh Đông, trên đất liền Hải Dương.

    Sức gió mạnh nhất: Cấp 10-11 (89-117km/h), giật cấp 13.

    Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.

  • 5 ngày trướcTP Hồ Chí Minh: Ứng trực 24/24 giờ để phòng, chống bão số 3

    Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ký văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải ứng trực 24/24 giờ để phòng, chống bão số 3 (Yagi), đề phòng mọi tình huống xấu có thể xảy ra.

    cay-xanh-nga-do-tphcm.jpg
    Cây xanh gãy, đổ tại công viên 30-4 (quận 1) ngày 4-9-2024 do mưa lớn kèm dông lốc. Ảnh: Nguyễn Lê

    Theo đó, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận - huyện, phường - xã - thị trấn cần chuẩn bị sẵn sàng phương án chi tiết huy động vật tư, phương tiện, lực lượng để ứng phó với bão, nhất là mưa lớn, dông lốc, tình trạng ngập lụt, triều cường và xả lũ do ảnh hưởng của bão số 3 gây ra.

    Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra nhằm ứng phó kịp thời; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý trách nhiệm tổ chức, cán bộ trực thuộc nếu có thái độ chủ quan, lơ là, vi phạm quy định pháp luật; thông tin số điện thoại trực ban, phân công lực lượng ứng trực, tổ, đội sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khi gặp khó khăn.

    Theo ghi nhận thực tế, vào chiều tối nay, hầu hết các khu vực trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trời nhiều mây, nhiều nơi có dông lốc, mưa.

  • 5 ngày trướcHà Nội: Những thiệt hại và khắc phục ban đầu của các lực lượng chức năng

    Bão số 3 vào đất liền gây mưa lớn và gió giật mạnh, Hà Nội ghi nhận nhiều thiệt hại về cây trồng và nhà xưởng. Dưới đây là hình ảnh Báo Hànộimới ghi nhận những thiệt hại và khắc phục ban đầu của cơ quan chức năng thành phố.

  • 5 ngày trướcCác quận, huyện ghi nhận nhiều cây xanh gãy đổ
    z5807001796025_6204dabee3ec810f1648f63446a10f21(1).jpg
    Lực lượng chức năng của quận Bắc Từ Liêm tổ chức ứng trực, xử lý các sự cố. Ảnh Hiền Phương.

    Tính đến 17 giờ 30 ngày 7-9, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 69 cây xanh gãy đổ và đã được UBND các phường huy động lực lượng cơ động xử lý tại chỗ, đảm bảo an toàn; 3 nhà dân bị tốc mái, lực lượng chức năng đã sơ tán 10 phòng trọ gồm 30 người dân đến nơi an toàn tránh bão, không có thiệt hại về người và tài sản, không gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông; tình hình đê điều ổn định.

    Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có 56 cây đổ, nghiêng, cành cây gãy. Các lực lượng tại chỗ đã chủ động xử lý kịp thời, không gây ảnh hưởng đến người, tài sản và giao thông đi lại. Về tài sản hư hại nhẹ 2 xe ô tô do cây đè; không có thiệt hại về đê điều, kè cống.

    z5807005467958_e129751bbe1a452053db042ae110b68f.jpg
    Lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng xử lý cây đổ do bão số 3. Ảnh: PV

    Đến chiều tối 7-9, trên địa bàn huyện Đông Anh tiếp tục có mưa lớn, gió mạnh, có thể gây ngập úng cục bộ tại khu dân cư và ngập cục bộ tại một số xứ đồng, đặc biệt tại các xã miền Đông như Liên Hà, Dục Tú, Vân Hà, Thụy Lâm. Nhiều cây xanh trên địa bàn cũng bị gãy đổ và đã được nhanh chóng xử lý.

    co-loa-dong-anh.jpg
    Công nhân xử lý cây xanh đổ tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Ảnh: Minh Đỗ

    Tại quận Hoàn Kiếm, nhiều tài khoản Facebook bày tỏ sự tiếc nuối trước hình ảnh cây đa cổ thụ nằm sau đền Bà Kiệu bị bật gốc, một phần rễ nhô lên khỏi mặt đất.

    cayda-denbakieu.jpg
    Hình ảnh mạng xã hội chia sẻ về cây đa cổ thụ cạnh đền Bà Kiệu bị bật gốc.
  • 5 ngày trướcQuận Hoàng Mai tiếp tục di chuyển nhiều hộ dân đến nơi an toàn

    Sau khi di chuyển các hộ dân ở chung cư A7 Tân Mai vào đêm qua, hôm nay, 7-9, quận Hoàng Mai đã rà soát, tuyên truyền và vận động di dời các nhà có nguy cơ sụp đổ trước bão.

    Cụ thể, phường Hoàng Liệt đã tuyên truyền, vận động người dân tại khu tập thể nhà 3 tầng cũ xây từ năm 1962 xuống cấp nguy hiểm tại khu tập thể CMC di chuyển đến nơi tránh bão. Hiện, 22 hộ đã chuyển đến nhà người thân, chỉ còn 4 hộ với 13 nhân khẩu chưa bố trí được nơi ăn ở, UBND phường đã hỗ trợ di chuyển đến 1 nhà người dân hảo tâm trên địa bàn phường. Hiện tại, nhà tập thể CMC không còn người ở.

    hoang-liet-2.jpg
    hoang-liet-1.jpg
    Phường Hoàng Liệt di chuyển các hộ dân đến nơi an toàn. Ảnh: Hiền Thu

    Phường Yên Sở trong sáng nay đã triển khai phương án di chuyển tạm 2 hộ dân với 3 nhân khẩu vào ở tại khu vực nhà hội họp Tổ dân phố 10, 11, 12; vận động tuyên truyền 76 hộ dân, các xưởng kinh doanh, sản xuất có mái tôn, có nguy cơ mất an toàn di chuyển đến nhà người thân ở tạm.

    Phường Mai Động đã tổ chức rà soát và di chuyển 9 nhà không bảo đảm an toàn (2 hộ sau tập thể Lilama 52 Lĩnh Nam và 5 hộ thuộc khu vực giải phóng mặt bằng đường Tam Trinh; 2 hộ thuộc khu tập thể cũ B1B).

    Phường Hoàng Văn Thụ đã thực hiện sơ tán di chuyển 10 hộ nhà tạm trong ranh giới giải phóng mặt bằng đường Tam Trinh và 1 hộ dân tổ 13 có nguy cơ mất an toàn đến nơi an toàn.

    Phương Tương Mai xử lý gia cố lại 4 nhà của dân xuống cấp.

    Phường Định Công đã tổ chức di chuyển 1 hộ người già neo đơn sang Trạm Y tế phường.

    z5807175762327_2e1638a0215177a3f5a031fa28c748a5.jpg
    Cây đổ trên địa bàn phường Giáp Bát. Ảnh: PV.
  • 5 ngày trướcQuận Tây Hồ di dời 14 hộ dân tại chung cư P16A phường Thụy Khuê đến nơi an toàn

    Chiều 7-9, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến đã xuống phường Thụy Khuê đôn đốc và kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3.

    tk-a-khuyen-kt-1(1).jpg
    Chủ tịch UBND quận Tây Hồ yêu cầu người đứng đầu các đơn vị tập trung toàn bộ nguồn lực để bảo đảm an toàn cho người dân; xử lý kịp thời các sự cố do bão số 3 gây ra. Ảnh: CTV

    Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê Lê Văn Thủy cho biết, ngay sau khi Chủ tịch UBND quận chỉ đạo, 14/14 hộ dân tại chung cư P16A đã được di chuyển đến nơi an toàn, trong đó có 6 hộ tạm về ở nhà người thân; 8 hộ dân được chuyển đến điểm tránh bão do UBND phường bố trí tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển trên phố Thụy Khuê.

    Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của UBND phường Thụy Khuê và các lực lượng có liên quan trong việc kịp thời tuyên truyền, vận động nhân dân di chuyển an toàn trước khi cơn bão số 3 đổ vào Hà Nội.

    Để bảo đảm ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả với cơn bão số 3 và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới, UBND quận Tây Hồ yêu cầu thủ trưởng các phòng, ban, ngành, chủ tịch UBND các phường tuyệt đối không chủ quan, lơ là công tác trực sẵn sàng ứng phó với cơn bão và ảnh hưởng của thời tiết; bảo đảm cấp điện, nước sạch cho nhân dân trên địa bàn; khắc phục, xử lý ngay các sự cố bảo đảm giao thông thông suốt.

  • 5 ngày trướcKéo dài thêm thời gian “đóng cửa” 3 cảng hàng không quốc tế

    Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo dài thời gian ngừng tiếp thu tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cát Bi đến 20h ngày 7-9; tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đến 0h ngày 8-9.

    Theo lịch cũ, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn “đóng cửa” đến 16h ngày 7-9; Cảng hàng không Cát Bi “đóng cửa” đến 16h ngày 7-9; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài “đóng cửa” đến 21h ngày 7-9.

    chk-noi-bai.jpg
    Máy bay được neo đậu chắc chắn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phan Công.

  • 5 ngày trướcỨng Hòa: Khoảng 2.000ha lúa mùa bị đổ, một số nhà bị tốc mái

    Theo ghi nhận, trên địa bàn huyện Ứng Hòa đã có khoảng 2.000ha lúa mùa tại nhiều xã trên địa bàn huyện bị mưa bão làm đổ, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Ngoài ra, các vùng nuôi trồng thủy sản cũng chịu tổn thất nặng nề, nhiều diện tích bị ngập úng; hoa màu, cây ăn quả bị gãy đổ hàng loạt. Một số nhà dân bị tốc mái do ảnh hưởng của mưa bão, song chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã nhanh chóng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.

    Các xã trong toàn huyện đang tích cực khắc phục hậu quả, bảo đảm an toàn cho người dân và chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp tiếp theo. Nhiều xã trên địa bàn huyện đã bị mất điện.

    ung-hoa3.jpg
    Huyện Ứng Hòa đã có 2.000ha lúa bị đổ.
    ung-hoa2.jpg
    ung-hoa.jpg
    Mái nhà dân tại xã Hoa Sơn bị sập.
    hoa-son.jpg
    Cây đổ tại xã Hoa Sơn.
    cvb.jpg
    Ghi nhận hình ảnh thiệt hại do mưa bão ở một số xã như Đồng Tiến, Hoa Sơn...

    Hiện tại, 6 trạm bơm đang hoạt động với tổng số 36 máy bơm, bao gồm các trạm Vân Đình, Ngoại Độ, Thần Lớn, Ngọ Xá và Liên Phương để tiêu nước ra sông Nhuệ và sông Đáy, giảm thiểu nguy cơ ngập úng.

    Mặc dù, tình hình ngập lụt chưa xảy ra, nhưng tại các tuyến đường giao thông đã có sự cố cây đổ, lực lượng chức năng đã giải quyết, bảo đảm an toàn giao thông.

    ung-hoa5.jpg
    dong-tien.jpg
    Lực lượng chức năng trên địa bàn huyện Ứng Hòa căng mình xử lý sự cố về cây xanh đổ gãy, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch.
  • 5 ngày trướcQuận Hoàn Kiếm di dời 67 người dân khu nhà gỗ phường Chương Dương đến nơi trú bão an toàn

    Ngày 7-9, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cùng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn phường Chương Dương.

    Tại cuộc họp, UBND phường Chương Dương đã báo cáo nhanh về các phương án ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn phường và phương án di dời người dân ở khu vực nhà gỗ ven sông Hồng để bảo đảm an toàn cho các hộ dân.

    cd-cap-cuu-.jpg
    Lực lượng chức năng phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đưa cụ bà 97 tuổi và 1 người bị liệt lên Trung tâm Y tế quận để theo dõi, chăm sóc sức khoẻ chiều 7-9 - Ảnh: CTV

    Theo báo cáo của UBND phường Chương Dương, tại khu vực nhà gỗ nguy hiểm của phường Chương Dương có 176 hộ dân với 496 nhân khẩu, UBND phường đã tổ chức vận động trước khi bão số 3 vào Hà Nội và cơ bản người dân tự chủ động di dời.

    Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Quận ủy và Đoàn kiểm tra số 1, ngay trong sáng 7-9, Đảng ủy, UBND phường Chương Dương đã triển khai phương án hỗ trợ di dời người dân tại khu nhà gỗ, khu vực nhà ven sông Hồng có nguy cơ sạt lở. UBND phường đã bố trí địa điểm trách trú bão an toàn cho nhân dân tại Trường Tiểu học Chương Dương số 140 Vọng Hà và Trường THCS Chương Dương số 103 Vọng Hà.

    Tính đến 17h ngày 7-9, UBND phường Chương Dương đã di dời 67 người dân tại khu nhà gỗ và nhà ven sông Hồng về Trường Tiểu học Chương Dương số 140 Vọng Hà, đảm bảo an toàn. Đặc biệt, các lực lượng chức năng đã đưa một cụ bà 97 tuổi và một người bị liệt lên Trung tâm y tế quận để theo dõi, chăm sóc sức khỏe; tuyên truyền vận động 46 hộ với 162 nhân khẩu tại bờ vở sông Hồng đi sơ tán tại nhà người quen ở trong phố và trên địa bàn phường.

    cd-vong-ha-.jpg
    67 người dân tại khu nhà gỗ và nhà ven sông Hồng di dời về Trường Tiểu học Chương Dương số 140 Vọng Hà, đảm bảo an toàn. Ảnh: CTV

    Cùng với công tác hỗ trợ người dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm, UBND phường Chương Dương đã yêu cầu Hội Liên hiệp phụ nữ phường, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Công an và dân quân phường cùng cán bộ sơ sở tiếp đón và hỗ trợ người dân đến tránh trú bão, đảm bảo nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân.

    Cũng tại phường Chương Dương, UBND phường đã vận động 674 người (607 người sơ tán về nhà người quen, họ hàng và 67 người sơ tán vào trường học).

    Tại phường Hàng Bồ, có 2 hộ gia đình tại địa chỉ 46 Hàng Bồ thuộc tổ dân phố số 6 hiện đang ở trong nhà nguy hiểm. Đó là hộ ông Hoàng Quân Tạo (91 tuổi) và hộ gia đình 2 vợ chồng ông Nguyễn Văn Lật, 87 tuổi, già yếu nằm 1 chỗ. Đảng ủy, UBND phường đã chỉ đạo các lực lượng của phường vận động, hỗ trợ 2 hộ gia đình sơ tán đến khách sạn số 53 Hàng Bồ để đảm bảo an toàn.

  • 5 ngày trướcHạ Long: Nhiều nhà cửa sập đổ

    Theo Báo Nhân Dân, khoảng 17h chiều nay, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có mưa rất to. Người dân tranh thủ dọn dẹp, tìm kiếm lại tài sản còn sót lại trong những ngôi nhà bị sập.

    Ghi nhận tại tổ dân phố Núi Hạm, phường Hồng Hải, Hạ Long, sau bão, có rất nhiều nhà bị sập. Trên đường ngổn ngang gạch, tôn và khung sắt thép.

  • 5 ngày trướcNhiều xã miền núi Ba Vì có nguy cơ sạt lở

    Trong ngày 7-9, lãnh đạo huyện Ba Vì đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại các địa phương có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng.

    bao1.jpg
    Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh kiểm tra việc khắc phục cây trám đen đổ vào nhà dân tại xã Tiên Phong.

    Tại các xã miền núi như Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng... mưa lớn liên tục đã làm gia tăng nguy cơ sạt lở, nhất là ở các điểm dốc, ven núi và sườn đồi. Những khu vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Đồng chí Dương Cao Thanh, Bí thư Huyện ủy Ba Vì nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm tra thường xuyên và kịp thời phát hiện các dấu hiệu sạt lở; đồng thời phải có các biện pháp sơ tán nhanh chóng khi phát hiện nguy cơ để bảo đảm an toàn cho người dân.

    bao.jpg
    Lãnh đạo huyện Ba Vì kiểm tra tình hình khắc phục mưa bão ở các xã trên địa bàn.

    Tại xã Cổ Đô, các đồng chí lãnh đạo đã đến các khu vực làng chài để vận động bà con lên bờ tránh bão, bảo đảm an toàn. Còn tại xã Châu Sơn, lực lượng ứng trực phòng, chống bão đã hỗ trợ người tàn tật di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn.

    Xã Vân Hòa đã di chuyển 4 hộ dân tại thôn Rùa, khu vực có nguy cơ sạt lở đến Nhà văn hóa thôn Xoan để tránh trú bão an toàn. Các xã Phú Phương và Vật Lại cũng ghi nhận hàng trăm héc ta lúa và hoa màu bị đổ, gây thiệt hại lớn.

    Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến bão, tăng cường công tác tuyên truyền và duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn ứng trực 24/24h, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

    bao3.jpg
    Nhiều diện tích lúa mùa tại xã Vật Lại bị đổ.
  • 5 ngày trướcHà Nội ghi nhận nhiều thiệt hại do bão số 3 vào đất liền

  • 5 ngày trướcYên Bái huy động trên 63.000 người ứng phó với bão

    Theo Báo Tin tức/TTXVN, để chủ động ứng phó bão số 3, tỉnh Yên Bái đã huy động hơn 63.000 người, gồm lực lượng bộ đội thường trực, công an, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, các địa phương huy động nguồn nhân lực tại chỗ và huy động trên 2.100 ô tô, tàu xuồng, máy xúc các loại và hơn 71.000 trang thiết bị khác, nhu yếu phẩm tại chỗ.

    Đến thời điểm này, tỉnh cũng đã lên phương án di dời 10.438 người dân đến nơi an toàn trong 3 tình huống, ngập lụt trên báo động 3, nguy cơ cao lũ quét và nguy cơ cao sạt lở đất.

    yenbai.jpg
    Nhiều cột điện bị gãy đổ tại các huyện Trấn Yên và Văn Yên. Ảnh: TTXVN phát

    Tính đến 15h30' ngày 7-9, bão số 3 đã làm thiệt hại 108 ngôi nhà tại các huyện Trấn Yên, Văn Chấn và Văn Yên (Yên Bái). Trong đó, 20 ngôi nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn, 88 ngôi nhà bị tốc mái; gần 77,5 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại; 105 con gia cầm bị chết; gãy đổ nhiều cây xanh, cột điện và các pano, biển báo trên các tuyến đường huyện...

    Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND các huyện đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã, thị trấn kiểm tra và huy động lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại, tổ chức thu dọn cây xanh bị đổ gãy trên tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông.

  • 5 ngày trướcQuận Đống Đa di chuyển 50 người ở khu tập thể Kim Liên đến nơi an toàn

    Theo thông tin từ quận Đống Đa, đến 15h ngày 7-9, quận và các phường đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức cắt tỉa 50 cây xanh tại các tuyến phố Nguyễn Văn Tuyết, Thái Thịnh, Trung Liệt, Hoàng Cầu…; xử lý, khắc phục 41 cây xanh nghiêng, đổ…

    Cùng với đó, phường Kim Liên đã thực hiện việc di chuyển xong 50 người tại các tầng trên cùng của 3 nhà tập thể C2, C3, C13 Kim Liên sang điểm Trường THCS Đống Đa để bảo đảm an toàn.

    tho-quan-2.jpg
    Lực lượng dân quân phường Kim Liên xử lý cây đổ. Ảnh: Ban Chỉ huy Quân sự quận cung cấp.
    tho-quan.jpg
    Xử lý cây đổ tại phường Thổ Quan. Ảnh: Ban Chỉ huy Quân sự quận cung cấp.

    Quận Đống Đa tiếp tục triển khai công tác ứng phó, khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ" (ứng trực, lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần được huy động). Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận và 21 phường cũng như các đơn vị, phòng ban, phối quản đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện ứng trực, kịp thời xử lý các sự cố phát sinh.

    Theo đó, Công ty cây xanh Tân Đô đã huy động 14 người, 2 xe cẩu, 10 cưa máy cắt tỉa xử lý cây đổ, gãy; Công ty Chiếu sáng huy động 5 nhân lực, 1 xe nâng cẩu, 1 máy cắt tay, 1 kìm cắt cáp, 1 khoan bê tông để khắc phục sự cố chiếu sáng; Xí nghiệp thoát nước số 4 huy động 156 nhân lực cùng 2 xe cẩu, 1 xe bơm, 3 xe hút chuyên dụng để khắc phục sự cố thoát nước, úng ngập; Công ty Môi trường Đống Đa huy động 200 nhân lực và 20 xe chở rác để dọn dẹp phế thải, cây cành gãy, rác thải; Công ty Điện lực huy động 10 nhân lực và 1 xe sửa chữa để kịp thời khắc phục sự cố điện…

    bao-da.jpg
    Quận ủy, UBND, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Đống Đa họp ứng phó với bão số 3 chiều 7-9. Ảnh: Minh Đức.
    Lực lượng dân quân phường Kim Liên thực hiện nhiệm vụ.
  • 5 ngày trướcQuận Cầu Giấy: Cây đổ gây vỡ kính ô tô tại tòa nhà No7 Khu 5,03ha phường Dịch Vọng

    Theo thống kê, từ 11h đến 17h ngày 7-9, trên địa bàn quận Cầu Giấy có 57 cây xanh gãy đổ; 7 cây gãy cành. Trong đó, phường Dịch Vọng có số cây đổ, gãy nhiều nhất. Đáng chú ý, 1 cây đổ gây vỡ kính ô tô tại tòa nhà No7 Khu 5,03ha phường Dịch Vọng.

    Cây đổ cũng làm gãy 1 cột thép trước cửa nhà số 99 phố Trung Kính, cột 14 lô 2 khu nhà B11 Nam Trung Yên, Trung Hòa, cột số 59 phố Phan Văn Trường cấp sang cột số 46 Trần Quốc Hoàn, cột thép số 265 đường Trần Quốc Hoàn; Trạm tập thể Đại học Luật.

    5(3).jpg
    Một xe ô tô gặp nạn. Ảnh CQ
    z5806984405794_995fde8b5e89310a715e23402b6e7fad.jpg
    Khắc phục sự cố cây đổ tại Cầu Giấy. Ảnh MH

    Ghi nhận của phóng viên, các lực lượng, đơn vị như Ban Chỉ huy quân sự quận, Công an quận, Công ty Cây xanh, Điện lực, Thoát nước, Chiếu sáng, Môi trường… đã bố trí lực lượng ứng trực, phối hợp hiệu quả, xử lý nhanh sự cố đảm bảo an toàn.

    Về công tác vận hành bơm, trạm Đồng Bông 1 đã vận hành 2 bơm 33/s. Trạm Cổ Nhuế đã vận hành 2 bơm 33/s. Lực lượng chức năng đã bổ sung mới một máy bơm 350 (m3/h) tại ngõ 89 Lạc Long Quân, chuyển 1 máy bơm 290 (m3/h) từ ngõ 89 Lạc Long Quân về tại trạm bơm Đồng Bông I cũ để bơm hạ mực nước. Quận đã bố trí công nhân ứng trực đầy đủ tại hiện trường và cán bộ ứng trực tại trung tâm điều hành để tiếp nhận báo cáo thông tin liên lạc.

    Theo lãnh đạo quận, lượng mưa đo được tại Cầu Giấy là 15,9mm; hiện chưa có điểm ngập úng. Trên địa bàn quận không có thiệt hại về người. Công tác vệ sinh môi trường đã được khắc phục, các lực lượng phối hợp kịp thời xử lý khắc phục cây xanh đổ gãy trên địa bàn quận; giao thông được đảm bảo không có điểm ùn tắc giao thông.

  • 5 ngày trướcSức tàn phá của bão số 3 tại Quảng Ninh

    Quảng Ninh là một trong những địa phương nằm trong tâm bão số 3. Bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trên địa bàn tỉnh: Cây xanh, cột điện đổ; làm tốc mái nhà, xoáy bay mảng kính nhà cao tầng, cuốn đi nhiều biển bảng quảng cáo..., Báo Quảng Ninh đưa tin.

    Công ty Than Hòn Gai - TKV bị bão cuốn bay mảng kính lớn. Nguồn video: Facebook.
    quangninh1.jpg
    Cơ sở 2 Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề về tài sản, cơ sở vật chất.
    quangninh2.jpg
    Cây xanh, tủ điện, cửa kính bị bão cuốn đổ vỡ nằm la liệt trên đường phố.
    quangninh3.jpg
    Một con đường ở TP Hạ Long bị lấp kín bởi cây đổ, biển báo ngả nghiêng.
    quangninh4.jpg
    Quán Highland Trần Hưng Đạo bị vỡ hết cửa kính mặt tiền.
  • 5 ngày trướcVideo: Tâm của mắt bão số 3 đã vào Quảng Ninh lúc 17h ngày 7-9

    Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 17h do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14.

    Tại Phủ Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; Văn Lý (Nam Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Hải Dương gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11…

  • 5 ngày trướcThành phố Nam Định dọn dẹp cây xanh ngã đổ

    UBND thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) cho biết, trong ngày 7-9, gió bão gây gãy đổ hàng chục cây xanh, 3 cột đèn chiếu sáng. Từ đầu giờ chiều cùng ngày, các lực lượng ứng trực đã khẩn trương khắc phục hậu quả nêu trên.

    namdinh.jpg
    Lực lượng ứng trực thành phố Nam Định tập trung khắc phục hậu quả bão. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG/Nhân Dân)

    Là địa bàn có nhiều khu tập thể cũ, nhà yếu, nhà tạm, trang trại, gia trại, đến 17h ngày 6-9, chính quyền thành phố đã tổ chức di dời 1.060 hộ, 2.226 người đến nơi an toàn (về nhà người thân hoặc đến các trạm y tế, trường học trên địa bàn).

    namdinh1.jpg
    Lãnh đạo tỉnh và thành phố Nam Định thăm, tặng quà, động viên người dân phải di dời tránh bão. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG/Nhân Dân)

    Trong ngày 7-9, lãnh đạo tỉnh, thành phố Nam Định cũng đã đến thăm, tặng quà, động viên các hộ dân phải di dời tránh bão yên tâm ở nơi ở tạm, chờ bão tan sẽ trở về ổn định cuộc sống.

  • 5 ngày trướcBão đang ở trong đất liền Hải Phòng: Cây đổ, nhà tốc mái chắn ngang nhiều tuyến đường

    Theo Báo Nhân Dân, tại thành phố Hải Phòng trong thời điểm này, bão số 3 vẫn chưa dứt. Cây đổ ngã la liệt, chắn ngang nhiều tuyến đường. Nhiều quán hàng tốc mái, đồ đạc đổ vỡ, hư hỏng.

    Đặc biệt, rất nhiều mái tôn, biển quảng cáo bị gió bão đánh rơi, vỡ. Thậm chí cả mái tôn lớn bị gió đánh bay và chụp giữa cột điện. Nhiều bồn chứa nước bằng nhựa trên các mái nhà cũng bị thổi bay, rơi vỡ.

    Tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng, mưa như trút nước. Ngoài đường, cây đổ nghiêng ngả, không còn lối đi.

    haiphong1.jpg
    haiphong4.jpg
    haiphong2.jpg
    haiphong3.jpg
    haiphong5.jpg
  • 5 ngày trướcHà Nội thông tin biện pháp ứng phó bão số 3 tới gần 1,7 triệu thuê bao Zalo

    Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã triển khai đồng loạt giải pháp để ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3, truyền tải thông tin về phòng, chống bão đến người dân, cũng như bảo đảm an toàn thông tin liên lạc giữa các cấp chính quyền.

    img_5663.jpg
    Sở Thông tin và Truyền thông liên tục cập nhật thông tin về bão số 3 qua Zalo. Ảnh: Thanh Hà

    Từ sáng 7-9 đến 16h cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông liên tục cập nhật, cung cấp thông tin qua các nhóm Zalo các văn bản chỉ đạo của thành phố, Bộ Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành về phòng, chống bão… Từ ngày 5-9, Sở đã cập nhật các nội dung chỉ đạo, yêu cầu các phòng văn hóa quận, huyện, thị xã thông tin đến nhân dân bằng các hình thức khác nhau.

    Sở đã chủ động đăng tải 3 bản tin với 18 tin, bài tới gần 1.700.000 tài khoản người dùng Zalo qua tài khoản OA “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội”; đăng tải thêm 18 tin, bài lên tài khoản “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội” trên mạng xã hội Lotus.

  • 5 ngày trướcHuyện Thanh Trì: Hệ thống đường dây điện nhiều khu vực bị cây xanh đổ gây hư hỏng, mất điện

    Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Trì, tính đến 16h ngày 7-9, trên địa bàn huyện bắt đầu có gió mạnh, kèm mưa dông rải rác.

    thanh-tri-chieu-7-9.jpg
    Lực lượng chức năng huyện Thanh Trì gia cố các đoạn tường rào dễ đổ. Ảnh: Thanh Hồng

    Về tình hình thiệt hại, trên địa bàn huyện có 2 cột điện có nguy cơ gãy đổ (khu vực Khu tập thể cơ khí số 7, xã Liên Ninh và đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển); 1 cáp dây điện trên đường Tứ Hiệp bị trùng võng.

    Hệ thống đường dây điện nhiều khu vực bị cây xanh đổ gây hư hỏng, mất điện tại các xã: Vạn Phúc, Ngũ Hiệp, trụ sở Công an xã Ngọc Hồi, Tả Thanh Oai và mất điện ở Trạm bơm Cầu Bươu, khiến công tác bơm tiêu bị gián đoạn.

    Đã có một số chuồng trại chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản bị sập đổ, tốc mái, chưa thống kê được thiệt hại. Xã Vạn Phúc thiệt hại 2,2ha trồng chuối, 1ha rau màu.

    Ngoài ra, trên địa bàn có 96 cây xanh gãy, đổ, được các xã, thị trấn, đơn vị liên quan thu dọn, không làm ảnh hưởng đến giao thông; không gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dẫn.

    7-9-thanh-tri.jpg
    Công ty Điện lực huyện Thanh Trì xử lý hệ thống đường điện bị ảnh hưởng do mưa bão. Ảnh: Thanh Hồng.

    Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn tiếp tục ứng trực 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến và thông tin tình hình thời tiết, mưa bão trên các phương tiện thông tin đại chúng.

  • 5 ngày trướcThái Bình mất điện diện rộng

    Báo Tin tức/TTXVN dẫn lời ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 thống kê đến 15h ngày 7-9, trên địa bàn tỉnh đang mất điện ở 109/124 đường dây trung áp. Hiện Công ty đang nỗ lực khắc phục tại các điểm cấp điện xung yếu; còn lại phải chờ thời tiết bảo đảm đủ an toàn sẽ huy động lực lượng khẩn trương khắc phục để sớm cấp điện trở lại.

    Ghi nhận của phóng viên, mưa kết hợp gió giật mạnh đã khiến nhiều cây xanh bật gốc, ngã đổ, biển pano quảng cáo bị bay… Lãnh đạo địa phương cũng phân công thành nhiều đoàn trực tiếp đến kiểm tra công tác ứng phó với bão tại các huyện, thành phố. Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình đang tiến hành thống kê thiệt hại ban đầu.

    thai-binh-070924.jpg
    Một chiếc ô tô của người dân thành phố Thái Bình bị cây đổ đè lên. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN
  • 5 ngày trước Huyện Thạch Thất có 103ha lúa mùa bị đổ

    Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thạch Thất, tính đến 15h30' ngày 7-9, trên địa bàn huyện đã đổ, gãy 120 cây lấy gỗ, bóng mát; trong đó xã Thạch Xá 4 cây, Cần Kiệm 11 cây, Tân Xã 5 cây, Hương Ngải 2 cây, Tiến Xuân 10 cây, Kim Quan 01 cây, Chàng Sơn:4 cây, Phùng Xá 10 cây, Canh Nậu 6 cây, Dị Nậu 12 cây, Đại Đồng 11 cây, Hạ Bằng 8 cây, Cẩm Yên 10 cây, Lại Thượng 5 cây, Yên Bình 5 cây, Yên Trung 5 cây, Thạch Hoà 11 cây. Số cây đổ, gãy đã được các xã, thị trấn xử lý ngay, bảo đảm giao thông.

    Ngoài ra, có 103ha lúa mùa bị đổ (xã Cần Kiệm 4ha, Tân Xã 0,7ha, Tiến Xuân 12ha, Cẩm Yên 20ha, Đại Đồng 3ha, Lại Thượng 3,3ha, Đồng Trúc 15ha, Bình Yên 5ha, Yên Bình 1ha,Yên Trung 7ha, Hạ Bằng 25ha, Dị Nậu 7ha).

    yen-binh-chieu-7-9.jpg
    Lực lượng chức năng xã Yên Bình thu gọn cây xanh bị đổ chiều 7-9. Ảnh: Thu Hương.

    Hệ thống đê, kè, hồ, đập, công trình thuỷ lợi ổn định, nhà, công trình xây dựng không bị ảnh hưởng bởi bão. Hiện tại, Xí nghiệp Thuỷ lợi Thạch Thất vận hành 5 trạm bơm tiêu úng đầu mối với tổng số 15 tổ máy bơm: Săn 2 máy, Phú Đa 4 máy, Tân Xã 4 máy, Bình Phú 3 máy, Lim 2 máy để tiêu nước dồn và dân sinh.

  • 5 ngày trướcBão vào Bãi Cháy, Hạ Long, thiệt hại rất lớn

    Chiều 7-9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2024, Cục trưởng Cục Đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đức Luận cập nhật thông tin mới nhất về diễn biến, thiệt hại của bão số 3.

    9d8927d98d352a6b7324.jpg
    Cục trưởng Cục Đê điều và phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Đức Luận. Ảnh: Phương Ngân.

    Cụ thể, về thiệt hại, đến thời điểm hiện tại ghi nhận 1 người tại Hải Dương thiệt mạng do cây đổ khi đang lưu thông trên đường. 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); 146 cây xanh bị đổ (Quảng Ninh 100; Hải Phòng 46); 2 cột điện hạ thế, 1 trạm biến thế bị hư hỏng (Hải Phòng); các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) mất điện diện rộng. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chưa ghi nhận thiệt hại.

    “Hiện nay, thiệt hại là chưa thống kê được. Thông tin qua điện thoại, chúng tôi được biết thiệt hại tại Quảng Ninh rất nặng nề… Dự kiến trong sáng mai, khi bão đi sâu vào đất liền, hướng vào Hà Nội thì tại Quảng Ninh mới có thể kiểm kê thiệt hại”, ông Luận nêu.

  • 5 ngày trướcHoài Đức: Bờ phải kênh chính Đan Hoài bị sụt, nghiêng đổ, lún nứt 50m

    Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Hoài Đức cho biết, tính đến 15h ngày 7-9, trên địa bàn huyện không có thiệt hại về người, một số cây xanh và biển quảng cáo gãy, đổ; một đoạn kênh Đan Hoài bị sụt lún...

    img_20240907_150042.jpg
    Lực lượng chức năng xã Song Phương chặt hạ cây gãy, đổ. Ảnh: Trung Nguyên

    Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Khuất Trọng Kiên thông tin thêm, trên địa bàn huyện có một số sự cố về điện, gồm: 2 sự cố điện trung thế do sét đánh vào các đường dây cấp điện cho khu vực xã Minh Khai và xã Dương Liễu, khiến 2.517 hộ dân bị mất điện; 5 sự cố hạ thế do nhảy áp, hỏng dây sau khách hàng, nhảy áp hòm công tơ, đều đã được ngành điện khắc phục, đóng điện trở lại.

    img_20240907_144422.jpg
    Bờ phải kênh chính Đan Hoài, tại vị trí K8+705 (thuộc địa bàn xã Minh Khai) bị sụt lún, nứt. Ảnh: Trung Nguyên

    Còn ở bờ phải kênh chính Đan Hoài, tại vị trí K8+705 (thuộc địa bàn xã Minh Khai), lớp tường chắn bê tông cốt thép bị sụt, nghiêng đổ, dẫn đến sụt lún, nứt dọc vỉa hè bờ kênh, chiều dài khoảng 50m, kéo theo cọc lan can và dây xích, đường dây điện chiếu sáng, cột đèn và các tấm đan bị đẩy chồi về phía lòng kênh. Đoạn kênh này nằm trong dự án đã được phê duyệt, chuẩn bị thi công. UBND xã Minh Khai đã kiểm tra, tiến hành căng dây cảnh báo tại đoạn kênh này.

  • 5 ngày trướcChiều tối 7-9, khu vực nội đô Hà Nội gió tăng lên cấp 8, giật cấp 10

    Ảnh hưởng của bão số 3, đến thời điểm này, Hà Nội vẫn đang có mưa vừa, mưa to. Theo tin từ TTXVN, dự báo tác động của bão, gió mạnh từ chiều và đêm 7-9, các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 7, cấp 8, giật cấp 10. Chiều và đêm 7-9, thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Gió mạnh có thể gây tốc mái, hư hại nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

    Mưa lớn kéo dài đến sáng 9-9, với lượng mưa lên tới 400mm, có thể kèm theo các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Dự báo tác động của mưa lớn làm giảm tầm nhìn khi lái xe, gây ra trơn trượt và tai nạn giao thông; làm quá tải hệ thống thoát nước đô thị, gây ra ngập úng trong các khu dân cư, ách tắc giao thông do ngập úng đường...

  • 5 ngày trướcHuyện Phúc Thọ: Nhiều cây lớn gãy đổ do mưa bão

    Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Phúc Thọ có gió mạnh, kèm mưa rải rác khiến nhiều cây xanh gãy đổ.

    do-cay-phuc-tho.jpeg
    Cây xanh trên địa bàn huyện Phúc Thọ bị bật gốc. Ảnh: Phúc Thọ

    Thống kê đến nay trên địa bàn huyện có 13 cây bị đổ tại các xã: Võng Xuyên, Thọ Lộc, Phúc Hòa, Hiệp Thuận, Tích Giang và thị trấn 33 cây gãy cành, 5 điểm ngập úng trong khu dân cư; 20m tường bao bị đổ tại xã Võng Xuyên; 5ha rau màu tại xã Thanh Đa bị ngập... Các xã, thị trấn đã chủ động lực lượng xử lý để bảo đảm an toàn giao thông cho các phương tiện đi lại.

    Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi ảnh hưởng của bão tới Hà Nội ngày càng nhiều, huyện đã thông báo đến các hộ dân chằng chống nhà cửa, các biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây; sơ tán người dân ra khỏi những nơi không an toàn, hạn chế ra ngoài khi bão đổ bộ...

  • 5 ngày trướcNgười dân không nên ra đường để tránh rủi ro
    2(1).jpg
    Một cây to bị gãy trên đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên) chắn ngang đường, rất may không có người bị thương.
    6.jpg
    Nhiều cửa hàng ở phố cổ Hà Nội đóng cửa sớm để tránh bão.
    Gió mạnh trên cầu Chương Dương tiềm ẩn nguy hiểm cho người đi đường.
    caydo.jpg
    Cây xanh gãy đổ chắn ngang đường khu vực trước nhà số 376-378 Thụy Khuê trước 16h ngày 7-9. Sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng đã có mặt điều tiết giao thông. Ảnh chụp lúc 16h05. Ảnh: Quang An
  • 5 ngày trướcHuyện Thường Tín: 670ha lúa bị đổ, ngập

    Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Thường Tín có mưa lớn đã làm gãy, đổ 4 cây trên địa bàn thị trấn Thường Tín và các xã Vạn Điểm, Liên Phương. Diện tích lúa bị đổ khoảng 670ha, chủ yếu tại các xã: Nghiêm Xuyên, Tô Hiệu, Hòa Bình…

    Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thường Tín đã kiểm tra tại một số vị trí xung yếu, các công trình thủy lợi phục vụ công tác tiêu úng trên địa bàn. Huyện cũng chỉ đạo các xã Vạn Điểm, Liên Phương và thị trấn Thường Tín xử lý cắt, tỉa, di chuyển 4 cây bị gãy, không để ảnh hưởng đến quá trình đi lại của nhân dân.

    1i75kl26l_54llnb.jpg
    Lực lượng chức năng xử lý cây đổ. Ảnh: Đỗ Minh

    Huyện Thường Tín yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin, dự báo, cảnh báo và diễn biến của cơn bão số 3 để kịp thời thông tin đến các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn; kiểm tra trực tiếp các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trên địa bàn. Đặc biệt, Xí nghiệp Thủy lợi Hồng Vân phối hợp với UBND các xã sẵn sàng vận hành các trạm bơm tiêu phục vụ công tác tiêu úng khi có mưa bão xảy ra.

  • 5 ngày trướcCác địa phương của Hà Nội khẩn trương xử lý các sự cố do bão số 3 gây ra
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bão số 3 hoành hành, Hà Nội và các địa phương miền Bắc ghi nhận nhiều thiệt hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.