Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) khu vực miền Trung sáng sớm ngày 1/10, bão số 10 với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 12, 13 kèm theo mưa lớn tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đã làm 3 người chết, 31 người bị thương.
Sau bão, nguy cơ ngập lụt đang đe dọa nhiều địa bàn ven biển của miền Trung |
Mưa bão cũng đã làm sập 23 nhà dân (trong đó tại tỉnh Quảng Bình: 06 nhà, tỉnh Quảng Trị: 11 nhà và tỉnh Thừa Thiên - Huế: 06 nhà); 4.842 nhà bị tốc mái (Quảng Bình: 808 nhà, Quảng Trị: 3.666 nhà, Thừa Thiên - Huế: 368 nhà).
Bên cạnh đó, bão số 10 cũng đã làm tháp ăngten của Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) gãy đổ và đè nát hoàn toàn 2 chiếc ô tô khách đang đậu tránh bão tại bến xe trung tâm TP Đồng Hới. Bão cũng đã gây mất điện tại một số địa phương. Đặc biệt, vào lúc 12h52 ngày 30/9, đường dây 500kV mạch 2 đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng đã bị sự cố. Tiếp đó, vào lúc 15h27, đường dây mạch một đoạn Hà Tĩnh – Đà Nẵng tiếp tục bị sự cố, làm mất liên kết.
Cũng do ảnh hưởng của siêu bão số 10, các đoạn đường dây 220kV, 110kV và các đường dây trung hạ áp tại khu vực miền Trung bị sự cố, gây mất điện phần lớn tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế.
Mặc dù mưa bão vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng tại tỉnh Quảng Bình, Công ty Điện lực Quảng Bình đã đóng được điện tại trạm biến áp 110kV Lệ Thuỷ, tại Áng Sơn đã được đóng điện đến thanh cái 22kV. Tại tỉnh Quảng Trị, đến 21h00 ngày 30/9 đã khôi phục cấp điện khoảng 20% phụ tải toàn tỉnh tập trung tại khu vực trung tâm thành phố Đông Hà, trung tâm các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và toàn bộ huyện Hướng Hoá. Hiện các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đăkrông vẫn còn mất điện. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, toàn bộ phụ tải huyện Nam Đông, Phú Lộc mất điện hoàn toàn; khu vực trung tâm huyện Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà đang mất điện (ước công suất mất điện 40MW, khoảng 35% phụ tải toàn tỉnh).
Các thiệt hại về giao thông hiện chưa thống kê đầy đủ; song thông tin ban đầu là nhiều tuyến đường giao thông tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã bị ngập lụt khiến các phương tiện tham gia giao thông khó khăn. Riêng đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình phải dừng hoạt động trong ngày 30/9. Trong khi đó, tại Thừa Thiên - Huế, sạt lở trên 24,1km bờ sông, 20,5 km đê bị sạt lở.
Đối với công tác di dời dân tại các địa bàn nguy hiểm, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của chính quyền và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các cấp, các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 10 đã nhanh chóng, kịp thời có phương án di dời dân đến nơi an toàn.
Theo Trung tâm PCLB miền Trung – Tây Nguyên, tính đến 17 giờ ngày 30/9, 03 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã sơ tán 20.608 hộ/72.365 người tại 23 huyện, thị đến nơi an toàn.
Dự kiến trong hôm nay (1/10), ở một số khu vực tại miền Trung - Tây Nguyên sẽ có mưa to, gây nguy cơ lũ ống lũ quét tại vùng núi. Mực nước ở các công trình hồ đập đang tiếp tục dâng cao, không loại trừ các phương án xả lũ, nhất là với những công trình thủy điện đầu nguồn.
Vào lúc 21h ngày 30/9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp khẩn tại TP Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đánh giá những thiệt hại ban đầu do bão số 10 gây ra tại các tỉnh miền Trung và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra; đồng thời triển khai các phương án tiếp theo nhằm ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.