(HNM) - Với sức gió cấp 11, cấp 12, chiều 30-9, bão số 10 đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và một phần địa phận tỉnh Hà Tĩnh, gây thiệt hại nặng nề.
Trước khi bão đổ bộ, hàng chục nghìn người dân ở các tỉnh đã được lực lượng chức năng di chuyển đến nơi an toàn; học sinh ở nhiều địa phương được nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Từ sáng 30/9, tại thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái. Ảnh: VnExpress |
Kiểm tra và chỉ đạo đối phó bão số 10 tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh và xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao những cố gắng của chính quyền địa phương và người dân đã chủ động phòng, chống bão. Tại tỉnh Quảng Trị, từ 14h ngày 30-9, bão số 10 bắt đầu đổ bộ vào đất liền với sức gió giật rất mạnh, cấp 11 đến 12. Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Trị, đã có gần 10.000 hộ dân bị thiệt hại do bão, bao gồm nhà cửa bị sập đổ, xiêu vẹo và tốc mái; khoảng 1.000ha cây cao su từ 5-7 năm tuổi bị gãy, đổ...; đường điện 110KV gặp sự cố khiến toàn tỉnh Quảng Trị bị mất điện từ 12h trưa 30-9. Thông tin liên lạc (qua điện thoại) giữa huyện đảo Cồn Cỏ với đất liền bị cắt đứt; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nắm thông tin chỉ đạo qua hệ thống mạng cơ yếu… Tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tâm bão số 10 đổ bộ từ 12h trưa 30-9, toàn thành phố đã bị cắt điện, khắp nơi cây gãy đổ, đường phố ngập mái tôn, biển hiệu rơi vỡ, cột điện gãy đổ. Chiều 30-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại TP Đồng Hới để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục. Tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tình hình giao thông rất khó khăn do cây gãy, đổ nhiều. Ước tính, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có hơn 1.000 nhà tốc mái. Dọc quốc lộ 1A, hàng trăm nhà dân hai bên bị tốc mái hiên. Tôn và cây cối ngổn ngang trên quốc lộ 1A. Hồi 17h, quốc lộ 1A đoạn qua xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh bị tắc nghẽn hoàn toàn do một cột ăng ten Viettel bị gió bẻ gãy chắn ngang. Ngoài ra, tại xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch đã có một người bị thương nặng; một đoạn kè ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch) bị sóng đánh vỡ dài khoảng 10m, hơn 250 ngôi nhà bị tốc mái...
Tại Hà Tĩnh, tinh thần chỉ đạo chống bão chủ động, lực lượng chức năng túc trực 24/24h ở những vị trí xung yếu. Bão lớn đổ bộ vào huyện Kỳ Anh với gió cấp 10, cấp 11, làm nhiều cây to bị gãy, đổ, nước ngập cả tuyến quốc lộ 1A, nhiều nhà cửa ven biển của ngư dân bị sóng đánh tơi tả... Tại tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của bão số 10, mưa lớn kéo dài từ đêm 29 đến ngày 30-9 làm mực nước sông trên địa bàn dâng cao. Nước sông Hoài ở TP Hội An đã tràn, làm ngập lụt nhiều tuyến đường trong phố cổ. Hơn 130m bờ biển nằm giữa hai dự án du lịch đang thi công là: Fusion ALYA và Vinpearl Resort tại phường Cửa Đại, TP Hội An bị sóng đánh sạt lở nghiêm trọng, xâm thực vào sâu trong đất liền hơn 15m… Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến chiều tối 30-9, thống kê sơ bộ cho biết, tại huyện Phú Lộc có 45 ngôi nhà bị tốc mái do gió bão. Thị trấn Lăng Cô có 2 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn; thôn An Cư Tây có hơn 30 nhà bị tốc mái nặng và 1 nhà sập hoàn toàn.
Quảng Bình cũng có khoảng 2.000 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, tập trung ở TP Đồng Hới, huyện Bố Trạch. Ảnh: VnExpress |
Tối 30-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với UBND tỉnh Quảng Bình cùng các sở, ngành địa phương và thành viên Ban Chỉ đạo PCLB trung ương để đánh giá thiệt hại ban đầu cũng như chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống người dân sau bão. Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương chịu ảnh hưởng của bão tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, bố trí lực lượng túc trực thường xuyên ở những vị trí xung yếu để xử lý sự cố kịp thời. Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương đặc biệt quan tâm đến các hồ chứa, sạt lở ở khu vực miền núi, đề phòng lũ quét, sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông...
Theo cơ quan khí tượng thủy văn trung ương, trên lục địa Trung Quốc có một khối không khí lạnh nhỏ đã hình thành và di chuyển xuống phía Nam. Dự báo rạng sáng 1-10, bộ phận không khí lạnh này sẽ tăng cường yếu xuống các tỉnh miền Bắc nước ta. Do tác động của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với rìa phía bắc hoàn lưu cơn bão số 10, phía Đông Bắc bộ có mưa, mưa rào và giông rải rác, riêng vùng đồng bằng và ven biển có nơi mưa vừa và giông mạnh. Nhiệt độ các tỉnh, thành giảm phổ biến khoảng 2-3 độ C, tiết trời chuyển mát mẻ. Trong khi đó, nhiều khả năng vào ngày 4-10, một đợt không khí lạnh mới lại tăng cường xuống miền Bắc nước ta khiến nền nhiệt độ tiếp tục giảm thấp hơn.
* Do ảnh hưởng của siêu bão số 10 (tên quốc tế Wutip), vào lúc 12h52, đường dây 500kV mạch 2 đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng đã bị sự cố. Tiếp đó, vào lúc 15h27, đường dây mạch 1 đoạn Hà Tĩnh - Đà Nẵng cũng bị sự cố, làm mất liên kết Hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện 2 miền Bắc Nam vận hành độc lập. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chỉ đạo các đơn vị bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các khu vực không bị ảnh hưởng từ sự cố này.
* Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của bão số 10 nên từ 14h ngày 30-9 đã có nhiều đoàn tàu qua Quảng Bình bị ách tắc do cây, cột điện bị đổ lên đường tàu. Đến hơn 20h cùng ngày, các đoàn tàu mới có thể tiếp tục hành trình.
Ban Chỉ huy PCLB TP Hà Nội đã ban hành công điện khẩn số 08 yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động tiêu úng khi có mưa lớn; tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn thu hoạch nhanh lúa mùa, có biện pháp bảo vệ hoa màu; triển khai các biện pháp để chống úng cho khu vực nội thành... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.