Thời điểm này, mưa to, gió giật cấp 10-11 đã bắt đầu xuất hiện ở Quảng Bình và các tỉnh được xác định bão sẽ đổ bộ.
Thời điểm hiện tại, PV có mặt tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình cho hay, dường như bão đã bắt đầu đổ bộ và ảnh hưởng.
Tại Quảng Bình, từ 14h chiều nay bắt đầu có mưa to và gió lớn giật cấp 10-11.
Người dân Lệ Thủy chạy bão chiều 30/9 |
Hiện nay, mưa lớn đã xuất hiện tại các địa phương này. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương cho biết do ảnh hưởng mưa của bão số 10, từ ngày 30/9, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế sẽ lên nhanh.
Do ảnh hưởng bão số 10, ở trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 16m/s (cấp 7), giật 21m/s (cấp 9); đảo Hòn Ngư có gió mạnh 13m/s (cấp 6), giật 16 m/s (cấp7); đảo Cồn Cỏ có gió mạnh 12m/s (cấp 6), giật 22m/s (cấp 9). Ở ven biển các tỉnh Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế từ sáng nay bắt đầu có gió giật cấp 6 - 7.
Bão bắt đầu đổ bộ vào Quảng Bình |
Vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), theo các cơ quan chức năng, gần 1.000 hộ dân của cả xã miền biển Ngư Thủy Bắc đều đã chằng néo nhà cửa, cấp tập chạy về trụ sở UBND xã, trường học trên địa bàn để trú bão.
Từ đầu giờ chiều 30/9, tại huyện Lệ Thủy gió bão đã mạnh dần lên cấp 8 – 9, mưa rất nặng hạt. Hàng ngàn dân địa phương lo lắng chạy bão.
Trưa nay, gió bão đã giật vỡ hệ thống cửa kính hành lang của trụ sở xã Ngư Thủy Bắc |
Tại xã Ngư Thủy Bắc – một trong 3 điểm xã ven biển của huyện Lệ Thủy được dự báo là có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 10 – người dân đang nín thở từng giờ chờ bão đổ bộ.
930 hộ dân thuộc 5 xóm toàn xã đều đã được sơ tán đến đến trụ sở UBND xã, trường học và trạm y tế. Nhiều bà mẹ ở làng chài này lo lắng bế con chạy trong mưa bão.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (thôn Tân Thuận) vừa một tay chằng néo nhà cửa, một tay nách 3 đứa con vượt mưa bão chạy đến trú ở trụ sở UBND xã.
Chồng chị Nguyệt là anh Trần Quang Thụy đang đi biển đánh cá, hiện vẫn chưa về.
“Từ buổi trưa nay gió đã rất to, mưa lớn. Dân làng phải sơ tán đi cả chứ không ai dám ngồi trong nhà nữa” – chị Nguyệt lo lắng cho biết.
Mẹ con chị Nguyệt chạy bão. |
Hàng xóm chị Nguyệt, bà Hồ Thị Vừng (SN 1966, thôn Tân Thuận) vốn là góa phụ, một mình nuôi 5 người con. Ngôi nhà 6 mẹ con chị đang ở vốn là nhà tình thương, hiện cũng đã được chằng néo cẩn thận.
Guơng mặt lo lắng, chị Vừng cho biết: “Khiếp lắm chú à, mưa to gió lớn thế này không biết nhà tôi có sao không. Mấy mẹ con tôi chỉ biết dắt nhau lên trụ sở xã thôi”.
‘Trực chiến’ 24/24 tại trụ sở, ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết: “Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 28 năm qua tại địa phương. Chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng triển khai công tác phòng chống, sơ tán bà con nhân dân về các địa điểm kiên cố.
Trưa nay, gió bão đã giật vỡ hệ thống cửa kính hành lang của trụ sở xã, đúng lúc rất nhiều phụ nữ, trẻ em đang trú ẩn ở đây. Hiện các lực lượng vẫn đang bám sát tại cơ sở, sẵn sàng các phương án để hỗ trợ bà con nhân dân lúc bão đổ bộ”.
Ông Phạm Hữu Thảo, PCT UBND huyện Lệ Thủy cho biết thêm: “Toàn huyện có 3 điểm xã ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam. Tính đến trưa 30/9, Ban PCLB huyện đã triển khai sơ tán gần 200 hộ dân đến nơi an toàn, kêu gọi toàn bộ tàu bè hoạt động trên địa bàn về nơi trú ẩn”.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TU, hồi 15 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đi sâu vào đất liền các tỉnh Hà Tĩnh – Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 03 giờ ngày 01/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu thành một vùng áp thấp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.