(HNM) - Dù được dự báo có cường độ không quá lớn (cấp 9) nhưng cơn bão số 1 với lượng mưa lớn kèm theo gió giật mạnh cấp 11-13 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh, thành phố. Hệ thống điện của nhiều tỉnh bị hư hỏng, gây mất điện trên diện rộng, úng ngập xảy ra ở nhiều nơi.
Các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Hà Nội đã tăng cường tối đa lực lượng, khẩn trương khắc phục sự cố, bảo đảm đời sống, sản xuất. Chiều tối 28-7, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi diễn biến thời tiết và khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân.
Cây đổ đè bẹp ô tô trên đường Hai Bà Trưng. Ảnh: Khánh Huy |
Cam Canh bật gốc, gãy cành tại xã Kim An, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Bạch Thanh |
Mất điện, ngập úng trên diện rộng
Nhận định về hậu quả do cơn bão số 1 gây ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, dù đã nỗ lực tối đa, nhưng thiệt hại do mưa bão gây ra vẫn rất nghiêm trọng. Theo Ban Chỉ đạo trung ương Phòng, chống thiên tai, tính đến cuối ngày 28-7, bão số 1 và hoàn lưu của bão số 1 đã làm 1 người ở Hưng Yên thiệt mạng, 1 người ở Thanh Hóa mất tích; 12 tàu bị chìm (7 tàu ở Nam Định, Hải Phòng 3 tàu và Thanh Hóa 2 tàu). Mưa lớn đã làm 196.200ha diện tích lúa bị ngập úng: Hà Nam (18.000ha), Thái Bình (50.000ha), Nam Định (78.000ha)… 20.794ha rau màu bị hư hại, trong đó Thái Bình và Nam Định bị thiệt hại nhiều nhất, mỗi tỉnh khoảng 8.000ha. Đáng nói, mưa gió đã làm hệ thống điện bị hư hại nghiêm trọng, gây mất điện trên diện rộng.
Sáng 28-7, toàn bộ khu vực tỉnh Thái Bình, Hà Nam bị mất điện. Tỉnh Nam Định có 85 đường dây trung thế, 3.069 trạm biến áp, 3.139 máy biến áp bị ảnh hưởng bão số 1, gây mất điện cho 675.000 khách hàng; 2.500 cột bị gãy, đổ; 5.700 cột bị nghiêng; 102km đường dây bị đứt; 1.400 xà và 6.000 bộ sứ bị hỏng… Tại Thái Bình, bão làm hàng trăm cột điện đổ, nghiêng, ngừng cấp điện 25 trạm bơm chống úng đầu mối. Công ty Điện lực Thái Bình đã khôi phục được 25 đường dây trung thế và khôi phục cấp điện cho 5 trạm bơm. Tại Thanh Hóa, khu vực Bỉm Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc bị mất điện; 4 đường dây 110kV bị ảnh hưởng, 225 TBA mất điện, tạm ngừng cấp điện hơn 22.100 khách hàng. Khu vực Bắc Ninh có 5 huyện, thị trấn bị mất điện một phần. Nhiều hệ thống đường dây trên địa phận Hòa Bình, Hải Phòng… cũng gặp sự cố. Đến tối 28-7, toàn tỉnh Nam Định vẫn gần như bị mất điện... Nhiều chuyến bay đi, đến Hà Nội đã bị hoãn, hủy do ảnh hưởng của mưa bão.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương khôi phục hệ thống lưới điện để có thể triển khai công tác bơm tiêu, chống úng cho các địa phương. Dù bão đã tan, nhưng hoàn lưu còn có thể gây mưa lớn ở nhiều địa phương, do vậy cần chủ động phương án đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
Trong khi hoàn lưu của bão số 1 còn chưa dứt thì ngoài khơi Philippines đang hình thành vùng thấp. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, dự báo nhiều khả năng vùng thấp này sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 29-7 và mạnh lên thành bão trong ngày 30-7 và có khả năng vượt qua đảo Luzon (Philippines) để đi vào Biển Đông. Theo ông Cường, năm nay bão xuất hiện muộn nhưng nhiều khả năng sẽ xảy ra dồn dập vào dịp cuối năm.
Mưa bão xảy ra trên địa bàn thành phố đã khiến 4 người bị thương. Theo thống kê tính đến 18h ngày 28-7, toàn thành phố có 5.644 cây xanh, 254 cột điện, hàng trăm biển quảng cáo bị gãy, đổ; 847 nhà bị tốc mái (310 nhà tạm, mái vảy); 25 nhà bị hư hỏng. Trong nội đô, 514 cây xanh do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh quản lý bị đổ, gãy cành. Đặc biệt, trên phố Núi Trúc, một cây xà cừ đường kính 100cm đổ ngang đường, đè vào một xe ô tô 7 chỗ. Tại phố Ngọc Hà, một cây đường kính 50cm đổ, đè lên một xe bán tải. Tại phố Hai Bà Trưng, ngã tư Trần Thánh Tông - Trần Hưng Đạo, phố Láng Hạ cây xanh cũng đổ đè lên ô tô. Trên địa bàn thành phố xảy ra 58 điểm ngập úng, 10 điểm ngập úng nặng, đến 17h đã hết úng ngập. Mưa bão còn gây ngập 2.615ha lúa, 108ha ngập trắng; 413,05ha hoa màu bị úng ngập… |
Xử lý kịp thời các sự cố, bảo đảm an toàn giao thông tại Hà Nội
Thực hiện nghiêm Công điện số 02 CĐ/BCH của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP Hà Nội, các cơ quan, ban, ngành, địa phương của thành phố đã triển khai lực lượng sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh. Nhờ đó, đã hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa bão. Sáng 28-7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã kiểm tra việc khắc phục hậu quả cơn bão số 1 trên địa bàn quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Tại các điểm kiểm tra, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng chỉ đạo các đơn vị huy động tối đa lực lượng, phương tiện khẩn trương di dời cây gãy, đổ để giải tỏa giao thông; phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế ùn tắc. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động phương án đối phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Vũ Kiên Trung, Công ty đã huy động toàn bộ công nhân cùng thiết bị, máy móc chuyên dụng ứng trực từ ngày 27-7. Ngay trong đêm 27 rạng sáng 28-7, Công ty đã giải tỏa hàng trăm cây xanh gãy, đổ cản trở giao thông trên các tuyến phố, trục đường chính. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng đã huy động lực lượng ứng trực từ 2h sáng 28-7. Sau bão, hơn 800 công nhân cùng 86 xe cơ giới đã có mặt tại hiện trường, thu dọn hơn 126 tấn rác, cành cây gãy.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, từ sáng 28-7, nhiều trạm bơm điều tiết như đập Thanh Liệt, Trạm bơm Đồng Bông I, Trần Phú, hầm chui Kim Liên, Giảng Võ, hồ Ba Mẫu… bị mất điện lưới, phải vận hành máy phát điện để phục vụ tiêu thoát nước. Thực hiện yêu cầu của UBND TP Hà Nội, Công ty đã triển khai lực lượng, thiết bị, xe, máy giải quyết thoát nước trên địa bàn quận Hà Đông. Đập Thanh Liệt cũng được mở để đưa nước về Trạm bơm Yên Sở, hỗ trợ thoát nước cho lưu vực bờ hữu sông Nhuệ và quận Hà Đông. Do mưa lớn, liên tục cùng với việc một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công nên đến thời điểm 6h ngày 28-7, úng ngập đã xảy ra tại đường Phạm Văn Đồng, Mạc Thị Bưởi, Minh Khai, Trường Chinh, Vũ Trọng Phụng, Hoàng Mai, Cự Lộc… với độ sâu 0,2-0,3m.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, bão số 1 đã ảnh hưởng trực tiếp 29 trạm biến áp phân phối; 70 vị trí bị cây gãy, đổ vào đường dây, làm nghiêng, đổ 89 cột điện trung, hạ thế, gây mất điện nhiều khu. Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã tập trung nhân lực, vật lực khẩn trương khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã huy động 100% lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ phân luồng, chỉ huy điều khiển giao thông và giúp nhân dân khi đi qua các khu vực ngập úng, cây đổ, bảo đảm giao thông thông suốt. Bên cạnh lực lượng CSGT, CATP đã chỉ đạo CA các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, đơn vị nghiệp vụ liên quan, huy động lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, dân quân tự vệ tham gia ứng phó thiên tai, bảo đảm TTATGT, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong đêm 27, sáng 28-7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn các phòng khu vực thuộc Cảnh sát PC&CC đã ứng trực đủ quân số, triển khai các biện pháp khắc phục sự cố do mưa bão gây ra…
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã huy động 180 cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực và dân quân tự vệ cùng 657 phương tiện, trang bị các loại tham gia khắc phục hậu quả do bão số 1 gây ra… Thành đoàn Hà Nội đã chỉ đạo 30 quận, huyện, thị đoàn, cùng Đoàn thanh niên các trường học, cơ quan trực thuộc huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia ứng trực cùng các lực lượng chức năng giải quyết, khắc phục sự cố do mưa bão...
Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão Ngày 28-7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1315/CĐ-TTg gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, các bộ, ngành liên quan về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 1. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp tiêu thoát nước chống ngập, úng bảo vệ diện tích lúa mới cấy và rau màu; chỉ đạo khôi phục sản xuất đối với những diện tích bị thiệt hại; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ, đập; khẩn trương khắc phục sự cố lưới điện tại các khu vực bị ảnh hưởng, nhất là tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và TP Hải Phòng, bảo đảm nguồn điện vận hành trạm bơm tiêu nước chống ngập úng, đồng thời phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông khắc phục nhanh các sự cố; bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến giao thông chính, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh ven biển và Đồng bằng Bắc Bộ đánh giá thiệt hại do bão số 1 gây ra, kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả. Các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh khu vực Tây Bắc, Việt Bắc tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 1314/CĐ-TTg ngày 27-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.