Không bảo quản bánh trưng bằng tủ lạnh
Không bảo quản bánh trưng bằng tủ lạnh
Rau quả tươi muốn dùng dần tốt nhất sau khi mua về không nên rửa nước. Hãy để khô và làm sạch bằng cách nhặt sạch rễ, bỏ lá sâu, vàng và bầm dập.
Cho vào các túi nilon sạch đục lỗ với mục đích duy trì hô hấp của rau quả ở mức thấp. Rau lá mềm như xà lách, có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh sẽ kéo dài thêm 3 - 5 ngày.
Không nên xếp nhiều đồ ăn trong tủ lạnh. |
Các loại củ không nhất thiết cần bỏ vào tủ lạnh. Chỉ cần xếp trực tiếp xuống sàn nhà chỗ râm mát như gầm giường, gầm chạn... để kéo dài đến 10 - 12 ngày. Nếu không có tủ lạnh, rau ăn lá vẫn để vào túi nilon đục lỗ và để chỗ khô, mát.
Thịt cá tươi muốn bảo quản sang các ngày khác mới ăn có hai cách: Bảo quản lạnh ở nhiệt độ từ 0 - 4 độC, cắt từng khúc thực phẩm ra vừa đủ dùng một bữa, gói vào túi bóng sẽ kéo dài được 3 - 5 ngày. Bảo quản lạnh đông, cắt khúc vừa dùng và cho vào ngăn đá tủ lạnh.
Nhiệt độ này có thể khiến thức ăn thành dạng đá, bảo quản được vài tháng. Trước khi chế biến cần có thời gian để đưa ra khỏi tủ và rã đông.
Giò chả nếu nguyên cây phải bảo quản ở 0 - 7 độC, dùng được 7 - 10 ngày. Khi đã cắt ra cần gói lại kín và sạch để hạn chế nhiễm khuẩn ở mức cao nhất. Nếu nhiệt độ môi trường dưới 25 độC, có thể treo riêng bên ngoài.
Ngày Tết, món thịt kho tàu, nấu đông được sử dụng nhiều. Nếu nấu nhiều, nên để riêng ra từng phần ăn hàng ngày và bảo quản lạnh giúp kéo dài được khoảng 1 tuần. Tránh để cả nồi to, mỗi lần ăn lại lấy ra một ít khiến thức ăn dễ ôi thiu hơn.
Bánh chưng không nên bảo quản tủ lạnh vì bị "lại gạo". Bánh nên treo chỗ thoáng mát, tránh chỗ nóng hay ẩm ướt. Nếu nhiệt độ dưới 20 độC có thể kéo dài được đến hơn 2 tuần. Nếu thời tiết nóng, bạn cũng nên bảo quản lạnh tuy nhiên khi ăn bạn cần luộc hoặc làm nóng lại.
Hải sản phải được làm sạch, bỏ ruột, mang và cho vào thùng ướp đá, thêm muối tỷ lệ 3 đá, 1 muối, sẽ giữ được 24 tiếng. Nên ăn hải sản trước 24 giờ để cảm nhận được vị tươi ngon.
Hộp bị phồng, méo là dấu hiệu thực phẩm hỏng
Tủ lạnh không nên sắp xếp quá chật chội và bừa bộn. Bởi xếp nhiều đồ ăn sẽ che mất phần đối lưu không khí của máy lạnh, khiến khí lạnh không thể tỏa xuống các ngăn khác chứa thực phẩm phía dưới. Vô hình trung, thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh nhưng vẫn bị ôi thiu, thậm chí nhanh hỏng hơn để ngoài trời.
Thực phẩm khi đưa ra sử dụng cần phát hiện hư hỏng, biến chất. Nếu thấy màu có sự biến đổi so với màu sắc nguyên bản hoặc bình thường vốn có cần xem xét lại có bị mốc xanh, vàng hay đỏ không.
Ngửi kỹ thực phẩm để phát hiện ra mùi chua hay thối nhẹ nếu có. Nếu có hiện tượng mốc, chua... cần loại bỏ để tránh nhiều nguy cơ như dị ứng, ỉa chảy hay tích luỹ trong cơ thể gây bệnh nan y.
Đối với thực phẩm được cho vào hộp sắt tây đóng kín (còn gọi là đồ hộp) như ba tê, thịt hầm... khi mua hoặc sử dụng cần kiểm tra phía ngoài hộp xem có hiện tượng phồng méo, chảy dịch hay không.
Hộp bị phồng chứng tỏ quá trình thanh trùng không tốt, vi khuẩn yếm khí phát triển mạnh. Nếu chảy dịch có thể mép nối đã bị hở, thực phẩm có nguy cơ ôi thiu cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.