(HNM) - Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều gia đình mua thực phẩm trữ trong tủ lạnh để sử dụng dần. Tuy nhiên, nếu bảo quản không đúng cách sẽ có thể gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tủ lạnh là nơi bảo quản đồ ăn của hầu hết các gia đình. Tuy nhiên, việc quá nhiều thức ăn để lâu, để chung đồ ăn sống và chín trong tủ lạnh là nguyên nhân dẫn đến các thực phẩm có thể nhiễm khuẩn chéo, gây ra ngộ độc thực phẩm. Các chuyên gia chỉ ra rằng, chỉ nên trữ thực phẩm (rau xanh, hoa quả...) ở trong tủ lạnh không quá 5 ngày, kể cả thịt, cá để trong ngăn đá. Bởi để thực phẩm quá lâu trong tủ lạnh có thể khiến chúng mất đi các chất dinh dưỡng.
Không nên để đồ ăn đã rã đông vào lại ngăn đá. Vì sau khi thịt rã đông, các tế bào của thực phẩm bị phá vỡ ít nhiều không còn được tươi ngon như ban đầu. Sau khi chế biến, lúc ăn thừa, nếu lại tiếp tục trữ đông tiếp thì các tế bào còn lại sẽ vẫn tiếp tục bị phá vỡ. Điều này là nguyên nhân khiến cho vi khuẩn sinh sôi thuận lợi hơn trong thực phẩm. Cần đậy nắp đồ ăn thừa để bảo đảm thức ăn không bị nhiễm các vi khuẩn ký sinh lan từ các loại thực phẩm với nhau, gây nhiều bệnh nguy hiểm về đường tiêu hóa.
Cách bảo quản thực phẩm đúng cách được các chuyên gia khuyên dùng, thực phẩm tươi sống trước khi đưa vào tủ lạnh cần làm sạch. Nên có kế hoạch về bữa ăn cụ thể để chuẩn bị thực phẩm. Dùng màng bọc thực phẩm kín, hoặc dập hút chân không để bảo vệ thực phẩm vì vi khuẩn phát triển trong môi trường không khí. Đồng thời, nên vệ sinh tủ lạnh một cách thường xuyên, bố trí thực phẩm trong tủ lạnh hợp lý, để riêng đồ ăn sống, chín và đậy nắp thức ăn thừa để tránh nhiễm khuẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.