(HNM) - Từ một bộ môn
Không thể ít hơn 7 HCV
Theo tính toán của giới chuyên môn, nếu đoạt được từ 7 đến 9 HCV tại SEA Games 26, đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ vào nhóm 3 đoàn dẫn đầu. Nếu đoạt từ 10 đến 12 HCV sẽ xếp thứ nhì và nếu được 15 HCV thì chắc chắn xếp thứ nhất.
VĐV Trương Thanh Hằng. |
Nếu căn cứ vào thực lực hiện tại của điền kinh Việt Nam, chỉ tiêu giành 7 HCV tại SEA Games 26 không hề viển vông dù rằng không dễ hoàn thành. Những thành tích mà Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện, Nguyễn Đình Cương giành được trong hai năm qua có thể là sự bảo đảm. Khả năng của Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện đã vươn đến nhóm đầu châu Á và hiện tại ở khu vực Đông Nam Á chưa xuất hiện gương mặt nào có thể soán ngôi của họ.
Dù vậy, khả năng thi đấu với phong độ tốt nhất của Vũ Thị Hương vẫn là dấu hỏi. Từ đầu năm đến nay, Hương hầu như không thi đấu ở các giải lớn vì phải chữa trị chấn thương. Đến tận lúc này, Hương vẫn chưa thể tập luyện với cường độ cao nên chưa ai biết cô sẽ đạt bao nhiêu phong độ vốn có tại SEA Games 26. Vấn đề hiện tại phụ thuộc vào phương pháp điều trị cũng như tiến độ hồi phục của Hương.
Ở nhóm cự ly trung bình, sự chuyển giao thế hệ đang diễn ra ở đội nam khi ban huấn luyện đang đào tạo các VĐV trẻ để kế thừa Nguyễn Đình Cương. Dương Văn Thái (Nam Định), 19 tuổi, đang nổi lên là gương mặt kế thừa sáng giá. Tại Giải vô địch quốc gia 2011, Dương Văn Thái đã vượt qua đàn anh Nguyễn Đình Cương ở cự ly 1.500m để giành HCV. Dù vậy, ở SEA Games 26, Nguyễn Đình Cương vẫn sẽ là gương mặt chủ chốt. VĐV người Ninh Bình này vẫn có khả năng đoạt cả 2 HCV cự ly 800m, 1.500m dù các VĐV Thái Lan, Malaysia đang vươn lên mạnh mẽ. Còn Dương Văn Thái vẫn là "của để dành" nên dù đàn anh Nguyễn Đình Cương có muốn dọn đường cho đàn em vươn lên đỉnh cao ngay tại SEA Games 26 cũng khó. Nhưng hai năm tới, nếu tiếp tục phát huy phong độ hiện nay, Dương Văn Thái sẽ là gương mặt đáng chú ý ở cự ly trung bình.
Nếu cứ "đếm cua trong lỗ" thì 4 VĐV chủ chốt trên sẽ giành tới 7 HCV cho điền kinh Việt Nam tại giải. Nếu có VĐV trong nhóm này sơ sảy thì người ta cũng có thể nghĩ đến những phương án bù đắp HCV khác, đều là VĐV trẻ, còn nhiều cơ hội phát triển như Nguyễn Thị Thúy (400m rào, Hà Nội, thậm chí có thể chạy tốt ở cự ly 200m), Dương Thị Việt Anh (7 môn phối hợp, Bạc Liêu), Lê Thị Phương (nhảy sào, Thanh Hóa), Nguyễn Thị Phương (3.000m vượt chướng ngại vật, Thanh Hóa).
Không thể có 2 trong 1?
Trong các VĐV điền kinh Việt Nam tham dự SEA Games 26, cái tên Trương Thanh Hằng sẽ được chú ý nhiều nhất bởi cô đang là gương mặt được kỳ vọng nhiều nhất của điền kinh Việt Nam trong việc giành chuẩn tham dự Olympic 2012. Nếu xét về cái danh, chỉ riêng việc giành vé tham dự Olympic theo suất chính mà không qua đặc cách đã là vinh dự rất lớn bởi từ trước đến nay, chưa VĐV điền kinh Việt Nam nào có vinh dự này.
Ngành thể thao biết vậy nên cũng đầu tư tối đa cho Trương Thanh Hằng cả về chế độ tập huấn lẫn chuyên gia nước ngoài. Nhưng chiếc vé tham dự Olympic 2012 vẫn chưa lọt vào tay Trương Thanh Hằng. Hy vọng giành vé đã được dồn vào Hằng khi dự Giải vô địch châu Á và Giải vô địch thế giới 2011 nhưng cuối cùng, tất cả đều bất thành. Vì vậy, ở một sân chơi ít tính cạnh tranh như SEA Games, ít nhiều người ta cũng hy vọng Hằng sẽ đoạt cả HCV lẫn chuẩn tham dự Olympic 2012.
Sẽ là tốt nhất nếu Hằng hoàn thành cả hai mục tiêu của mình. Nhưng nếu cô chỉ chọn một trong hai mục tiêu thì cũng không bất ngờ. Cũng có ý kiến lo ngại rằng khi cuộc thi ít tính cạnh tranh, Hằng sẽ không thể phát huy được hết khả năng nên khó giành chuẩn Olympic. Nhưng chính ở sân chơi SEA Games, đã có lần Hằng giành thành tích đạt chuẩn B Olympic.
Vũ Thị Hương cũng được kỳ vọng giành vé tham dự Olympic 2012 nhưng trong tình hình hiện tại, nếu Hương đoạt được HCV SEA Games 26 đã tốt lắm rồi.
Thế nên, việc có thực hiện được "2 trong 1" của Hằng và Hương tại SEA Games 26 vẫn bỏ ngỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.