(HNM) - Bảo hiểm xã hội là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, nên chính sách càng đi sâu vào đời sống, càng góp phần mở rộng lưới an sinh cho người dân, trong đó có người dân ở Thủ đô. Quá trình triển khai, thực hiện chính sách có sự đóng góp trực tiếp của lực lượng cán bộ, người lao động ngành Bảo hiểm xã hội cùng nhân viên thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Họ là những người có vai trò nối dài “nhịp cầu” an sinh.
Càng gần những ngày cuối năm, công việc của những người làm “cầu nối” an sinh càng bận rộn. Nơi đôn đốc thu, khắc phục tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, nơi tìm hướng phát triển số người tham gia các chính sách để hoàn thành mục tiêu của năm cũ, xây dựng kế hoạch phát triển cho năm mới 2023. Cùng với đó là những hội nghị, chương trình tư vấn giúp người dân hiểu rõ về các chính sách được triển khai qua nhiều kênh thông tin.
Cứ thế, những người làm công tác an sinh xuất hiện trên những phố phường, cung đường, phiên chợ, khu vực tập trung nhiều người lao động làm những công việc không có hợp đồng lao động hoặc qua mạng xã hội zalo, facebook… để chuyển tải những thông điệp nhân văn.
Đó là “Hãy tham gia bảo hiểm y tế để được chia sẻ gánh nặng khi ốm đau, bệnh tật”, “Bảo hiểm xã hội tự nguyện vì quyền lợi hưu trí của người lao động tự do”, “Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Vì an sinh xã hội, vì hạnh phúc muôn nhà”…
Bền bỉ đưa chính sách đến với người dân, năm 2022, nhiều đơn vị, địa phương đạt kết quả ấn tượng trong công tác phát triển số người tham gia, nhất là với bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thường Tín Trần Việt Trang cho biết, thời gian gần đây, trung bình mỗi tháng, huyện phát triển mới 70-80 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, duy trì đà tăng cao nhất trong 30 quận, huyện, thị xã, nâng tổng số người tham gia chính sách này lên gần 2.700 người.
Còn ở quận Tây Hồ, chị Đỗ Thị Thanh, chuyên viên Bảo hiểm xã hội quận cho hay: “Tôi và các đồng nghiệp đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động người dân tham gia các chính sách. Thêm một người dân hiểu rõ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là cánh cửa an sinh thêm rộng mở”.
Để người dân dễ dàng tiếp cận với điểm tựa an sinh, hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn Hà Nội đã, đang hoạt động với tinh thần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả. Mỗi cán bộ, người lao động vừa nỗ lực làm tốt công tác chuyên môn, nghiệp vụ, vừa ủng hộ, tham gia huy động nguồn lực xã hội giúp những người có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội tiếp cận với các chính sách.
Từ nguồn đóng góp bằng một ngày lương của cán bộ, người lao động của ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô cùng sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, hàng nghìn trường hợp có hoàn cảnh khó khăn phấn khởi đón nhận sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trước thềm xuân mới Quý Mão 2023.
“Cuốn sổ bảo hiểm xã hội mới được trao tặng là món quà ý nghĩa nhất mà tôi từng nhận. Nó giúp tôi có cơ hội nhận lương hưu khi về già, cũng là động lực giúp tôi cố gắng vượt lên khó khăn, có thu nhập ổn định để tham gia chính sách lâu dài”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, trú tại phường Phú Lương (quận Hà Đông) bày tỏ.
Cũng vì mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân tham gia các chính sách, ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp cùng các bên liên quan mở rộng, phát triển tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đến nay, Hà Nội có 3 tổ chức dịch vụ thu là: Bưu điện thành phố Hà Nội, Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Viettel Hà Nội, với gần 1.200 điểm thu và hơn 2.400 nhân viên thu, thông suốt từ thành phố tới cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Pha, nhân viên thu tại xã Vân Hà (huyện Đông Anh) kể: “Chế độ hưu trí có vai trò quan trọng đối với người cao tuổi, nên tôi cố gắng đưa chính sách đến với người dân bằng nhiều cách thức linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh. Kiên trì thực hiện, đến nay, tôi đã tuyên truyền, vận động được hơn 1.500 người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình, hơn 80 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện”.
Nhờ đó, đến cuối năm 2022, Hà Nội có gần 2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chiếm 40,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; bảo hiểm xã hội tự nguyện đến với hơn 73.000 người, bằng 1,5% lực lượng lao động trong độ tuổi và bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 92,9% dân số ở Thủ đô, tương ứng với hơn 7,7 triệu người tham gia…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.