Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm thất nghiệp: Nặng “bù” thiếu “ngừa”

Minh Bắc| 11/09/2014 09:14

(HNMO) - Bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn nhằm bù đắp cho người lao động giúp họ ổn định cuộc sống sau khi mất việc làm.

Người lao động rất cần sự bù đắp của bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh minh họa của Minh Bắc)



Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện rõ nét ưu việt về bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta nhưng khi thực hiện cũng đang chỉ ra những mặt hạn chế cần phải khắc phục. Hạn chế thường nằm ở những kẽ hở pháp luật mà người lao động có thể “lách” để hưởng bù đắp và xem nhẹ tính phòng ngừa.

Cụ thể, một số người lao động đã đóng đủ 12 tháng BHTN trong vòng 24 tháng liền xin việc nghỉ để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Bởi họ biết Luật quy định khi người lao động đóng BHTN đủ từ 12 đến 36 tháng thì đều được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, cùng một khung hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng thời gian đóng bảo hiểm lại quá lệch nhau nên họ đã lợi dụng kẻ hở này.

Một vấn đề nữa đó là quy định về độ tuổi hưởng chế độ BHTN chưa có giới hạn nên một số NLĐ hết tuổi lao động đủ điều kiện nhận lương hưu vẫn đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp, sau đó mới làm thủ tục hưởng lương hưu. Ngoài ra chế độ trợ cấp một lần cho NLĐ khi bị thất nghiệp, mà người ta thường hay nói là chính sách “một cục” cũng bị người lao động tận dụng triệt để.

Một người lao động thất nghiệp có thể nhận một lần trên 10 triệu đồng tương đương 6 tháng lương thất nghiệp theo đúng chế độ mặc dù họ đã tìm được việc làm chỉ sau một tháng thất nghiệp. Đây là một chính sách rất có lợi cho người lao động nhưng lại trái với mục đích của BHTN là nhằm hỗ trợ hoặc bù đắp một phần thu nhập bị thiếu hụt do mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động… Điều đó cũng lý giải hiện tượng người lao động vừa được hưởng chính sách hỗ trợ thất nghiệp lại lập tức xin quay trở lại làm việc thậm chí ngay tại nơi mình vừa xin nghỉ việc.

Tương tự, cũng có những trường hợp có người vừa mất việc làm vài ngày đã tìm ngay được việc làm mới nhưng họ vẫn đăng ký để nhận trợ cấp thất nghiệp mà cơ quan quản lý khó thể giám sát trong vòng 15 ngày sau khi người thất nghiệp đăng ký theo quy định.

Theo số liệu thông kê tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội từ 21/7/2014 đến 1/8/2014 và từ ngày 4/8/2014 đến ngày 8/8/2014 cho thấy, số người có quyết định hưởng BHTN hàng tháng là 1.559 người thì có đến gần 300 người có quyết định nhận trợ cấp “một cục”. Hầu hết những người nhận trợ cấp một lần đều có hợp đồng làm việc mới sau một thời gian ngắn thất nghiệp.

Nhìn chung, về chế độ bù đắp cho người thất nghiệp thì cả người lao động, người sử dụng lao động lẫn cơ quan quản lý lao động đều thực hiện rất tốt nhưng việc thực hiện chính sách ngăn ngừa nạn thất nghiệp nhờ quỹ BHTN thì đang bị xem nhẹ. Mà rõ ràng BHTN là một chính sách thị trường lao động cần gắn liền với các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động.

Trên thực tế ở các khu công nghiệp, khu chế xuất thì các xí nghiệp, công ty ở đây sàng lọc lao động rất mạnh mẽ, họ tuyển dụng nhiều nhưng cũng sa thải nhiều. Đối tượng bị sa thải thường là các lao động phổ thông, tay nghề, kỹ năng làm việc kém không đảm bảo yêu cầu cho doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) thì số tiền chi hỗ trợ học nghề cả năm 2010 là 202 triệu đồng, năm 2011 là 629 triệu đồng, năm 2012 là 2.421 triệu đồng và số tiền này chiếm tỷ lệ so với tổng số chi BHTN của từng năm theo thứ tự tương ứng là 0,033% , 0,05% và 0,086%. Và số liệu cập nhật của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội trong các khoảng thời gian nêu trên cũng chỉ có 12 người được hỗ trợ học nghề trong gần 1.559 người hưởng BHTN hàng tháng.

Với tỷ lệ và các con số được hỗ trợ đào tạo nghề như trên cho thấy tác động của chính sách hỗ trợ học nghề, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động thật chưa tương xứng. Họ viện ra nhiều lý do để không phải học nghề trong đó có lý do chính sách hỗ trợ kinh phí học nghề còn ít ỏi, nghề cần học còn thiếu…

Được biết, Luật việc làm có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015 sẽ hạn chế được một số hạn chế nêu trên. Ví dụ, chính sách “một cục” sẽ không còn mà thay vào đó là người lao động sẽ được hoàn trả lại thời gian đóng BHTN những tháng không phải nhận trợ cấp thất nghiệp cho lần tính tiếp sau nếu bị thất nghiệp. Tuy nhiên, về khung thời gian hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp nếu đóng đủ BHTN từ 12 tháng đến 36 tháng vẫn không thay đổi.

Để tăng tính phòng ngừa thất nghiệp thì Luật việc làm đã có những điểm mới nhằm hỗ trợ cho cả người sử dụng lao động lẫn người lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Và tiêu chí phân định người thất nghiệp cũng nên phù hợp với thị trường lao động Việt Nam. Quan trọng hơn nên có chính sách tăng thêm kinh phí hỗ trợ học nghề, tăng số ngành nghề cần thiết được hỗ trợ nhằm thu hút người đăng ký học nghề… Đồng thời, cũng cần đưa ra các chế tài bắt buộc người lao động, người sử dụng lao động trong việc tham gia khóa đào tạo, mở khóa đào tạo do đơn vị dịch vụ việc làm của Nhà nước thực hiện, nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, tránh tái mất việc làm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm thất nghiệp: Nặng “bù” thiếu “ngừa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.