Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo Hà Tây - một thời khó quên

Bằng Giang| 23/10/2022 08:06

(HNM) - Ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII "Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội", Báo Hà Tây hợp nhất với Báo Hànộimới, tạo thêm sức mạnh cho báo chí Thủ đô.

Trước đó, với bề dày lịch sử 43 năm xây dựng và phát triển kể từ thời điểm hai báo Hà Đông - Sơn Tây hợp nhất (tháng 5-1965) cho đến tháng 7-2008, trước khi hòa vào dòng chảy Hànộimới, Báo Hà Tây đã để lại trong lòng bạn đọc những dấu ấn khó quên. Các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên công tác tại Báo Hà Tây cũng không bao giờ quên những kỷ niệm của một thời tâm huyết với nghề ở một vùng “địa linh nhân kiệt”, “đất trăm nghề”.

Nhà báo Bằng Giang (thứ ba từ phải sang), cùng các đồng nghiệp trong Chi hội Báo Hà Tây đi thực tế tại huyện Mỹ Đức.

Những dấu ấn đáng nhớ

Ra đời trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam và chống chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ra miền Bắc (1965 - 1975), Báo Hà Tây đã thể hiện vai trò xung kích trong tuyên truyền, cổ động, tổ chức tập thể, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Báo đã tập hợp được đội ngũ những người cầm bút yêu nghề, lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ báo chí, tinh thông kỹ năng làm báo, sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống, lao động sản xuất và chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân ta, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quê hương.

Những năm chống Mỹ cứu nước (1965 - 1975), Báo Hà Tây đã xung kích phản ánh các hoạt động sản xuất, chiến đấu của quân và dân với nhiều gương điển hình “cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”, nhiều phong trào: “Phụ nữ Đan Phượng ba đảm đang với cánh đồng 5 tấn”, “chiếc gậy Trường Sơn” ở quê hương Hòa Xá, sản xuất vụ đông ở Bình Đà... Báo luôn hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới hình thức trong tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách, phát hiện và nhân rộng nhân tố mới, điển hình tiên tiên, gương người tốt - việc tốt. Thông qua các cuộc thi viết: “Nét đẹp đời thường”, “Gương người tốt, việc tốt”, “Nhân tố mới, điển hình tiên tiến”, “Ảnh thời sự báo chí - nghệ thuật”..., nhiều điển hình được phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng ra cả nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những thách thức mới với những trăn trở làm thế nào để vừa hòa nhập với thị trường báo chí, vừa phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Biên tập đã tổ chức các chuyến đi học tập, trao đổi kinh nghiệm với các báo bạn, sau đó chủ trương tăng lượng phát hành, bảo đảm cho các đối tượng cần đọc báo có đủ báo đọc; nâng cao chất lượng tờ báo nhưng vẫn giữ định hướng chính trị; không thương mại hóa nhưng mở rộng đề tài, đổi mới cách thể hiện, tăng lượng thông tin thông qua các chuyên mục vừa có tính giải trí lành mạnh, vừa có ý nghĩa xã hội sâu sắc như “Nét đẹp đời thường”, “Hương vị quê nhà”, “Chuyện xưa kể lại”, “Sự việc lời bàn”, “Viết theo yêu cầu bạn đọc”, “Sổ tay phóng viên”, “To nhỏ bảo nhau”... được bạn đọc quan tâm, yêu thích. Cùng với đó, công tác xã hội - từ thiện trở thành hoạt động thường niên, ngày càng khởi sắc, để lại dấu ấn tốt đẹp. Quỹ từ thiện xã hội của Báo đã hỗ trợ xây nhà ở cho cựu thanh niên xung phong, giúp đỡ nhiều người vượt khó vươn lên trong cuộc sống...

Tiếp nối truyền thống

Bước sang thập niên cuối của thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, Báo Hà Tây đã phát triển nhanh, mạnh theo hướng đổi mới, nâng cao chất lượng, trở thành một trong những cơ quan báo Đảng địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh, xứng tầm tờ báo trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, ven đô Hà Nội và là tờ báo Đảng địa phương điển hình về công tác phát hành báo, được nhiều báo Đảng các tỉnh, thành phố học tập kinh nghiệm.

Qua từng giai đoạn của công cuộc đổi mới, sự hòa nhập nhanh vào làng báo của cả nước đã tạo điều kiện cho Báo Hà Tây nhanh chóng trưởng thành, đánh dấu bước phát triển mới cả về quy mô và tầm ảnh hưởng, cả về hình thức và chất lượng nội dung các ấn phẩm. Trong 10 năm (từ 1991 đến 2000), Báo Hà Tây cơ bản phủ kín các chi bộ, đảng bộ và các cơ quan, xã, huyện, tỉnh. Từ chỗ xuất bản 2 kỳ/tuần, số lượng phát hành 8.000 tờ/kỳ, đến tháng 2-1994, Báo tăng lên 3 kỳ/tuần (số thứ bảy in 8 trang), số lượng phát hành 12.000 tờ/kỳ; năm 1997 tăng lên 13.500 tờ/kỳ; năm 1999: 14.000 tờ/kỳ; năm 2000: 16.000 tờ/kỳ.

Năm 2002, Báo tăng lên 4 kỳ/tuần; năm 2003 xuất bản 6 kỳ/tuần (số Hà Tây Cuối tuần 12 trang). Và chỉ trong 2 năm 2004 - 2005, Báo đã xuất bản 4 ấn phẩm: Hà Tây hằng ngày (8 kỳ/tuần, khổ rộng), Hà Tây Cuối tuần, Hà Tây hằng tháng, Hà Tây Điện tử. Xưởng in báo cũng được thành lập (năm 2005), khép kín các công đoạn từ tòa soạn đến in ấn, phát hành. Điều đó góp phần thúc đẩy lượng phát hành tăng vọt từ 18.000 tờ/kỳ (năm 2001) lên 19.500 tờ/kỳ (năm 2003), lên 21.000 tờ/kỳ (năm 2004) và 22.000 tờ/kỳ (năm 2005).

Với những thành tích nổi bật, năm 1995, Báo Hà Tây vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2003 nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và năm 2005 đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Từ ngày 1-8-2008 đến nay đã tròn 14 năm Hà Tây - Hà Nội thành “một nhà”. Trong “ngôi nhà chung” số 44 Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hà Tây (cũ) đã luôn nỗ lực rèn nghề, đổi mới phong cách làm báo, kề vai sát cánh cùng các đồng nghiệp Hànộimới, góp phần xây dựng, phát triển Báo Hànộimới xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, xứng đáng với vai trò “Tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Báo Hà Tây - một thời khó quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.