1. Câu chuyện giữa tôi và bác xe ôm ở ga Nam Định trên đường về Bình Lục (Hà Nam) quanh đi quẩn lại cũng quay về bóng đá. Ở Nam Định, bóng đá vẫn luôn là chủ đề khiến khách tỉnh ngoài và người dân địa phương, nhất là cánh đàn ông, dễ gần nhau nhất.
Không như vài năm trước, người ở đây kém hào hứng hơn khi nói về bóng đá tỉnh nhà. Cũng chẳng lạ vì sau 10 năm thi đấu ở hạng cao nhất của giải chuyên nghiệp, CLB Nam Định đã phải xuống hạng một cách tâm phục khẩu phục. Bác xe ôm kể rằng đã chứng kiến bao thăng trầm của bóng đá Nam Định và cho dù không đến mức tuần nào cũng phải tới sân Thiên Trường để thỏa cơn khát bóng đá thì cũng không tránh khỏi cảm giác thất vọng khi đội bóng Thành Nam xuống hạng. Ông thủng thẳng: "Cơ chế ở đây không thoáng khiến cầu thủ giỏi bỏ đi hết. Như thế trụ hạng sao được! Cứ đà này chẳng biết khi nào mới trở lại hạng chuyên nghiệp?"!
2. Bác xe ôm kia buồn một, chắc những cổ động viên nhiệt thành của Nam Định buồn mười. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch CLB Những người yêu bóng đá Nam Định đến lúc này vẫn chưa nguôi ngoai. Hơn 20 năm nay, từ lúc Công nghiệp Hà Nam Ninh (tiền thân của CLB Nam Định) vô địch quốc gia, hầu như ông không bỏ sót trận nào của đội bóng quê hương trên sân Chùa Cuối (sau này đổi tên thành Thiên Trường). So với lần xuống hạng gần đây nhất của Nam Định, lần này nỗi buồn của ông có vẻ sâu đậm hơn vì đây cũng là năm mà ông và các cổ động viên được quan tâm nhiều nhất. Ông bảo rằng, trước đây hoạt động của cổ động viên Nam Định khá tự phát, không có quần áo đồng phục, thiếu dụng cụ cổ vũ và hầu như không đi tỉnh xa cổ vũ được vì thiếu kinh phí. Cuộc hợp tác giữa bóng đá Nam Định với nhà tài trợ Megastar hồi đầu mùa đã khiến hoạt động của cổ động viên Nam Định bài bản và chuyên nghiệp hơn. Với sự hỗ trợ của Megastar, CLB Những người yêu bóng đá Nam Định được thành lập, thành viên CLB được trang bị quần áo, dụng cụ cổ vũ và có kinh phí đi cổ vũ khắp miền Bắc, miền Trung. Như ông Tuấn nói thì trong cái năm mà cổ động viên Nam Định được quan tâm nhiều nhất, đội bóng thân yêu lại xuống hạng.
3. Ở Nam Định, tấm lòng của người hâm mộ là vậy. Chẳng gì, bóng đá cũng ăn vào máu người ở đây lâu lắm rồi và không lạ khi có lúc sân Thiên Trường được coi là "chảo lửa". Có điều, niềm tự hào về thể thao Nam Định như bóng đá, bóng bàn ngày một ít đi. Bóng bàn Nam Định từ lâu đã im hơi lặng tiếng trên bản đồ bóng bàn quốc gia trong khi bóng đá cũng vào giai đoạn thoái trào vì cung cách quản lý không theo kịp tốc độ phát triển chung. Người hâm mộ không thể can thiệp vào chuyện điều hành, quản lý. Họ chỉ có thể vui cùng thành công và gặm nhấm nỗi buồn với thất bại của đội nhà. Kết thúc câu chuyện của mình, từ bác xe ôm tới ông Tuấn đều tin vào quy luật hình sin trong cuộc sống, vào sự trở lại của bóng đá thành Nam như bóng đá Hải Phòng, Hà Nội thời gian gần đây. Nhưng không biết bao giờ bóng đá Nam Định mới trở lại mạnh mẽ ở sân chơi chuyên nghiệp, để không phụ lòng những cổ động viên kia, nếu cứ đà này?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.