Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ minh bạch thù lao "khủng" của ca sĩ?

Thụy Du| 22/04/2013 06:13

(HNM) - Câu chuyện về việc UBND TP Đà Nẵng từ chối mời ca sĩ Mỹ Tâm biểu diễn trong


Nỗi niềm muốn tỏ

Khi báo chí và công chúng lên tiếng rằng mức thù lao 6.000 USD cho 2 đêm diễn (mỗi đêm 1 bài) là quá cao và như thế, ca sĩ Việt thu nhập gấp cả trăm, cả nghìn lần người lao động bình thường, thì giới làm nghề cũng ồn ào thanh minh rằng, số tiền trăm triệu một đêm diễn không phải vào túi họ hết. Đối với các "sao" ăn khách hạng nhất trên thị trường thì một đêm diễn nhà tổ chức phải chi cho họ từ 3.000 đến 8.000 USD là chuyện bình thường, bởi họ phải khổ công luyện tập, xây dựng tên tuổi và được công chúng yêu mến thì mới được "hưởng" mức thù lao đẳng cấp ấy.

Các giao dịch trên thị trường âm nhạc rất cần được thực hiện minh bạch qua ngân hàng.
Ảnh: Phú Hưng


Còn đơn vị tổ chức cũng được lợi khi mời họ biểu diễn nên lâu nay không hề phàn nàn. Để đạt được mức thù lao "khủng", ca sĩ phải đầu tư rất nhiều từ chọn bài hát, làm việc với tác giả, phối khí, tập với ban nhạc, vũ đoàn, mua sắm trang phục biểu diễn cho mình và vũ đoàn... Ca sĩ N.H cho biết: "Nhận catse trọn gói, ca sĩ phải lo mọi việc. Nếu đi tỉnh xa, ban tổ chức có khi chỉ trả tiền vé máy bay, tiền phòng cho ca sĩ, còn ca sĩ phải "bao" hết cả người quản lý, vũ đoàn (nếu có), người trang điểm, làm tóc...". Ca sĩ M.H chia sẻ: "Mỗi lần xuất hiện trước công chúng, cho dù hát một bài, ca sĩ cũng phải mang đến hình ảnh khác, từ trang phục, đầu tóc, phụ kiện đến phong cách biểu diễn. Thậm chí, theo yêu cầu của ban tổ chức, còn phải tập lại bài, thuê người phối khí theo phong cách khác. Những việc này tốn hàng chục triệu đồng". Ngày càng có nhiều ca sĩ xây dựng một ê kip làm việc và trả công xứng đáng cho họ. Ngoài phần chi phí cho từng show diễn, ca sĩ còn phải chi cho các hoạt động bên lề để quảng bá và "hâm nóng" vị trí của mình trong lòng người hâm mộ như họp fans (người hâm mộ), duy trì website, chụp ảnh, quay clip mới tung lên mạng, tổ chức hoạt động từ thiện...

Chưa hẳn đã rạch ròi

Dù phải chi phí nhiều nhưng ca sĩ Việt hiện vẫn "hào nhoáng" và thuộc tầng lớp có thu nhập cao bậc nhất. Họ cũng là đối tượng hàng đầu phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở mức cao nhất (35%). Song thực tế, ca sĩ hiện có nhiều cách để "lách" luật, không phải đóng thuế quá cao mà vẫn không phạm pháp.

Phần lớn các "sao" Việt đều lập công ty riêng để quản lý, lo công việc tổ chức và quan trọng hơn là… giảm thuế. Một cán bộ ngành thuế từng quản lý thuế thu nhập cá nhân của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ cho biết, tất cả giao dịch với ca sĩ đều qua công ty và công ty sẽ ký hợp đồng lại với ca sĩ ở mức thù lao cực thấp. Khi đó, hợp đồng có giá trị lớn sẽ được trừ đi mọi chi phí bao gồm trả lương nhân viên, đội ngũ trợ lý, tiếp khách, đi lại, hoạt động hành chính... thì chẳng còn bao nhiêu. Và thêm nữa, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ ở mức 25%. Cách làm này không trái luật. Trên thực tế, các công ty này hầu hết do người nhà ca sĩ đứng ra thành lập và quản lý. Vì vậy, tiền đâu vẫn quay về đấy cả. Chính vì "tá hỏa" với việc phải nộp thuế thu nhập cá nhân quá cao, mà Mỹ Linh gần như là người đầu tiên trong giới ca sĩ ở miền Bắc lập công ty riêng (khoảng năm 2005), "đỡ đần" được cho mình rất nhiều tiền thuế. Ở trong Nam, ca sĩ lập công ty riêng sớm hơn và ngày càng rầm rộ, kể cả các ca sĩ mới nổi. Vì thế, vài năm nay, thuế thu nhập cá nhân của ca sĩ không còn ở mức "khủng" như trước. Riêng các ca sĩ hát nhạc "đỏ" hiện nay có thù lao khoảng 15-50 triệu đồng một bài hoặc một chương trình như Trọng Tấn, Anh Thơ... thì khác. Vì họ hoạt động trong cơ quan nhà nước nên không thể lập công ty riêng. Do đó, họ là đối tượng phải đóng thuế thu nhập cá nhân tương đối cao.

Một vấn đề nữa là hầu hết ca sĩ đều hợp đồng miệng và nhận thù lao bằng tiền mặt nên cơ quan thuế khó lòng lần ra con số thu nhập chính thức. Nếu có ký hợp đồng thì "luật bất thành văn" là chỉ kê khoảng bằng 1/5 hoặc 1/10 catse thực tế. Cơ quan thuế theo chứng từ mà tính thuế thì đương nhiên chỉ thu được 1/10 con số đáng thu. Một bầu sô ở Hà Nội tiết lộ: "Nếu ban tổ chức kê giá trị thực, ca sĩ sẽ không đồng ý xuất hiện vì thế phải "tặc lưỡi" lách luật cho họ thôi". Đấy là chưa kể việc ca sĩ không kê khai đầy đủ các show diễn của mình.

Nếu như tất cả các giao dịch trên thị trường âm nhạc nói chung đều thực hiện minh bạch qua ngân hàng, nếu như mỗi người hoạt động trong lĩnh vực giải trí thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, thì câu chuyện catse "khủng" của ca sĩ đã không ồn ào đến như thế!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ minh bạch thù lao "khủng" của ca sĩ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.