Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ hết cảnh “ăn đong”?

Mai Hoa| 28/08/2011 06:23

(HNM) - Ai cũng biết, muốn đạt thành công trong thể thao (TT) đỉnh cao thì nhất thiết phải có sự lựa chọn, cân nhắc, đầu tư có trọng điểm chứ không thể dàn trải. Nhưng đầu tư trọng điểm đến đâu, có thực sự phải đầu tư tới nơi tới chốn hay không lại là chuyện khác.

Đáng tiếc, tình trạng đầu tư nửa vời vẫn còn xuất hiện đây đó trong đào tạo và thi đấu TT đỉnh cao, để lại những hệ lụy không đáng có, mà rõ nhất là ảnh hưởng đến thành tích của VĐV ở những đấu trường lớn.

Những chuyện có thật

Từ ngày 26-8 đến 6-9, đội tuyển đua thuyền Rowing Việt Nam tham dự Giải VĐTG tại Slovenia. Đoàn đi mà không thể mang theo thuyền thi đấu, một phần vì kinh phí eo hẹp. Nghĩa là, VĐV của ta sẽ phải mượn trang thiết bị của BTC, được thế nào hay thế đấy, dẫu có phải mượn thuyền kém chất lượng so với đối thủ cũng đành ngậm ngùi chấp nhận. Nghĩa là, chỉ số chuyên môn của VĐV cầm chắc bị ảnh hưởng do không thể thi đấu với trang thiết bị tốt, quen thuộc. Chuyện rất đáng nói bởi giải đấu này là cơ hội để VĐV ta tích điểm, đạt chuẩn tham dự Olympic London 2012. Nếu lọt vào nhóm 7 nước dẫn đầu, Rowing Việt Nam nhiều khả năng có VĐV được góp mặt tại đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh.

Trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đua thuyền Rowing được xếp vào nhóm đầu tư trọng điểm thứ hai nhưng không được ngành thể thao quan tâm, chăm chút đến nơi tới chốn. Ảnh: Ngọc Trường

Trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đua thuyền Rowing được xếp vào nhóm đầu tư trọng điểm thứ hai. Tại ASIAD 16 - Quảng Châu năm 2010, Rowing Việt Nam đã đoạt 2 HCB, nghĩa là một đội tuyển giỏi, có cơ hội ở đấu trường lớn nếu được chăm chút tới nơi. Ấy vậy mà...

Chuyện đầu tư nửa vời như với đội Rowing không phải là chuyện hiếm. Đây đó đã có chuyện đội đi thi đấu nước ngoài, có HLV quản lý đi theo thì chuyên gia ngoại trực tiếp huấn luyện phải ở nhà, đơn giản là vì không đủ kinh phí. Kỳ thủ Lê Quang Liêm, người vừa bảo vệ thành công ngôi á quân tại giải đấu danh giá Dortmund - giải dành cho các siêu đại kiện tướng thế giới, nghĩa là Liêm thực sự là niềm tự hào của thể thao Việt Nam - cũng phải đơn thương độc mã, tự thân vận động, chỉ có sự hỗ trợ không nhiều từ cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, cờ vua cũng thuộc nhóm 2 trong việc phân môn đầu tư trọng điểm.

Ngay với môn thuộc nhóm đầu tư trọng điểm số 1 là cầu lông cũng không có ngoại lệ. Nguyễn Tiến Minh, tay vợt số 1 Việt Nam, luôn giữ vị trí khá ổn định ở top 10 thế giới trong thời gian qua, cũng phải dựa rất nhiều vào sự hỗ trợ từ gia đình mới có được thành công như hiện nay.

Nhờ có sự đầu tư đúng hướng, trong những năm qua, kỳ thủ Lê Quang Liêm (ảnh trên) và tay vợt Nguyễn Tiến Minh đã thi đấu xuất sắc, là niềm tự hào của thể thao Việt Nam.

Có phải cái khó bó cái khôn?

Đúng là ngành thể thao gặp khó, bởi "mức độ đầu tư hiện nay vẫn chưa thỏa đáng nhu cầu phát triển TDTT trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về thành tích thi đấu giữa các quốc gia trong khu vực, châu lục và thế giới" (theo Chiến lược phát triển TDTT đến 2020). Vì vậy, dù là môn trọng điểm nhưng nhiều khi VĐV vẫn phải chịu thiệt thòi.

Có điều, nếu khéo "liệu cơm gắp mắm", linh hoạt hơn trong cách đầu tư, cái khó không thể bó cái khôn mãi. Nhưng nhiều khi, công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan quản lý TDTT các cấp đối với hoạt động TDTT cơ sở chưa thường xuyên sâu sát. Đặc biệt là nhiều người vẫn chưa có chuyển biến về nhận thức phát triển thể thao thành tích (TTTT) cao, vốn nên mạnh tay với những gì được coi là trọng điểm để VĐV có thể

phát huy tối đa khả năng ở những thời điểm quyết định, ở những giải đấu mà VĐV giành được huy chương thì phần thưởng ấy không chỉ có giá trị bằng bao huy chương "ao làng" khác, mà còn kích thích phong trào tập luyện và thi đấu một cách rộng rãi.

Sự đầu tư không đủ mức có thể dẫn đến chuyện "cầm vàng lại để vàng rơi", như trường hợp xạ thủ Hoàng Quốc Vinh bắn trượt ở loạt quyết định giành HCV ASIAD 2010. Ban đầu, "sự cố" được giải thích là vì Vinh bị áp lực tâm lý, nhưng sau, HLV trưởng đội tuyển Bắn súng Nguyễn Thị Nhung bật mí là "Vinh toàn phải bắn vào bia giấy ở nhà, nên khi bắn bia điện tử thì căn không chuẩn". Hay như trường hợp của võ sĩ Nguyễn Hoài Thu, đang thắng như chẻ tre thì bị đối thủ qua mặt vì khéo sử dụng tiểu xảo. Nếu được thi đấu cọ xát nhiều ở các đấu trường lớn, Thu đã không bị thua một cách vô cùng đáng tiếc như vậy.

Nếu được quan tâm đầu tư đúng hướng, các VĐV đoàn thể thao Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để giành vinh quang về cho Tổ quốc. Ảnh: Viết Thành

Đi đúng đường

Cần thực hiện đúng chiến lược về TTTT cao, trong đó xác định rõ: "Xu thế quốc tế trong phát triển TT đỉnh cao, các quốc gia có xu hướng điều chỉnh thu hẹp số môn chủ đạo, số lượng VĐV có tiềm năng giành huy chương để đầu tư có trọng điểm nhằm mục tiêu giành HCV Olympic; có sự thay đổi quan niệm trong huấn luyện TT truyền thống như tối ưu hóa phương thức huấn luyện, nâng cao trình độ thi đấu của VĐV trong thời gian ngắn". Phải ưu tiên đầu tư cho các môn thể thao, VĐV trọng điểm, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống chính sách đãi ngộ đối với các VĐV trọng điểm (lương, thưởng, bảo hiểm, các danh hiệu vinh dự, chế độ ưu đãi về học tập, việc làm, chữa trị chấn thương và bệnh tật trong và sau quá trình tập luyện, thi đấu, đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp...).

Đường hướng đã có. Nhưng thực hiện như thế nào, các bước đi cụ thể ra sao lại phụ thuộc vào các nhà quản lý trực tiếp.

Theo chiến lược gia Hoàng Vĩnh Giang, việc xác định vị trí của TTVN tại đấu trường SEA Games, nhất là ASIAD trong giai đoạn hiện nay, sau những cải tổ về điều lệ của ASIAD là rất cần thiết. Phải xác định đấu trường Olympic là ưu tiên, sau đó thêm vài môn ở đấu trường ASIAD. Do đó, nói một cách hình ảnh, phải xác định rõ "cara" cho những tấm HCV, tức là nhận định tỷ lệ vàng trong mỗi tấm HC để có sự đầu tư đúng hướng. Tại ASIAD 16-2010, nếu xét về số lượng HCV, Việt Nam xếp thứ 24 châu lục và xếp thứ 7 Đông Nam Á, sau cả Mianma! Nhưng nếu xét về tổng số HC đạt được, Việt Nam sẽ xếp thứ 13 châu lục và xếp thứ 3 Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan và Malaysia. Nói thế để thấy chỉ cần đổi màu một vài tấm HCB là kết quả đã rất khác. Vậy nên việc đầu tư trọng điểm một cách rốt ráo, đến nơi đến chốn là vô cùng quan trọng để TTVN có thể đuổi kịp các quốc gia châu lục và thế giới.

Có một thực tế là nhiều địa phương không mấy mặn mà cho VĐV đi thi đấu quốc tế để tích điểm qua vòng loại Olympic, vì tốn kém nhiều mà chẳng chắc có huy chương. Nhiều nơi tìm cách không đưa VĐV lên tập huấn cho ASIAD, thậm chí chủ động điều chỉnh điểm rơi phong độ VĐV khác hẳn yêu cầu của đội tuyển quốc gia, cốt sao giành "vàng" trong nước về cho địa phương. Chính vì vậy, công tác xây dựng lực lượng VĐV cho TTTT cao cần phải mang tính chất liên thông. Liên thông trong đào tạo cho Đại hội TDTT toàn quốc, cho SEA Games, ASIAD và cuối cùng là Olympic. Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, rất cần có cơ chế phù hợp lợi ích giữa địa phương và quốc gia, ví như các địa phương có VĐV lọt qua vòng loại Olympic 2012 sẽ được tính đoạt 1 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 (chu kỳ Đại hội 4 năm/lần). Như vậy, các tỉnh, thành, ngành sẽ mạnh dạn đầu tư tìm, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia, và cũng chính là cho cả địa phương, bảo đảm "ích nước lợi nhà".

Địa phương cùng vào cuộc với ngành, cái khó về kinh phí cũng sẽ được tháo gỡ đáng kể. Khi ấy, chắc sẽ đỡ cảnh đầu tư trọng điểm... nửa vời!

Ý kiến chuyên gia

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh:

Việc đầu tư trọng điểm đã được đề cập trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020. Không thể đầu tư rốt ráo hết mức cũng là điều phải chấp nhận, bởi cộng 2 nhóm môn trọng điểm đã là 32 môn. Ngân sách có giới hạn, chia cho những 32 môn, nên chuyện đây đó, môn này môn kia gặp khó về kinh phí là đương nhiên. Ở nhiều nước, số môn trọng điểm được thu hẹp hơn nhiều, như thế, cơ hội tiệm cận và giành thành tích cao sẽ cao hơn.

Tôi được biết ở một số nước cho địa phương "làm điểm" những môn phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhân lực của họ. Mỗi địa phương chỉ làm vài môn và đầu tư thật mạnh tay. Lãnh đạo ngành làm việc với lãnh đạo địa phương, hễ đồng ý thì làm các môn ấy, lo gì chuyện đầu tư trọng điểm không đến nơi đến chốn!

Thu Minhghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ hết cảnh “ăn đong”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.