Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bao giờ chinh phục thế giới?

Thế Dũng| 16/09/2011 06:22

(HNM) - Một trong những điều kiện để có thể đưa nền khoa học, công nghệ (KHCN) Việt Nam hội nhập quốc tế chính là việc phải có được những tạp chí khoa học (TCKH) được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá cao, lọt vào danh sách xếp hạng các TCKH quốc tế theo chỉ số trích dẫn của Viện Thông tin khoa học Thomson ISI công nhận.


Phần lớn các tạp chí khoa học ở Việt Nam được in để phát hành nội bộ.

Theo GS Nguyễn Khoa Sơn (Viện KHCN Việt Nam), Việt Nam chưa có tạp chí KHCN nào lọt vào danh sách xếp hạng các TCKH quốc tế theo chỉ số trích dẫn. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... đã làm được điều này. Việc xuất bản các tạp chí trong nước theo chuẩn quốc tế là yếu tố quan trọng góp phần hỗ trợ và thúc đẩy nội lực KHCN của đất nước, đặc biệt là hỗ trợ nhiệm vụ trao đổi, hợp tác quốc tế về KHCN.

Có thực tế là hầu hết các ngành khoa học, hội KHCN chuyên ngành, trường ĐH, viện nghiên cứu đều có ít nhất một tập san hoặc TCKH. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy cả nước có hàng trăm tạp chí như trên. Rất nhiều tạp chí đang sống trong tình cảnh "lay lắt" khi thiếu những bài báo có chất lượng, ấn phẩm ra không định kỳ và ít được cộng đồng khoa học chuyên ngành trong nước quan tâm chứ chưa nói là có tiếng vang trên trường quốc tế. Đặc biệt, số bản in của các tạp chí này thường ít, chủ yếu được lưu hành nội bộ. Ở chiều ngược lại, nhiều nhà khoa học Việt Nam có kết quả nghiên cứu tốt và có kinh nghiệm viết các bài báo quốc tế thường gửi các bài tốt nhất của mình đăng trên các tạp chí có uy tín của nước ngoài chứ ít khi "ưu tiên" đăng ở tạp chí trong nước.

GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan - Australia) cho rằng, các TCKH Việt Nam hiện đang gặp phải hai vấn đề, đó là: Không có cơ chế bình duyệt và không có những bài nghiên cứu có chất lượng. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ, khả năng trình bày kết quả nghiên cứu của nhà khoa học Việt Nam chưa tốt, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng tạp chí...

Trên thế giới hiện có hàng trăm nghìn TCKH, nhưng chỉ có khoảng 16.000-17.000 tạp chí được xếp vào danh mục của Thomson ISI. TCKH của nước ta chưa đáp ứng được thông lệ quốc tế nên chưa vào được danh sách của Thomson ISI là điều không khó hiểu. Đó là điều đáng buồn và đáng tiếc với nền KHCN của nước nhà. Điều này đồng nghĩa với đòi hỏi phải nâng cấp chất lượng các TCKH hiện có theo chuẩn quốc tế là việc không thể trì hoãn.

"Quốc tế hóa" bằng cách nào?

GS-TS Nguyễn Văn Thuận (ĐH Konkuk - Hàn Quốc), người có hàng chục công trình khoa học công bố trên các TCKH uy tín quốc tế cho rằng: Muốn có TCKH chất lượng, trước hết phải có hội đồng khoa học gồm các chuyên gia có uy tín. Hội đồng này phải hoạt động tốt trong ít nhất 3-5 năm, tức là có cơ chế bình xét bài báo khoa học thật sự công tâm để có được những TCKH chất lượng. Tiền không phải là động lực để tạp chí đăng bài nếu tác giả của nó không có những kết quả nghiên cứu tốt. Việc có những bài báo chất lượng, được sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học hàng đầu sẽ đồng nghĩa với việc có sự quan tâm của các chuyên gia quốc tế. Đây sẽ là điều kiện để TCKH có "chỗ đứng" và vị thế của nhà khoa học cũng tăng lên. "Tôi cho rằng, nếu có hội đồng biên tập tốt thì chỉ khoảng 2-3 năm, Việt Nam sẽ có tạp chí lọt vào Thomson ISI. Nhà nước sẽ không làm được, trường ĐH không làm được điều này mà quan trọng nhất là các nhà khoa học phải ngồi lại, nhìn nhận nghiêm túc về TCKH mới hy vọng tình hình sẽ tốt hơn" - GS Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, để Việt Nam có TCKH góp mặt trên trường quốc tế thì Bộ KHCN cần có một cơ sở dữ liệu quốc gia, liệt kê tất cả những bài báo khoa học đã công bố trên các TCKH Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX, thậm chí là từ thế kỷ XIX (nếu có). Giới khoa học Việt Nam rất cần cơ sở dữ liệu này cho nghiên cứu. Điều này đồng nhất với thông lệ quốc tế, đó là mỗi khi một tập san trong thư mục ISI công bố một bài báo thì chi tiết bài báo đó (tác giả, tựa đề, keywords, tên tạp chí, số trang...) đều được đưa vào cơ sở dữ liệu. Bất cứ ai trên thế giới có truy cập internet đều có thể đọc phần tóm tắt bài báo, trong một số trường hợp có thể đọc nguyên văn bài báo đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới gần đây, GS-TSKH Ngô Bảo Châu (Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán) cho biết, Viện sẽ không ra một TCKH riêng rẽ mà sẽ trợ lực để các tạp chí toán học của Việt Nam nâng cao chất lượng bằng cách mời nhiều nhà toán học giỏi của thế giới đến dự hội thảo, sau đó công bố trên các tạp chí của Việt Nam.

Gần đây, có nhiều động thái để thấy rằng, các cấp quản lý đã dành nhiều quan tâm đến việc "nâng tầm'' chất lượng một số TCKH của nước nhà. Cụ thể như Viện KHCN Việt Nam từ năm 2010 bắt đầu thực hiện đề án nâng cấp chất lượng 3 tạp chí để đạt chuẩn quốc tế ISI là: Advances in Natural Sciences, Vietnam Journal of Mathematics (VJM) và Acta Mathematica Vietnamica. Đây là ba tạp chí về toán học, cơ học và vật lý, thời gian qua đã có tiếng vang nhất định trong cộng đồng khoa học quốc tế. Theo Viện KHCN Việt Nam, nhờ nâng cấp các hội đồng biên tập nên một số tạp chí đã được nhiều tác giả nước ngoài từ châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga... gửi bài đăng. Đặc biệt, trong 5 năm liên tục gần đây, tạp chí VJM có tới 50-60% số bài gửi đăng là của tác giả nước ngoài. Viện đặt mục tiêu đến năm 2014, các tạp chí này sẽ được đưa vào danh sách của Thomson ISI.

Con đường để đưa các TCKH đạt tầm quốc tế không dễ dàng, đòi hỏi phải có thời gian, sự đầu tư thích đáng của Nhà nước cũng như nỗ lực của các nhà khoa học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ chinh phục thế giới?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.