Tại hội thảo “Nói không với hoóc môn kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi” do Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam tổ chức gần đây, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) miền Nam đã công bố nghiên cứu khiến người tiêu dùng giật mình.
Chăm sóc đàn gà đẻ tại một hộ nông dân ở xã Uy Nỗ (huyện Đông Anh). Ảnh: Trung Kiên |
Tại hội thảo “Nói không với hoóc môn kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi” do Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam tổ chức gần đây, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) miền Nam đã công bố nghiên cứu khiến người tiêu dùng giật mình, đó là tình trạng sử dụng hoóc môn kích thích tăng trưởng (có ảnh hưởng tới sức khỏe con người) trong chăn nuôi đang ở mức báo động.
Đã cấm, nhưng...
Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản pháp quy về việc quản lý, sử dụng thức ăn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy chế nêu trên ở nhiều địa phương chưa thực sự nghiêm túc nên những chất bị cấm vẫn được sử dụng, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe cộng đồng.
Theo Viện trưởng Viện KHKTNN miền Nam Lã Văn Kính, từ 20-6 đến 1-11, Viện đã tiếp nhận và phân tích 428 mẫu thức ăn chăn nuôi do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cùng 12 tỉnh, thành phố và các Cty chế biến thức ăn chăn nuôi gửi về. Kết quả có 47 mẫu (chiếm gần 11%) dương tính.Số mẫu có phản ứng dương tính chủ yếu là thức ăn cho lợn (96,5%), 3,5% mẫu thức ăn có kết quả dương tính là dành cho gà.
Điều đáng nói là, ở một số nước, thường chỉ phát hiện hoócmôn kích thích tăng trưởng trong thức ăn dành cho lợn thịt ở giai đoạn vỗ béo, nhưng ở nước ta thì phát hiện hoócmôn kích thích để nuôi lợn từ sau cai sữa đến lợn nái.
Trong những loại hoócmôn kích thích tăng trưởng có 2 loại được sử dụng phổ biến là Clenbuterol và Salbutamol. Viện KHKTNN miền Nam đã phân tích định lượng hai loại hoócmôn này trong thức ăn chăn nuôi, cũng như trong thịt, sữa, máu, nước tiểu động vật. Kết quả cho thấy, hàm lượng Clenbuterol trung bình trong thức ăn là cao, hàm lượng Salbutamol thì thấp hơn so với hàm lượng Clenbuterol.
Để có đánh giá khách quan về thực tế sử dụng hoócmôn tăng trưởng cũng như tồn dư trong sản phẩm động vật, viện đã lấy ngẫu nhiên ba mẫu thịt và hai mẫu thận lợn tại các chợ ở TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm. Kết quả, một mẫu thận có tồn dư hàm lượng Clenbuterol và Salbutamol cao hơnnhiều lần so với tiêu chuẩn quốc tế Codex áp dụng cho thận bò, ngựa. Tồn dư Salbutamol trong một mẫu thịt cũng vượt quá tiêu chuẩn quốc tế Codex áp dụng cho thịt bò, ngựa. Sở dĩ, Viện phải so sánh tồn dư với bò, ngựa là do các chất nói trên không được phép sử dụng trong thức ăn dành cho lợn.
Để có kết quả chính xác hơn, viện tiếp tục lấy thêm 100 mẫu máu tại các lò giết mổ lớn ở TP Hồ Chí Minh để phân tích. Kết quả phân tích 86 mẫu (14 mẫu bị vỡ hồng cầu, không phân tích được) thì 17 mẫu (gần 18%) dương tính. Hàm lượng Salbutamol trong máu các mẫu dương tính caoso với tiêu chuẩn Codex dành cho bò, ngựa nhiều lần. Theo ông Kính, tỷ lệ hàm lượng Salbutamol trong máu tỷ lệ thuận với Salbutamol trong thịt. Điều này đồng nghĩa với việc không ít người tiêu dùng đang sử dụng thực phẩm có hại.
Đàn lợn của một hộ nông dân xã Đông Dư (huyện Gia Lâm). Ảnh: Linh Tâm
Theo kết quả nghiên cứu, các loại hoócmôn kích thích tăng trưởng đang được sử dụng khá phổ biến ở phía Nam với nguồn cung cấp chủ yếu từ Trung Quốc. Phạm vi lấy mẫu xét nghiệm chỉ là ở một số tỉnh phía Nam trong khi tốc độ phát triển chăn nuôi của khu vực phía Bắc, đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng đang tăng mạnh. Như vậy, khả năng sử dụng hoócmôn tăng trưởng ở khu vực này là điều khó tránh, bởi Đồng bằng sông Hồng rất gần biên giới phía Bắc. Đây là mối đe dọa lớn đến sức khỏe cộng đồng, bởi các loại hoócmôn kích thích tăng trưởng có tác dụng phụ gây hại cho người sử dụng như rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, liệt cơ, run cơ, phù nề, thậm chí dẫn đến ung thư.
Không ít ý kiến tại cuộc hội thảo cho rằng, chế tài đã có nhưng các địa phương chưa triển khai thực hiện nghiêm túc, ráo riết. Điều này được thể hiện rõ ở chi tiết, tháng 6-2006, Bộ NN&PTNT có Chỉ thị về tăng cường kiểm tra hoócmôn tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, nhưng 6 tháng sau (khi diễn ra hội thảo), cơ quan chức năng vẫn chưa thể nêu tên một doanh nghiệp nào vi phạm cũng như hình thức xử lý, dù các mẫu thực phẩm được Viện KHKTNN miền Nam phân tích được lấy trong tháng 7 và tháng 8.
Vẫn biết, chăn nuôi ở nước ta hiện nay chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, nên việc quản lý gặp không ít khó khăn. Nhưng đó không thể là cớ để cơ quan chức năng viện dẫn nhằm biện minh cho việc buông lỏng quản lý của mình. Về mặt sức khỏe thì đã rõ, nếu không quản lý tốt sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và đây là thiệt hại lớn nhất. Về mặt kinh tế, Việt Nam đã được kết nạp vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phải tuân thủ luật chơi quốc tế, mà một trong những quy định rất khắt khe là quản lý dư lượng kháng sinh, hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp. Khoảng 70% dân số nước ta đang sống ở nông thôn và chăn nuôi là một trong hướng phát triển của ngành Nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi chỉ thực sự đem lại hiệu quả cao nếu là sản xuất hàng hóa. Do vậy, không quản lý tốt việc sử dụng kháng sinh, hóa chất bị cấm trong chăn nuôi cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm làm ra không thể xuất khẩu do những đòi hỏi khắt khe của các nhà nhập khẩu. Sản phẩm không xuất khẩu được, đem về bán trong nước há chẳng phảilà “gậy ông đập lưng ông”. Bài học về những lô hàng thủy sản có dư lượng kháng sinh bị trả về vẫn còn nguyên giá trị.
Chuyện sử dụng thức ăn chăn nuôi có hoócmôn tăng trưởng ở phía Nam là lời cảnh báo cho hệ thống chăn nuôi cả nước. Bên cạnh giải pháp trước mắt, đã đến lúc cần có chiến lược, quy hoạch phát triển chăn nuôi đồng bộ. Có vậy, mới giải quyết tận gốc vấn đề và đem lại sự công bằng cho những người chăn nuôi nghiêm túc, không sử dụng hoócmôn tăng trưởng.
Nguyễn Đức
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.