Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động về hiệu lực quản lý

Quốc Bình| 24/05/2012 07:27

(HNM) - Hà Nội vừa chứng kiến hai vụ việc vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Lẽ ra các vụ việc không tốn nhiều giấy mực như vậy, nếu chính quyền cơ sở thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, ngăn chặn kịp thời từ đầu.


Công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo.

Hai vụ vi phạm trật tự xây dựng được Báo Hànộimới điều tra, làm rõ và thông tin liên tục trong thời gian qua là công trình sai phép tại 55A-55B phố Bà Triệu (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm) và công trình xây dựng của Học viện Phật giáo tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn). Đến nay việc xử lý các công trình đã có những kết quả nhất định. Ngày 10-5, UBND quận Hoàn Kiếm đã có báo cáo kết quả xử lý kỷ luật đối với một số cán bộ UBND quận và UBND phường Hàng Bài chưa hoàn thành trách nhiệm để xảy ra vụ việc. Đó là nhờ sự lên án mạnh mẽ từ quần chúng nhân dân, các cơ quan ngôn luận và đặc biệt là sự vào cuộc kịp thời, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy. Nếu không có những yếu tố này, chỉ trông chờ việc tự xử lý của chính quyền địa phương thì vụ việc dễ bị "chìm xuồng". Trong quá trình xử lý vụ việc sai phạm trật tự xây dựng nêu trên đã bộc lộ những biểu hiện quanh co trong đề xuất hình thức xử lý vi phạm, rồi đề xuất điều chỉnh giấy phép xây dựng, mặc dù quy định của Chính phủ và UBND TP đã rất rõ ràng. Quy định của Chính phủ (Điều 13, Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007) nêu: Vừa phải chịu phạt hành chính vừa phải phá bỏ phần sai phép. Hình thức xử lý nghiêm khắc này đã được TP chỉ đạo thực hiện nhiều lần đối với hàng loạt công trình cách đây chưa lâu như: Công trình 13 tầng tại số 16, tổ 6, cụm 2 (phường Bưởi, Tây Hồ); số 4 Đặng Dung; số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh; số 9 Đào Duy Anh… Người dân bình thường cũng không xa lạ với những quy định như vậy huống chi là cán bộ quản lý trật tự xây dựng.

Vụ việc tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn cũng có điểm tương tự là chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm. Vi phạm rõ ràng là công trình xây dựng trên đất không thuộc sở hữu của Học viện Phật giáo Việt Nam (công trình có mặt sàn 1.300m2, nhưng hơn một nửa nằm trên đất của dự án đã được cấp cho doanh nghiệp). Nhưng phải đến khi Thường trực Thành ủy chỉ đạo, dư luận lên tiếng, cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện mới họp để thống nhất "có ngay quyết định buộc chủ đầu tư phải tháo dỡ công trình trái phép". Lẽ ra từ khi Học viện Phật giáo cho san lấp diện tích lên tới 5.500m2 đất để làm công trình vi phạm này (năm 2010-2011), chính quyền cơ sở đã phải vào cuộc quyết liệt ngăn chặn. Thực tế đã có sự né tránh, nể nang, "ngại" đụng chạm của chính quyền cơ sở đối với đối tượng vi phạm.

Còn nhớ, khi làm việc với huyện Sóc Sơn năm 2011, chính Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã nhắc nhở, đối với các vi phạm trật tự xây dựng, các cơ quan nhà nước cứ đúng phép công mà xử lý, không phải chờ ý kiến TP. Thực tế, "biện pháp" hỏi ý kiến TP để đùn đẩy việc ra quyết định xử lý những vụ việc phức tạp luôn được cơ sở áp dụng. Cách "vào cuộc" như vậy của chính quyền cơ sở là không dựa trên tinh thần thượng tôn pháp luật, coi trọng phép công, không rõ chức trách của người cán bộ, đảng viên.

Nhiều năm nay, Thành ủy, HĐND, UBND TP đều xác định quản lý trật tự xây dựng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu phải tập trung. Năm 2007, TP mở đợt rà soát, kiểm tra, xử lý nhiều công trình xây dựng trái phép, sai phép trên địa bàn TP, hàng loạt cao ốc vi phạm đã bị "cắt ngọn" - một việc làm tưởng như rất khó thành công, đã được thực hiện nghiêm khắc - tạo tiếng vang và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Liên quan đến các vi phạm như tại công trình số 4 Đặng Dung, số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh, số 9 Đào Duy Anh… một số cán bộ, đảng viên thiếu trách nhiệm đã bị xử lý kỷ luật. Bẵng đi một thời gian, đến nay tình hình vi phạm trật tự xây dựng lại bộc lộ những phức tạp cũ.

Thiết nghĩ cần phải gióng lên một hồi chuông cảnh báo và siết chặt lại công tác này bằng việc mở một đợt rà soát, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm khắc đối với các vi phạm. Trách nhiệm của chính quyền cơ sở cần phải được quy định rõ ràng bằng văn bản. Đặc biệt là quy chế làm việc cần cụ thể hóa để không tái diễn tình trạng lẫn lộn giữa việc báo cáo, xin ý kiến với hành vi đùn đẩy trách nhiệm xử lý cho cấp trên như đã từng có trong các vụ việc vừa qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động về hiệu lực quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.