Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động tình trạng động vật nhiễm PFAS

Thương Nguyệt| 23/02/2023 13:59

(HNMO) - Hợp chất PFAS độc hại liên quan đến ung thư và các vấn đề sức khỏe khác được tìm thấy trong máu của hàng trăm loài động vật trên thế giới.

PFAS là thuật ngữ chung cho một nhóm khoảng 12.000 hóa chất được sử dụng trong nhiều sản phẩm tiêu dùng, bao gồm quần áo không thấm nước, đồ nội thất, dụng cụ nấu ăn, đồ điện tử, bao bì thực phẩm, bọt chữa cháy…

Hợp chất kể trên còn được gọi là hóa chất vĩnh cửu vì không bị phân hủy trong môi trường tự nhiên, có liên quan đến ung thư, bệnh gan, suy thận, biến chứng thai nhi và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện PFAS trong nhiều loài động vật như gấu trúc, hổ Siberia, rùa, ngựa, chó, sư tử biển, lợn rừng.... Đây là tín hiệu đáng báo động, theo nhận định của nhà khoa học David Andrews, đến từ Environmental Working Group (EWG), một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi tình trạng ô nhiễm PFAS.

Ảnh minh họa: Getty Images

Theo The Guardian, PFAS có tính di động cao và luân chuyển liên tục trong môi trường. Điều đó đồng nghĩa, ngay cả những động vật ở những vùng xa xôi trên thế giới như chim cánh cụt Nam Cực hoặc gấu Bắc Cực cũng có thể bị nhiễm ở mức độ cao.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy khoảng 120 loại hóa chất trong máu động vật. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn do những giới hạn về khả năng xét nghiệm khiến việc xác định nhiều loại trở nên khó khăn.

Tác động đối với sức khỏe của động vật vẫn chưa rõ ràng, nhưng năm ngoái, các nhà nghiên cứu ở Bắc Carolina (Mỹ) đã phát hiện tình trạng rối loạn tự miễn dịch tương tự như bệnh lupus ở cá sấu sống trong nước bị ô nhiễm PFAS. Họ cũng tìm thấy bằng chứng về các vấn đề trong hệ thống miễn dịch ở rùa biển Bắc Thái Bình Dương.

Nhà khoa học David Andrews cho rằng, cần hạn chế PFAS hơn nữa để ngăn hợp chất nguy hiểm này lan ra môi trường. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động tình trạng động vật nhiễm PFAS

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.