Kỹ năng sống

Báo động tình trạng bắt nạt trẻ em trên không gian mạng

Thương Nguyệt 27/03/2024 - 12:03

Trong báo cáo công bố ngày 27-3, Văn phòng Tổ chức y tế thế giới khu vực châu Âu (WHO châu Âu) nêu rõ, khoảng 16% trẻ em từ 11 đến 15 tuổi bị bắt nạt trên không gian mạng vào năm 2022, tăng so với 13% của bốn năm trước.

Báo cáo theo chu kỳ 4 năm là lời cảnh tỉnh đối với những nỗ lực giải quyết tình trạng bắt nạt và bạo lực, không phân biệt thời gian hay địa điểm.

Theo nghiên cứu có tựa đề “Hành vi sức khỏe ở trẻ em trong độ tuổi đi học”, 15% bé trai và 16% bé gái xác nhận từng bị bắt nạt trên mạng ít nhất một lần trong những tháng gần đây.

WHO châu Âu lưu ý, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã thay đổi cách cư xử của thanh thiếu niên. Cụ thể, những hình thức bạo lực ảo đã trở nên nghiêm trọng hơn khi giới trẻ dành nhiều thời gian trên không gian mạng trong thời kỳ phong tỏa vì dịch bệnh.

Mức độ bắt nạt trực tuyến cao nhất xảy ra với các bé trai ở Bulgaria, Lithuania, Moldova và Ba Lan, trong khi mức độ thấp nhất được báo cáo ở Tây Ban Nha.

untitled.png
Ảnh minh họa: Nikkei Asia

Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge cho biết: “Với việc những người trẻ tuổi dành 6 giờ trực tuyến mỗi ngày, ngay cả những thay đổi nhỏ về tỷ lệ bắt nạt và bạo lực cũng có thể có tác động sâu sắc đến sức khỏe và hạnh phúc của hàng nghìn người”.

Báo cáo cho biết, cứ 8 thanh thiếu niên thì có 1 người thừa nhận bắt nạt người khác trên mạng, tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2018.

Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu từ 279.000 trẻ em và thanh thiếu niên từ 44 quốc gia trên khắp châu Âu, Trung Á và Canada. Tại phần lớn các khu vực, hình thức bắt nạt trên mạng đạt đỉnh điểm khi trẻ em được 11 tuổi đối với bé trai và 13 tuổi đối với bé gái.

Báo cáo cũng cho thấy tình trạng kinh tế xã hội của cha mẹ tạo ra rất ít sự khác biệt trong hành vi của trẻ. Tuy nhiên, Canada là một ngoại lệ, những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thường đối diện nguy cơ bị bắt nạt cao hơn.

Lưu ý rằng vấn đề này đã lan rộng, báo cáo kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để nâng cao nhận thức và giám sát các hình thức bạo lực thông qua giáo dục, gia đình và trường học. Đồng thời, đẩy mạnh quản lý các nền tảng truyền thông xã hội để hạn chế tình trạng bắt nạt trên mạng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động tình trạng bắt nạt trẻ em trên không gian mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.