Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động tai nạn lao động trong xây dựng

Thùy Linh| 19/06/2017 06:29

(HNM) - Theo thống kê hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, TP Hồ Chí Minh là một trong 10 địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, trong đó tai nạn trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ đáng báo động.

Lĩnh vực xây dựng luôn tiềm ẩn tai nạn lao động. Ảnh: Mạnh Hà


Trong cuộc hội thảo mới đây về “Phòng chống nguy cơ tai nạn lao động trên công trường xây dựng” do Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Mai Hoài Nhân, Phó Trưởng phòng An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2016 trên địa bàn thành phố đã xảy ra 94 vụ tai nạn lao động chết người thì có 68 vụ thuộc ngành xây dựng (chiếm 72%). So với năm trước, số vụ tai nạn lao động chết người năm 2016 trong ngành xây dựng có giảm nhẹ, tuy nhiên con số này có thể chưa đầy đủ vì còn nhiều vụ là lao động tự do chưa được khai báo theo đúng quy định pháp luật.

Theo Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, phần lớn các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây chết người trên địa bàn xảy ra tại các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ. Cụ thể, trong 68 vụ tai nạn lao động chết người thì có đến 34 vụ tại các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ (chiếm 50%); các công trình xây dựng nhà ở chung cư, tập thể là 14 vụ (gần 21%).

Qua công tác điều tra của Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh về các vụ tai nạn lao động chết người, đa số nguyên nhân là từ lỗi của người sử dụng lao động, như không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn lao động; không có biện pháp kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh những sai sót, đặc biệt là đối với các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ. Ngoài ra, công nhân trực tiếp làm việc tại công trình phần lớn là lao động phổ thông, chưa được huấn luyện an toàn, chưa có ý thức chủ động phòng tránh tai nạn lao động cho bản thân.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH, hiện còn nhiều công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình riêng lẻ chưa được kiểm tra về nội dung an toàn lao động; chưa bảo đảm sự tuân thủ quy định pháp luật về an toàn trong thi công xây dựng. Vì vậy, Sở này kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh ban hành quy định về kiểm tra, thanh tra chuyên đề an toàn lao động tại các công trình xây dựng và quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với UBND các cấp; phân cấp rõ trách nhiệm quản lý theo địa bàn để tránh trùng lặp, bảo đảm sự phối hợp.

Bên cạnh đó là nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chuyên môn, của UBND các cấp bằng cách tổ chức tập huấn về an toàn lao động, các quy định pháp luật về an toàn trong xây dựng cho cán bộ quận, huyện, phường, xã có liên quan đến việc kiểm tra công trình xây dựng. Tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy định về an toàn lao động của chủ đầu tư. Chỉ khi có sự chủ động, quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng mới mong giảm được tai nạn lao động trên công trình xây dựng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động tai nạn lao động trong xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.